Việt Nam phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Kuwait

21/05/2007 14:42 GMT+7

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhà nước Kuwait Sheik Nasser Al - Mohammad Al ahmad Al-sabah sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ 23-25/5/2007.

Chuyến thăm của Thủ tướng Sheik Nasser Al - Mohammad Al ahmad Al-sabah là đoàn cấp cao đầu tiên của Kuwait đến Việt Nam trong bối cảnh nước ta sau 20 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt và trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 ở châu Á, có môi trường ổn định, thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Chuyến thăm khẳng định, Kuwait coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với Việt Nam, đồng thời tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và lao động. Đón Thủ tướng Kuwait, Việt Nam một lần nữa khẳng định coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Kuwait và các nước vùng Vịnh.

Nằm trên bờ phía Tây Bắc Vịnh Péc-xích, đất nước đạo Hồi Kuwait được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt về nguồn tài nguyên thiên nhiên dầu mỏ. Dựa chủ yếu vào công nghiệp khai thác, chế biến dầu lửa và hơi đốt, nên Kuwait có tiềm lực kinh tế rất mạnh. Hàng năm, dầu lửa đem lại nguồn thu khoảng hơn 98% nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, người nước ngoài chiếm khoảng 80% lực lượng lao động tại nước này. Kuwait là thành viên LHQ, phong trào KLK, Liên đoàn Ả-rập, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC)...

Với dân số 2,7 triệu người, mức tăng trưởng kinh tế 8% (năm 2006), thu nhập bình quân đầu người 24.040 USD (năm 2006) và tổng GDP năm 2006 là 58,3 tỷ USD, Kuwait có một khối lượng dự trữ ngoại tệ và vàng tương đối lớn: quỹ dự trữ quốc gia 36 tỷ USD; quỹ dành cho các thế hệ tương lai 128 tỷ USD, giá trị tài sản ở nước ngoài 166 tỷ USD.

Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của Kuwait chủ yếu với Tây u, Mỹ, Nhật Bản và Châu Đại Dương (60% dầu lửa được xuất cho Tây u, 36% cho Nhật và Châu Đại Dương). Năm 2005, Kuwait đầu tư ra nước ngoài 10 tỷ 112 triệu USD. Những năm gần đây, Kuwait nói riêng và các nước GCC nói chung có xu hướng đầu tư sang châu Á (Trung Quốc, Ấn độ, Hàn Quốc, Nhật Bản), gần đây là Việt Nam. Với thế mạnh về dầu lửa, Kuwait xuất khẩu mạnh các mặt hàng dầu và các sản phẩm hóa dầu, phân bón và nhập khẩu chủ yếu là thực phẩm, vật liệu xây dựng, máy móc và đồ may mặc.

Việt Nam và Kuwait thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 10/1/1976; đến tháng 10/2003, Việt Nam đã chính thức mở Đại sứ quán tại Kuwait. Nhân dân Kuwait rất có cảm tình và khâm phục cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Thời gian qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Đến nay, thông qua “Quỹ Kuwait phát triển kinh tế Ả-rập”, Kuwait đã cho Việt Nam vay tổng cộng hơn 100 triệu USD để đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn). Hiện nay, hai nước đang đàm phán các hiệp định: khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế 2 lần. Hai nước đã ký: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (ký ngày 3/5/1995), Hiệp định thương mại (ký ngày 3/5/1995), Hiệp định vận chuyển hàng không (ký ngày 9/5/2001). Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (6/2005). Kuwait cũng đang xem xét khả năng đầu tư khoảng 500 triệu USD vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 380 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2002. Hàng hóa xuất của Việt Nam xuất sang Kuwait chủ yếu là: dệt may, hải sản, đồ gỗ, máy vi tính, điện tử, hạt tiêu, giày dép, gốm sứ... và hàng nhập chủ yếu là dầu DO, phân u-rê, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại...

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.