Vụ 39 người chết tại Anh: Xác minh danh tính để đưa các nạn nhân về nước

05/11/2019 04:04 GMT+7

Liên quan đến vụ 39 người được cho là người VN chết trên xe đông lạnh tại Anh, ngoài việc nhanh chóng xác minh danh tính các nạn nhân và đưa họ về nước như một nghĩa cử nhân đạo, việc điều tra đường dây đưa người xuất cảnh trái phép cũng đang được xúc tiến.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH), những việc làm đó là cần thiết nhưng chưa đủ. Thảm kịch này cho thấy có những điều phải nhìn nhận lại trong quản lý nhà nước.

VN đã mang đầy đủ các hồ sơ sang Anh để đối chiếu

Trả lời báo chí bên lề QH sáng 4.11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết ngày 3.11, đoàn công tác của Bộ Công an đã sang đến Anh, và vào sáng 4.11, cơ quan chức năng 2 bên làm việc với nhau. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã chỉ đạo đoàn công tác và những bên liên quan các công việc chính, trong đó thứ nhất là nhanh chóng xác nhận danh tính các nạn nhân.

Nỗi đau từ làng quê nghèo trong vụ 39 thi thể trong xe container ở Anh

“Thông tin từ phía Anh là có rất nhiều người VN. Chúng tôi cũng mang theo rất nhiều tài liệu Bộ Công an đã xác minh liên quan tới các trường hợp gia đình báo mất tích để đối chiếu với bên Anh, để có kết luận sớm rồi cùng với bên Anh giải quyết. Đấy là việc ưu tiên nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việc tiếp theo, nếu đã xác định là người VN thì tập trung làm công tác bảo hộ công dân để giải quyết các hậu quả, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình. Đáng chú ý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết “hiện Bộ Công an đã có chỉ đạo khởi tố một số vụ án và phát hiện, bắt giữ một số đối tượng có liên quan” đến việc tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.
Việc thứ tư được chỉ đạo là có các hành động giúp ổn định được cuộc sống của cộng đồng người VN ở nước ngoài, trong đó có ở Anh. “Trước tình hình này thì hiện nay cảnh sát một số nước có tiến hành truy quét (người nhập cư trái phép - PV). Chúng tôi có đề nghị chính phủ các nước tạo điều kiện cho người VN ở nước ngoài ổn định cuộc sống, không gây xáo động”, ông Tô Lâm nói.
Liên quan việc một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã nhận được thông báo của cảnh sát Anh, vậy liệu Bộ Công an đã có danh sách các trường hợp được phía Anh liên lạc chưa, ông Tô Lâm cho biết hiện vẫn đang phối hợp với cảnh sát Anh để rà soát.
“Vấn đề di cư cũng phức tạp, hiện chúng tôi đang phối hợp với cảnh sát Anh, có thêm căn cứ, chứng cứ chính xác mới có thể kết luận. Tất cả những thông tin gia đình báo mới là suy đoán và chúng tôi cũng căn cứ vào đó để xác minh”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm.
Về việc gửi ADN của các nạn nhân sang Anh để xác minh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết có mang theo đầy đủ các tài liệu cần thiết. “Rất nhiều trường hợp mang theo để đối chứng. Có những trường hợp gia đình chủ động cung cấp thông tin, nhưng không phải thân nhân của họ nằm trong số 39 người đó. Chúng tôi mang đi cũng rất nhiều để đối chứng chính xác nhất”, Bộ trưởng cho hay.
Về hướng hỗ trợ các gia đình, ông Tô Lâm cho hay Chính phủ đã có bàn bạc, thống nhất: sau khi đã xác định được nạn nhân là người VN, sẽ phối hợp để đưa thi hài những người xấu số đó trở về nước.
Vụ 39 người chết tại Anh: Xác minh danh tính để đưa các nạn nhân về nước1

Bà Cao Thị Uyên (ngụ H.Diễn Châu, Nghệ An) chờ đợi thông tin về tình trạng của con trai - được cho là nạn nhân trong vụ 39 người ở Anh

Ảnh: K.Hoan

Bắt 8 đối tượng

Cũng bên lề QH chiều 4.11, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến vụ 39 người tử vong tại Anh. Theo tướng Cầu, trong số 8 người bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ đều có con, em, người thân làm việc ở Anh và đã đi qua Anh rất nhiều, làm ăn được “nên từ bên Anh đã móc nối người thân của mình tổ chức cho những ai muốn sang Anh thì bên kia họ đón”.
Theo tướng Cầu, từ ngày 23.10, khi có thông tin trên mạng xã hội về việc có thể có người VN trong số các nạn nhân, Công an tỉnh Nghệ An đã khai thác thông tin trên các mạng xã hội, đặc biệt là các trang mạng của bà con Việt kiều ở nước ngoài và đến ngày 27.10 đã xác lập chuyên án trinh sát đấu tranh. Đến ngày 2.11, Công an tỉnh Nghệ An đã quyết định phải khởi tố vụ án để ngăn chặn các đối tượng bỏ trốn.
“Qua rà soát, chúng tôi xác định được khoảng 8, 9 đối tượng có liên quan, đều là người Nghệ An. Trong chiều ngày thứ bảy (2.11), Công an Nghệ An bắt giữ đối tượng đầu tiên, sáng chủ nhật (3.11), đúng 5 giờ 30 phút, toàn bộ anh em có mặt tại địa bàn giám sát và bắt tiếp 7 đối tượng. Hiện nay, các đối tượng bị bắt giữ về cơ bản nhận tất cả hành vi của họ về việc đưa người đi nước ngoài”, ông Cầu nói và cho biết: “Cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ và sẽ xử lý nghiêm. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là tất cả các đối tượng này không để trốn khỏi địa phương, cho nên khi chúng tôi phát hiện toàn bộ, chúng tôi phải có trách nhiệm giám sát, bao vây, cấm xuất cảnh để họ không có cơ hội trốn đi, phải chịu quy án về hành vi sai phạm của mình”, thiếu tướng Cầu thông tin.
Trả lời Thanh Niên, ông Cầu cho biết qua rà soát, cơ quan công an đã lập danh sách 24 người nghi mất tích, sau đó 3 trường hợp đã liên lạc với gia đình, nên hiện còn 21 trường hợp. Những người Nghệ An nghi mất tích đi làm 3 đợt. Đợt thứ nhất vào năm 2017, họ sang nước thứ 3 sau đó tiếp tục trốn đi. Một đợt nữa đi vào giữa 2018, còn lại hơn một nửa đi vào tháng 4 đến tháng 9 vừa qua (khoảng 11 trường hợp). Đáng chú ý, các trường hợp của Nghệ An đều bay hợp pháp qua sân bay Nội Bài, chứ không đi vòng qua Trung Quốc. Cục Xuất nhập cảnh đã xác nhận họ bay từ Nội Bài, còn tuyến bay thì đang phải tiếp tục xác minh để làm rõ.

Những người đi không biết mình sẽ đối mặt với nguy hiểm

Liên quan thông tin cảnh sát Anh đã liên lạc với gia đình các nạn nhân, Giám đốc Công an Nghệ An cho biết cảnh sát Anh liên lạc trực tiếp với gia đình thông qua một thông dịch viên, chứ không thông qua công an địa phương.
“Ở Nghệ An có 2, 3 trường hợp họ đã gọi điện cho gia đình, chưa nhiều. Anh em công an đều nắm được thông tin này và hướng dẫn gia đình có gì thì cung cấp cho họ. Hiện các gia đình đều rất buồn, và tâm tư tình cảm là muốn phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ xem thực hư thế nào. Nhiều gia đình vẫn hy vọng mỏng manh con mình không nằm trong số này”, tướng Cầu cho biết.
Về việc 8 người móc nối đưa người đi nước ngoài có phải đường dây chuyên nghiệp hay không, ông Cầu cho rằng chưa thành đường dây chuyên nghiệp, nhưng cũng đã đưa trót lọt một số người đi trước. “Trong số đối tượng chúng tôi bắt thì có đối tượng đã đưa người đi trót lọt từ năm 2017, 2018, năm nay họ tiếp tục đưa đi vì lợi nhuận rất lớn. Có người phải nộp 49.000 USD”, theo tướng Cầu.
Trả lời câu hỏi gia đình các nạn nhân liệu có được cảnh báo về các nguy cơ khi nhập cư bằng con đường này, tướng Cầu nhận định, qua làm việc với các gia đình nạn nhân, có thể thấy là họ không biết đi bằng con đường này sẽ nguy hiểm. “Nếu họ biết họ sẽ không bao giờ cho con em mình đi cả, vì bỏ ra số tiền rất lớn chứ không nhỏ, có người lên đến hàng tỉ đồng”, tướng Cầu nói.
Về thông tin một thanh niên ở Nghệ An thoát chết vì dùng 900 triệu đồng đánh lô đề thay vì nộp tiền trốn đi nước ngoài, tướng Cầu cho rằng đó mới là thông tin trên mạng xã hội. “Tôi không phủ nhận tất cả những thông tin trên mạng, nhưng tất cả đều cần phải xác minh”.
Cò xuất khẩu lao động hoạt động ở mọi nơi
Nhắc đến thảm kịch 39 người chết tại Anh, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, đồng thời “đề cập thêm vấn đề dưới góc nhìn phòng ngừa và ngăn chặn sớm loại tội phạm này”.
Theo ĐB, thực tiễn cho thấy, hoạt động quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động vẫn còn nhiều bất cập, như thông tin xuất khẩu lao động rất nhiễu loạn nhưng người dân lại thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Chi phí xuất khẩu lao động quá cao và không minh bạch. Việc đào tạo lao động, cấp phép, cấp đổi giấy phép hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, trong khi nhu cầu xuất khẩu lao động ở nhiều địa phương là quá lớn. Thực tế đó đã dẫn đến hệ lụy xã hội tiêu cực, gây nhức nhối ở nhiều địa phương, trong đó đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo thừa cơ, đục nước béo cò trong xuất khẩu lao động.
“Cò xuất khẩu lao động hoạt động ở mọi nơi, các tội phạm đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép có nhiều đất để hoạt động”, ĐB Hiển nói và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, chính quyền địa phương cần rà soát kỹ và có giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, nhất là công tác cấp phép, cấp lại phép, đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân.
Cần thiết nhưng chưa đủ
Cũng đề cập đến trách nhiệm trong quản lý nhà nước, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng nạn buôn người hay đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của thế giới và là vấn đề không dễ giải quyết. Tuy đánh giá trong sự việc này, các cơ quan hữu quan của VN đã kịp thời có những hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các công việc có liên quan, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân, nhưng ĐB Cường cho rằng “những việc làm này là cần thiết nhưng chưa đủ”.
“Cần có sự nhìn nhận, đánh giá tình hình một cách nghiêm túc và rút ra những bài học để những thảm kịch đau lòng tương tự không tái diễn. Vụ việc nêu trên xảy ra có nguyên nhân chủ yếu từ hành vi tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ phạm tội, từ nhận thức không đúng đắn của các nạn nhân nhưng không thể không nói đến nguyên nhân từ những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước”, ĐB Cường cảnh báo, và nhấn mạnh “vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước”. “Chúng ta trong một số trường hợp còn chưa theo kịp, đi sau thực tiễn và chỉ khi tiêu cực xảy ra thì chúng ta mới bắt đầu tập trung, quan tâm hơn tới việc rà soát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, chấn chỉnh tình hình”, theo ĐB Cường.
“Đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp T.Ư làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc và rút ra các bài học kinh nghiệm từ vụ việc này để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế, hành chính, pháp luật. Lồng ghép công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn”, ĐB Cường nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.