Vụ 39 người chết: Công an Nghệ An khởi tố vụ án, bắt giữ 8 đối tượng

04/11/2019 11:32 GMT+7

Phát biểu trên hội trường Quốc hội sáng 4.11, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho hay, ngày hôm qua, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt giữ 8 đối tượng đưa người ra nước ngoài trái phép.

Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại kỳ họp 8 của Quốc hội sáng 4.11, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ, cả thế giới bàng hoàng với vụ 39 người chết trong xe container tại Anh, và người Việt Nam lại càng đau xót hơn khi biết tin trong số nạn nhân có người Việt Nam, cũng có thể tất cả các nạn nhân đều là người Việt Nam.

Nỗi đau từ làng quê nghèo trong vụ 39 thi thể trong xe container ở Anh

Gióng hồi chuông về công tác quản lý nhà nước

Theo ông Cường, nạn buôn người, đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của thế giới và là vấn đề không dễ giải quyết. Trong sự việc này, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã kịp thời có hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các vấn đề liên quan, động viên chia sẻ gia đình các nạn nhân.
"Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng những kẻ phạm tội sẽ bị phát hiện và trừng trị kịp thời, gia đình các nạn nhân sẽ được giúp đỡ để vượt qua nỗi đau này. Những việc làm này rất cần thiết, nhưng chưa đủ", ông Cường nói.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu nói về vụ việc phát hiện 39 thi thể ở Anh - Thực hiện: Vũ Hân

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị trong vụ việc 39 người chết tại Anh, cần có sự nhìn nhận đánh giá tình hình một cách nghiêm túc để rút ra bài học, để tránh những thảm kịch đau lòng tương tự.
"Sự việc nêu trên xảy ra có nguyên nhân chủ yếu từ hành vi tổ chức lôi kéo dụ dỗ của những kẻ phạm tội, từ nhận thức không đúng đắn của nạn nhân, nhưng không thể không nói đến nguyên nhân từ những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước", ông Cường nhấn mạnh.
"Đây là sự việc gióng lên hồi chuông về công tác quản lý nhà nước trong một số trường hợp còn chưa theo kịp, đi sau thực tiễn. Và chỉ khi sự việc tiêu cực xảy ra, chúng ta mới bắt đầu quan tâm hơn tới việc rà soát, thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh tình hình", ông Cường nói thêm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Ảnh Gia Hân

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thực trạng người Việt Nam đi lao động nước ngoài "chui" không phải vấn đề mới. Mỗi năm chúng ta đưa khoảng hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức. Tuy nhiên, số người lao động Việt Nam làm việc thực tế tại nước ngoài lớn hơn nhiều. Ở một số địa phương, nhiều xã có tới hàng nghìn người lao động ở nước ngoài.
"Có nghĩa nhiều người đi lao động nước ngoài "chui" theo nhiều con đường khác nhau", ông Cường nhận định.
Thực trạng tội phạm buôn bán người, tội phạm môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép cho thấy, công tác công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của việc tham gia vào đường dây mua bán người kết quả còn rất hạn chế. Theo ông Cường, trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, thực trạng này cũng cho thấy quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh biên giới, quản lý xuất nhập cảnh còn bất cập. Việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, đưa người đi lao động theo con đường chính thức kết quả còn hạn chế.
Đặc biệt, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa đấu tranh hiệu quả để kịp thời phát hiện điều tra xử lý các đường dây mua bán người, các đối tượng dụ dỗ lôi kéo tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài, hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Từ đó, ông Cường đề nghị Chính phủ, cơ quan tư pháp T.Ư làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc, rút ra bài học kinh nghiệm từ vụ việc này để kịp thời khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước trong vấn đề này.

Đã khởi tố vụ án, bắt giữ 8 đối tượng

Trao đổi lại với ông Cường trên hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh vụ việc 39 người chết trong xe container tại Anh là sự việc đau lòng, chấn động và bày tỏ chia buồn sâu sắc với các gia đình nạn nhân.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói: "Sự việc 39 người chết xảy ra tại Anh, kết luận tội phạm gì là do cơ quan chức năng nước Anh kết luận. Còn ở phía Việt Nam, đây không phải là tội phạm buôn bán người, mà là tổ chức đưa người ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép".
"Hiện nay, Bộ Công An đã chỉ đạo khởi tố vụ án, và ngày hôm qua (3.11), Công an Nghệ An bắt giữ 8 đối tượng liên quan tới đường dây này", ông Cầu thông tin.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Cầu cho hay, hiện Nghệ An có 21 trường hợp trong diện nghi vấn là nạn nhân trong vụ việc 39 người chết tại Anh.
“Sáng nay, Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An sẽ họp về vấn đề hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Nhưng theo quy định chung thì phải tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu địa phương làm gì thì địa phương phải thực hiện”, ông Cầu thông tin.
Theo ông Cầu, ngày hôm qua, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo một cuộc họp của các ngành liên quan để bàn cách đưa các nạn nhân bị chết ở Anh về quê hương. Nghệ An sẽ thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ.
Liên quan tới thông tin có người gọi điện đe dọa gia đình các nạn nhân, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay, chưa nhận được thông tin này.
“Chúng tôi chỉ có thông tin sau khi phát hiện nạn nhân tử vong tới nay đã có đối tượng đưa tiền đến trả lại cho gia đình chưa có đối tượng nào đe dọa nững người bị hại”, ông Cầu nói và cho biết, việc quan trọng nhất lúc này là khắc phục hậu quả để các gia đình không may có con em bị thiệt mạng trong vụ việc nói trên sớm nhận được thi thể người thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.