Việt Nam - Mỹ ký biên bản bàn giao mặt bằng xử lý dioxin sân bay Biên Hòa

01/11/2019 15:22 GMT+7

Sân bay Biên Hòa, nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam , điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam, sắp được khử độc.

Tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, sáng 1.11, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Phó giám đốc toàn cầu Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Bonnie Glick, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene đã tham dự lễ bàn giao 37 ha mặt bằng tại sân bay Biên Hòa từ Quân chủng Phòng không - Không quân (PK - KQ) sang cho USAID.
Đây là một cột mốc khởi đầu quan trọng trong dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.
Công việc bước đầu của USAID và Quân chủng PK - KQ là xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực Pacer Ivy bằng phương pháp xử lý và cô lập, tương tự như các phương pháp được áp dụng thành công tại sân bay Đà Nẵng.
Sân bay Biên Hòa, nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.
Năm 2016, USAID đã hợp tác với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Theo kết quả đánh giá, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m3, gấp khoảng 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng.
Năm 2018, USAID đã ký thỏa thuận với Quân chủng PK - KQ về khoản đóng góp 183 triệu USD của USAID cho cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, và dự án đã chính thức được phê duyệt và khởi động vào tháng 4.2019.
Theo ước tính của USAID, công tác xử lý tổng thể sẽ được hoàn thành trong 10 năm.
Trước đó, việc xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được hoàn thành tháng 11.2018 sau 6 năm thực hiện với kinh phí 110 triệu USD.
Sân bay Đà Nẵng được áp dụng cả 2 phương pháp xử lý là khử hấp thu nhiệt và lưu chứa. Công nghệ khử hấp thu nhiệt gồm 3 bước chính: xây dựng kết cấu mố kín, nổi trên mặt đất; đào đất, bùn nhiễm dioxin và đưa vào mố; và nung nóng bùn đất tới nhiệt độ cao (tối thiểu 335ºC) để tiêu hủy dioxin.
Sau 2 chu trình xử lý, các chuyên gia của USAID và Bộ Quốc phòng đã tiến hành xét nghiệm khoảng 95.000 m3 bùn đất đã qua xử lý, nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xử lý được Chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Sau đó, bùn đất đã qua xử lý được làm nguội, chuyển ra khỏi mố và được sử dụng làm đất san lấp phục vụ cho việc mở rộng sân bay Đà Nẵng. Ngoài quá trình xử lý khử hấp thu nhiệt, USAID và Bộ Quốc phòng cũng đã gần hoàn thành chôn lấp khoảng 60.000 m3 bùn ô nhiễm dioxin ở nồng độ thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.