Sáng 25.10, Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) ra thông báo hoàn tất việc khắc phục sự cố nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải và khẳng định đã đủ điều kiện cấp nước sạch trở lại.
Viwasupco cho biết, căn cứ trên các mẫu xét nghiệm các ngày 14, 16, 18.10 do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) và các mẫu xét nghiệm nội kiểm ngày 16.10 của Quatest, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Hà Nội công bố, nguồn nước sông Đà đã đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn chất lượng QCVNN01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành. Hiện nước sạch sông Đà đã đảm bảo an toàn để sử dụng vào mục đích ăn, uống.
Theo Viwasupco, để đạt tiêu chuẩn đảm bảo nước dùng cho ăn, uống, công ty này đã hớt váng, sử dụng phao, gối chuyên dụng để hút dầu trên khu vực đầu nguồn, đổ than hoạt tính trên hơn 3 km kênh dẫn nước vào hồ chứa, nạo vét toàn bộ lớp đất đá dính dầu và bùn ao trên toàn bộ khu vực nhiễm dầu. Đồng thời, Viwasupco cũng đã súc xả toàn bộ tuyến ống truyền tải, bể chứa trung gian, bể chứa trạm điều tiết, thay mới cát lọc…
Viwasupco cũng cho biết nhà máy chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp là bị đổ dầu vào đầu nguồn nước nguyên liệu. “Chúng tôi mong muốn thông qua cơ quan thông tấn báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ”, thông tin Viwasupco phát đi có đoạn viết. Đồng thời, Viwasupco cũng xin cung cấp nước miễn phí trong thời kỳ xảy ra sự cố, tương đương 1 tháng tiền nước.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam - đơn vị phụ trách xử lý sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, cho biết trung tâm này đang tiếp tục rà soát từng mét suối Trầm để kiểm tra dầu thải sót lại. Theo ông Sơn, dọc theo đoạn suối Trầm dài 4 km từ vị trí sự cố xuôi về phía hạ lưu, trung tâm đã đặt khoảng 50 màng lọc dầu chuyên dụng để “bắt” lượng dầu sót lại. “Bùn, đất nhiễm dầu đều được đưa về khu tập kết được lót đáy chống thấm, chống ngấm và phủ bạt để che mưa nhưng phải lưu trữ để phục vụ điều tra. Ngay sau khi thủ tục này hoàn tất, chúng tôi triển khai xử lý lượng bùn, đất nhiễm dầu đã được tập kết bằng phương pháp phân hủy sinh học”, ông Sơn nói.
Bình luận (0)