Theo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, đây là vụ việc được dư luận địa phương đặc biệt chú ý. Vì vậy, cơ quan công an sẽ cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan truyền thông, báo chí, cập nhật lên cổng thông tin điện tử về các diễn biến khi có các quyết định liên quan. Hiện, người bị tố cáo lừa đảo trong vụ việc này là bà Phạm Ngô Cẩm Vân (25 tuổi, ngụ ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, Tiền Giang) đang tại ngoại.
Theo hồ sơ của Công an TP.Mỹ Tho (đã chuyển lên PC01 Công an tỉnh Tiền Giang), hộ kinh doanh Tâm Vân (số 23, đường Nguyễn Tử Vân, P.10, TP.Mỹ Tho) bị tố lừa đảo, do bà Phạm Ngô Cẩm Vân làm chủ và thuê một số người cùng hoạt động kinh doanh bắt đầu từ tháng 7.2018 đến nay.
Cơ sở Tâm Vân hoạt động với hình thức mua hàng các loại hạt nhựa màu, hạt nhựa pha lê, hạt đá của người nữ tên Linh (địa chỉ ở P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) vận chuyển về cơ sở Tâm Vân, rồi giới thiệu trên mạng xã hội Facebook có tên là "Na Phạm" để tìm khách hàng.
|
Đến nay, cơ sở Tâm Vân bị 90 đơn tố cáo của các phụ nữ miền Tây nhận hạt chuỗi về gia công, về việc họ bị chiếm đoạt tổng số tiền 27 tỉ đồng (cả tiền thế chân và tiền gia công). Trong khi đó, cơ quan công an vẫn đang tiếp tục nhận đơn tố cáo, trình báo của người dân.
Cùng với việc gửi đơn tố cáo, truy tìm “chuỗi tặc”, người nhận gia công bị nợ tiền tỉ còn phản ứng dữ dội khi kéo đến các cơ quan chức năng của TP.Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang yêu cầu xử lý.
Công an TP. Mỹ Tho xác minh đơn tố cáo, bà Phạm Ngô Cẩm Vân thừa nhận chỉ mua hạt với giá từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Ban đầu, bà Vân nhận hàng và trả công rất đầy đủ, sau đó Vân viện nhiều lý do như chê hàng xâu chuỗi bị lỗi, giao hàng đối tác chưa trả tiền… để thoái thác trả tiền.
Nhiều trường hợp nhận gia công từ chối nhận lại hàng thành phẩm, thì bà Vân cho người cắt những xâu chuỗi hay dây đeo thành phẩm đó để cho người khác nhận về gia công lại nhằm chiếm dụng tiền đặt cọc. Bằng những thủ đoạn ấy, tất cả những người nhận gia công hạt chuỗi từ bà Vân đều bị thiếu tiền công và tiền đặt thế chân ngày càng nhiều hơn.
Bà Phạm Ngô Cẩm Vân cũng khai nhận lý do đặt tiền cọc cao hơn so với giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn, là do người phụ nữ tên Linh quy định giá tiền đặt cọc và tiền công, còn Vân hưởng lợi mỗi kg thành phẩm 80.000 đồng/kg.
|
Thủ đoạn mới rất tinh vi để “lách luật hình sự"
Theo nhận định của Công an tỉnh Tiền Giang (đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ Congan.tiengiang.gov.vn), đây là thủ đoạn mới rất tinh vi để “lách luật hình sự" của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hợp đồng giao dịch dân sự để nhận tiền đặt cọc với giá cao hơn giá trị thực tế, nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc huy động vốn, chiếm dụng vốn kéo dài không trả, sau đó chiếm đoạt không thanh toán.
Các đối tượng đã nghiên cứu đúng tâm lý của người dân vì công việc xâu các chuỗi hạt là việc làm nhàn rỗi, không cần tay nghề cao vẫn có thể làm được, giá gia công cao trong khi lực lượng lao động phổ thông, nhàn rỗi nhiều nên sẽ có nhiều người tham gia. Với thủ đoạn như trên, đã có khách hàng bị chiếm dụng trên 1 tỉ đồng.
Ngoài trường hợp của Phạm Ngô Cẩm Vân, Công an tỉnh Tiền Giang còn đăng thông tin của 3 người khác có hoạt động tương tự là Ngô Xuân Lộc, ngụ 64/9E Đinh Bộ Lĩnh, P.2, TP. Mỹ Tho; Nguyễn Thị Cẩm Tú, ngụ Khu tập thể Quân đội thuộc P.2, TP. Mỹ Tho; Nguyễn Thị Huyền, ngụ số 144 Đoàn Thị Nghiệp, KP.10, P.5, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang).
"Công an tỉnh xin thông báo để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biết nâng cao cảnh giác không tham gia gia công hàng mỹ nghệ nêu trên để tránh thiệt hại về tài sản", thông báo của Công an tỉnh Tiền Giang nêu rõ.
Bình luận (0)