'Có phải người dân không có bức xúc gì?', chúng tôi đặt câu hỏi với gần như bất cứ người dân nào mình gặp nhà gần vụ cháy Công ty Rạng Đông, sáng 10.9, và đều nhận được câu trả lời: 'Làm gì có chuyện đó!'.
Sau khi chính quyền Hà Nội, cao nhất là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vẫn kiên quyết nhấn mạnh việc ứng phó với sự cố cháy Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông là thành công với “4 tại chỗ” và “3 tốt”, hay “người dân không có bức xúc gì”, chúng tôi đã một lần nữa quay lại hiện trường để thấy một thực tế khác hẳn.
“Nên xuống hiện trường mà phỏng vấn người dân”
Tiếp nhận khuyến nghị “nên xuống hiện trường phỏng vấn người dân” của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sáng 10.9, phóng viên Thanh Niên đến hiện trường, dù đã phản ánh thông tin từ hiện trường rất nhiều lần trước đó. Sau khi tiếp xúc với người dân, thì “nên xuống hiện trường” cũng chính là câu mà chúng tôi muốn gửi ngược lại ông Chủ tịch TP.
Đúng là 2 cán bộ được ông mời lên TP họp hôm 5.9 nói người dân không có bức xúc gì, nhưng thực tế 2 phát biểu đó không đại diện cho tâm tư của người dân.
|
Trái với khẳng định đời sống người dân đã ổn định trở lại của ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, và một số đại diện chính quyền các cấp, mấy ngõ phố quanh khu vực Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), sáng 10.9 vắng tanh teo vì người dân di tản chưa trở về. Trên một số kẹt cửa nhà, còn thư tín đề ngày 4.9 chưa có ai nhận.
Mặc dù chúng tôi đã đứng ngay trước cửa, nhưng Tổ trưởng Tổ dân phố 10, Khu dân cư số 5 P.Hạ Đình từ chối tiếp. Theo người dân ở đây thì gia đình bác tổ trưởng này cũng đã di tản, kể cả gia đình bác bí thư chi bộ khu dân cư, dù khi người dân hỏi thì với chức trách của mình, họ vẫn phải dẫn thông tin từ quận, từ TP là “chỉ số này chỉ số kia dưới chuẩn”, là “cứ yên tâm”.
“Gần như cả khu phố đã di tản hết từ hôm cháy, chỉ còn vài ông già chúng tôi ở nhà”, ông Phạm Khắc Kiệm, người sống cách nhà máy khoảng 20 m, cho biết. Cả tuần nay, ông cùng mấy người ở lại canh nhà, gồm cả tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ khu dân cư... tập hợp nấu cơm ăn cùng nhau cho đỡ buồn. Hai vợ chồng con trai ông cùng 2 cháu nhỏ đã về nhà ngoại sống từ sau hôm cháy, và “sẽ chỉ trở lại khi chính quyền thông báo là an toàn”, chứ chỉ số nọ chỉ số kia, chuẩn nọ chuẩn kia là ông chịu.
“Suốt hơn tuần vừa rồi nhà tôi đóng kín cửa vì mùi không thể chịu nổi. Càng nắng càng khó chịu. Tôi gần 80 rồi, chẳng lo gì cho mình, nhưng lo gánh nặng cho thế hệ sau, nên để các cháu di tản. Cuộc sống có đảo lộn thì cũng chưa thể trở về khi chưa ai nói là an toàn”, ông Kiệm nói.
“Làm gì có chuyện dân không bức xúc”
Ông Kiệm là một trong những người đã ra trạm y tế phường khám sức khỏe và được giới thiệu đến Bệnh viện Xanh-pôn khám miễn phí vì lo ngại có ảnh hưởng.
“Hôm đầu sau cháy thì chúng tôi thấy phường có đến phát cái khuyến cáo có độc, nhưng hôm sau nữa thấy đến thu lại. Rồi thì chẳng có ai gặp gỡ, nhắc nhở, động viên gì cả, chỉ dán tờ giấy thông báo là khám miễn phí đến 12.9 trên bảng tin. Mà thông báo thế là thông báo vô trách nhiệm. Lẽ ra bất cứ lúc nào thấy không khỏe, người ta có thể đến khám, vì bệnh có phải phát ngay đâu. Đây chỉ đến 12.9, xong rồi không còn trách nhiệm gì nữa sao?”, ông đặt câu hỏi và dắt chúng tôi ra bảng tin xem tờ thông báo. Rất tiếc, tờ thông báo cũng đã không còn.
|
Cả mấy con ngõ vắng lặng, chỉ có đúng 2 ngôi nhà mở cửa. Trả lời Thanh Niên, chị Đinh Kiều Trinh (ngõ 342 Khương Đình) cho biết chị mới về đó được 2 ngày. “Hai cháu đều học ở Hạ Đình, nên buổi trưa mình đón con về nấu cơm cho các cháu ăn, nhưng vẫn chưa dám ngủ lại. Tối đến lại đưa con sang nhà người quen ngủ nhờ”, chị Trinh nói.
Chúng tôi cũng đã tìm gặp hai người được mời lên TP họp hôm 5.9. Bác bí thư chi bộ không trao đổi được lâu do phải đi đám tang, nhưng cũng khẳng định là “người dân cơ bản ổn định”. Bác tổ trưởng dân phố còn lại cũng khẳng định qua điện thoại là “100% người dân tổ dân phố chúng tôi ổn định, tự truyền tai nhau kéo về làm ăn”; “hàng cơm hàng ăn phố phường đông đúc như ngày xưa luôn”.
Đúng là người dân đã mở hàng bán buôn trở lại, nhưng sụt giảm rất nhiều. “Giảm mất hai phần ba, người ta không đến ăn nữa mà mang cơm từ nhà đi. Sức khỏe thì chưa thấy ảnh hưởng gì, nhưng không bán được hàng cũng chết. Mỗi ngày 500.000 đồng tiền thuê nhà phải trả người ta”, anh Đỗ Văn Lưu, chủ quán cơm bình dân ở số 1 (ngách 85 Hạ Đình), cho biết và nói thêm: “Có kêu cũng biết kêu đâu, kêu ai. Mình phải tự cứu mình thôi. Chỉ mong bây giờ dẹp được thông tin độc hại đi để người ta lại mua hàng như trước”. Hoàn cảnh tương tự là chủ tiệm tạp hóa ngay bên cạnh, anh cũng chuẩn bị đưa con nhỏ về quê; hay chị chủ cửa hàng photocopy ở tổ dân phố 27, hay chị bán trà đá, cô bán trái cây, chị bán thịt...
“Có phải người dân không có bức xúc gì?”, chúng tôi đặt câu hỏi với gần như bất cứ người dân nào mình gặp buổi sáng đó, và đều nhận được câu trả lời: “Làm gì có chuyện đó!”.
Ông Chủ tịch TP thực sự cần nghe những lời này.
Thêm 126/282 người được chuyển tuyến trên xét nghiệmCuối giờ chiều 10.9, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày đã có thêm 282 người dân đến khám sức khỏe tại các trạm y tế P.Hạ Đình và P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Trong đó, 126 người được chuyển bệnh viện tuyến trên của TP để làm xét nghiệm chức năng và chuyên sâu.
Như vậy, 5 ngày qua đã có 1.442 người đi khám vì lo ngại sức khỏe bị ảnh hưởng sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Trong đó, có 590 trường hợp chuyển tuyến trên làm xét nghiệm chức năng và chuyên sâu. Hoạt động khám, tư vấn sàng lọc miễn phí cho người dân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông sẽ kéo dài đến 12.9. Sau đó, nếu người dân tiếp tục có nhu cầu đến khám, TP sẽ duy trì điểm khám sàng lọc miễn phí.
Đáng chú ý, Sở Y tế Hà Nội cho biết đang lên kế hoạch phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân triển khai khám sức khỏe miễn phí cho học sinh Trường tiểu học Hạ Đình, Trường THCS Hạ Đình trên địa bàn quận này. Trong trường hợp cần thiết, có thể làm một số xét nghiệm thủy ngân máu, lấy mẫu nước tiểu 24 giờ, thậm chí mở rộng việc khám sức khỏe đối với giáo viên.
Liên Châu - Thúy Anh
|
Bộ TN-MT vẫn khẳng định “không an toàn” Trong khi cơ quan chức năng của TP.Hà Nội liên tục đưa ra kết quả những lần quan trắc môi trường khu vực Công ty Rạng Đông thể hiện môi trường an toàn thì Bộ TN-MT vẫn khẳng định môi trường khu vực này không an toàn với sức khỏe người dân, dù có lược bỏ một vài thông tin như lượng thủy ngân gấp 10 - 30 lần so với khuyến cáo của WHO.
Ngày 10.9, nhiều người không khỏi bất ngờ khi Cổng thông tin của Tổng cục Môi trường và Bộ TN-MT rút nhiều thông tin đã công bố liên quan đến vụ cháy Công ty Rạng Đông xảy ra vào tối 28.8. Động thái ngấm ngầm gỡ thông tin đã công bố trước đó của Bộ TN-MT mà không giải thích khiến nhiều người thêm hoang mang. Ghi nhận tại Cổng thông tin của Bộ TN-MT cho thấy, bản tin công bố kết quả quan trắc môi trường đăng ngày 4.9 sau họp báo Chính phủ vẫn bị gỡ bỏ, chỉ còn bản tin đưa ngày 6.9 về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Nhưng trước đó, nhiều người khi bấm vào đường link để xem bản tin ngày 6.9 cũng không truy cập được. Đến chiều muộn, đường link của bản tin ngày 6.9 mới truy cập lại được nhưng nội dung đã có chỉnh sửa so với khi mới đăng tải. Cụ thể, không thấy có thông tin được công bố tại họp báo Chính phủ về lượng thủy ngân đo được tại khu vực Công ty Rạng Đông cao gấp 10 - 30 lần so với khuyến cáo WHO và Tổng cục Môi trường phải “đấu tranh” với lãnh đạo Công ty Rạng Đông thì đơn vị này mới chịu thừa nhận dùng thủy ngân lỏng.
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết phải bỏ thông tin lượng thủy ngân đo được ở khu vực Công ty Rạng Đông cao gấp 10 - 30 lần so với khuyến cáo của WHO, vì có sự “so sánh khập khiễng về tiêu chí” không phù hợp. Còn về việc bỏ chi tiết “đấu tranh” là “để cho phù hợp hơn”. Tuy nhiên, Bộ TN-MT vẫn giữ nguyên các thông tin cảnh báo còn lại, tiếp tục khuyến cáo người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào Công ty Rạng Đông cần đi khám sức khỏe định kỳ; đối với người dân trong bán kính từ 200 - 500 m tính từ hàng rào Công ty Rạng Đông, cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân.
Lê Quân
|
Ý kiến
Chính quyền phải có kênh cung cấp thông tin chính thứcTrong bối cảnh nhiễu loạn thông tin như hiện nay, đầu tiên chính quyền cần có kênh cung cấp thông tin một cách chính thức cho người dân. Cách khắc phục là trong giai đoạn này cần hình thành cơ chế cơ quan thường trực để cung cấp thông tin gồm 3 bên: TP.Hà Nội, Bộ TN-MT, Bộ Y tế để đánh giá và cập nhật thông tin thường xuyên hằng ngày. Cơ chế này còn kéo dài cho tới lúc xử lý, làm sạch môi trường và công bố đất, nước, các mẫu thử an toàn và có một thông báo chính thức.
Chúng ta đã có kinh nghiệm từ vụ Formosa, chắc chắn phải rút ra kinh nghiệm về xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố môi trường. Trong bối cảnh này, cần công bố trên các kênh của Chính phủ, vì bây giờ niềm tin của người dân với chính quyền TP.Hà Nội cũng như Bộ TN-MT không còn cao nữa. Trách nhiệm phải đặt lên Văn phòng Chính phủ để công bố chính thức, tức là từ cấp độ Chính phủ chứ không phải ban, ngành nữa.
Niềm tin của người dân vào chính quyền càng thấp, hệ quả xử lý khủng hoảng càng kém đi. Và khi không còn niềm tin nữa thì kể cả nói đúng cũng không tin.
Thứ hai, nên mời tổ chức độc lập để đánh giá độc lập, kiểm tra độc lập để công bố chính thức, lấy lại niềm tin cho người dân.
Ông Nguyễn Quang Đồng
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông) |
Chính quyền phải nói rõKhi sự cố xảy ra, ngoài doanh nghiệp nơi xảy ra sự cố thì trách nhiệm còn thuộc về chính quyền trong khắc phục hậu quả, đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố, làm yên lòng người dân. Chính quyền được sinh ra để làm những việc như thế này.
Đến thời điểm này, việc nhiễu loạn thông tin cho thấy TP có gì đó khuất tất trong việc cung cấp thông tin tới người dân về mức độ nghiêm trọng của sự cố, dẫn đến thông tin cung cấp không đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Nhu cầu của công chúng lúc này là chính quyền phải nói rõ ra để nếu an toàn thì người dân yên tâm còn không an toàn người dân biết sự thật để cùng lo chứ không nói mang tính chất vừa lòng ai cả. Cái chính là sự thật.
Đến thời điểm này tôi cho rằng, xử lý khủng hoảng của TP.Hà Nội là chậm và tính trách nhiệm, cam kết là yếu. Quan trọng là không ai thông tin, mỗi người nói một kiểu thì rất rối, thì người dân tự phải lo. Người ta cũng có thể đánh giá về năng lực xử lý sự cố của chính quyền cũng như đặt câu hỏi về việc liệu có gì khuất tất, uẩn khúc hay không”.
TS Nguyễn Đức Thành
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Bình luận (0)