Vụ bệnh nhi 7 tuổi tử vong sau khi mổ tháo đinh nẹp tay: Ngộ độc thuốc tê?

06/08/2020 10:25 GMT+7

Nguyên nhân khiến bệnh nhi 7 tuổi tử vong được 'nghĩ đến nhiều nhất' là do ngộ độc thuốc tê, bác sĩ chưa tiên lượng hết được diễn biến của ngộ độc thuốc tê, là tai biến ngoài ý muốn.

Ngày 6.8, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã có thông tin liên quan đến sự cố y khoa khiến bệnh nhi Lữ Đoàn Phi Công (7 tuổi, ngụ H.Bù Đốp) tử vong sau ca mổ tháo đinh nẹp tay.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Phước: Ngày 27.7, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Bình Phước cùng BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã thành lập Hội đồng chuyên môn gồm 9 thành viên (trong đó có 7 thành viên của BV đa khoa tỉnh Bình Phước, 2 thành viên của BV Nhi đồng 2) tổ chức họp 2 lần để xác định có hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật đối với quá trình khám, điều trị bệnh nhi 7 tuổi nói trên.
Trong 2 ngày 27.7 và 4.8, Hội đồng chuyên môn đã tiến hành họp và đưa ra kết luận: Nguyên nhân tai biến dẫn đến tử vong nghĩ đến nhiều nhất là do ngộ độc thuốc tê Lidocain. Đây là tai biến ngoài ý muốn của bác sĩ.

Hội đồng chuyên môn cho rằng: Nguyên nhân tai biến nghĩ đến nhiều nhất do ngộ độc thuốc tê, là tai biến ngoài ý muốn của bác sĩ.

ẢNH: HOÀNG GIÁP

Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn: Quá trình nhận, thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh nhi là phù hợp với các quy định của Bộ Y tế.
Theo ý kiến của từ bác sĩ chuyên khoa II BV Nhi đồng 2 (thành viên Hội đồng chuyên môn): Việc xử dụng Ceftriaxone ở thời điểm sau khi bệnh chuyển nặng nên có thể loại trừ sốc phản vệ do Ceftriaxone.
Riêng về tiên lượng: Bác sĩ chưa tiên lượng hết được diễn biến của ngộ độc thuốc tê là có thể tái ngộ độc làm diễn biến của bệnh nặng hơn.
Khi tai biến xảy ra, kíp trực đã phát hiện kịp thời, chẩn đoán, xử trí phù hợp với diễn tiến bệnh; khi bệnh nhân diễn tiến nặng, bác sĩ trực đã xin ý kiến của bác sĩ trực lãnh đạo và các chuyên khoa có liên quan.
Theo Hội đồng chuyên môn: Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như: Kíp trực chưa kịp thời thông báo diễn biến của bệnh nhân cho người nhà khi xảy ra tai biến; bác sĩ chưa tiên lượng được diễn biến của ngộ độc thuốc tê là có thể tái ngộ độc làm diễn biến bệnh nặng hơn.
Hiện BV đa khoa tỉnh Bình Phước đang yêu cầu viên chức, người lao động có liên quan đến ê kíp phẫu thuật bệnh nhi Lữ Đoàn Phi Công viết bản tường trình, nhận khuyết điểm (nếu có).
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa: Đầu tháng 4.2020, bé Phi Công bị gãy tay trái, được chuyển đến BV đa khoa tỉnh Bình Phước, được chẩn đoán: gãy kín trên lồi xương cánh tay trái/ vỡ hố khuỷu trái.
Ngày 4.4, bệnh nhi Phi Công được phẫu thuật nắn chỉnh bằng 3 cây đinh, đến ngày 8.4 thì được xuất viện. Khoảng 8 giờ ngày 14.7, bệnh nhi được đưa đến BV đa khoa tỉnh Bình Phước để mổ tháo đinh nẹp ở tay trước đó. Đến khoảng 19 giờ (14.7), BV chuyển bé lên BV Nhi đồng 2, TP.HCM để điều trị. Dù bác sĩ BV Nhi đồng 2 đã nỗ lực cứu chữa, nhưng bệnh nhi đã tử vong vào sáng 19.7.
Ngày 20.7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Phước phối hợp Sở Y tế TP.HCM, BV Nhi đồng 2 rà soát quy trình kỹ thuật chuyên môn, kiểm thảo tử vong, nhận định nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa nghiêm trọng gây tử vong cho người bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.