Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng Covid-19 được phê duyệt (Covid-19 vaccine AstraZeneca) do Công ty AstraZeneca sản xuất, được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5 ml.
Sẽ tiêm trước cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch
Vắc xin này được sản xuất tại Ý, Anh và Đức. Trước mắt, trong quý 1/2021, 50.000 liều vắc xin đầu tiên sẽ về đến Việt Nam. 30 triệu liều Covid-19 vaccine AstraZeneca được cung cấp cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, thay vì kéo dài đến hết năm, như dự kiến ban đầu. Các lô vắc xin được Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) là đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng về an toàn và sinh miễn dịch đối với vắc xin Covid-19 vaccine AstraZeneca.
|
“Kết quả thẩm định cho thấy đây là vắc xin an toàn có tỷ lệ sinh miễn dịch cao, trên 90%. Vì đây là vắc xin đã được lưu hành, được Cơ quan Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cho phép sử dụng nên khi về Việt Nam, vắc xin sẽ không phải nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chỉ tiến hành tiêm và lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá sinh miễn dịch trên người Việt Nam. Trong tình huống dịch vẫn lây lan mạnh, thì sẽ tiêm ngay và lấy mẫu trên một nhóm người tiêm, thay vì chờ gần 2 tháng sau khi có dữ liệu đánh giá”, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, cho biết.
Theo đại diện của VNVC, đến thời điểm hiện tại, VNVC đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống phần mềm trực tuyến cho việc đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi về đến Việt Nam. Nhân lực tiêm chủng, hệ thống kho lạnh, thiết bị bảo quản, phân phối vắc xin Covid-19 đã thiết lập, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định và khuyến cáo của nhà sản xuất, đã được hoàn thiện. Bộ Y tế đang lên kế hoạch phân bổ vắc xin cho các đối tượng tiêm, trước diễn biến dịch Covid-19 đang lây lan trong cộng đồng do chủng vi rút mới có khả năng lây lan rất nhanh. Sẽ ưu tiên tiêm trước tiên cho nhân viên y tế, những người nguy cơ cao tuyến đầu chống dịch.
Kêu gọi người dân cung cấp thông tin chống dịch
Ngày 1.2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 (Tổ thông tin) báo cáo về công tác truy vết các ca nhiễm Covid-19. Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin, cho biết ngoài hơn 100 tình nguyện viên làm việc trực tiếp tại tổ, còn có hàng nghìn tình nguyện viên hỗ trợ trực tuyến nhằm xác minh ngay lập tức thông tin đối với các trường hợp F1, F2, F3… Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác truy vết, theo dấu ca bệnh là lượng người từ các ổ dịch ở Hải Dương di chuyển đến các địa phương khác rất lớn, tiếp xúc với nhiều người.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, nhiều người mắc Covid-19, đang cách ly tập trung, hoặc thuộc diện F1, F2 ở Hải Dương đã rất chủ động sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để thông báo cho những người mình quen biết, tiếp xúc, qua đó giúp Tổ thông tin xác minh trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, cũng còn không ít trường hợp mắc Covid-19, hay thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo, thậm chí không hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Có ca mắc với hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân ở vùng có dịch, thực hiện thật tốt các quy định phòng chống dịch, đồng thời sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội cung cấp thông tin cho Tổ thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về tất cả những người đã tiếp xúc trong khoảng thời gian vừa qua, và kêu gọi những người liên quan ổ dịch, ca bệnh dù đang ở đâu cũng cần chủ động khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. "Việc này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của cả đất nước", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)