Việt Nam phản hồi quan điểm của Malaysia và Philippines về Biển Đông lên Liên Hợp Quốc

15/04/2020 18:35 GMT+7

Tiếp sau việc phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông , Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng vừa chính thức có công hàm phản hồi quan điểm của Malaysia và Philippines về vấn đề này.

Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc vừa có Công hàm số 24/HC-2020 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản hồi Công hàm số HA 59/12 ngày 12.12.2019 của Malaysia về vấn đề Biển Đông.
Theo đó, Công hàm của Việt Nam nêu rõ, liên quan đến Công hàm số HA 59/12 ngày 12.12.2019 của Phái đoàn thường trực Malaysia tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, liên quan đến Báo cáo riêng của Malaysia trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, Việt Nam bày tỏ lập trường như sau:
Việt Nam lưu ý rằng, theo điều 76 (10) và Phụ lục 2 của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 mà cả Việt Nam và Malaysia là thành viên, hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa không làm phương hại đến các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền.
Việt Nam nhắc lại Báo cáo chung ngày 6.5.2009 giữa Việt Nam và Malaysia về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía nam Biển Đông và Báo cáo ngày 7.5.2009 của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía bắc Biển Đông.

Một phần Công hàm phản hồi quan điểm của Malaysia về Biển Đông của Việt Nam

Ảnh chụp màn hình

Việt Nam bảo lưu quyền đệ trình các thông tin liên quan về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải tại các khu vực khác ở Biển Đông.
Nhân dịp này, Việt Nam nhắc lại lập trường nhất quán, rằng Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý đế khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982.
Lập trường này của Việt Nam đã được đề cập trong nhiều văn bản được lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Phái đoàn thường trực của Việt Nam đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc.
Cùng với đó, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng có Công hàm số 25 / HC-2020 phản hồi Công hàm số 000191-2020 và 000192-2020 ngày 6.3.2020 của Phái đoàn thường trực Philippines tại Liên hợp quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Công hàm của Việt Nam phản hồi quan điểm của Philippines

Ảnh chụp màn hình

Theo đó, lập trường nhất quán của Việt Nam là, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982.
Lập trường này của Việt Nam đã được đề cập trong nhiều văn bản được lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Phái đoàn thường trực Việt Nam đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu hành công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.