Vụ cụ bà 71 tuổi thuê người 'xử' đối tác: Khi nào được miễn trách nhiệm 'không tố giác tội phạm'

09/03/2019 13:28 GMT+7

Liên quan đến vụ án Cụ bà 71 tuổi thuê người xử 'đối tác' , mẹ bị cáo Hồ Thanh Nhân là bà Lê Thị Ngọc Sum được miễn trừ trách nhiệm hình sự về tội 'không tố giác tội phạm'.

Pháp luật quy định trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với tội danh “không tố giác tội phạm” như thế nào?
Ngày 7.3 vừa qua, TAND TP.HCM đã hoãn xử vụ án “giết người”, “cố ý gây thương tích đối với bị cáo Huỳnh Tuyết Hồng (71 tuổi, từng làm việc tại TAND tối cao, cán bộ TAND Q.10), bị cáo Lê Đăng Quang (26 tuổi), bị cáo Hồ Thanh Nhân (23 tuổi).
Theo cáo trạng, tháng 12.2016, khi bị can Hồng thuê một căn hộ cao cấp tại P.22 (Q.Bình Thạnh) để ở thì quen biết anh Nguyễn Thanh Phong. Từ đó, bị cáo Hồng cùng anh Phong thường xuyên đi chơi, đi du lịch và ăn uống cùng nhau.
Cũng trong thời gian này, bà Hồng quen biết bà Lê Thị Ngọc Sum cùng con trai bà Sum là bị cáo Hồ Thanh Nhân.
Giữa năm 2017, bà Hồng bỏ vốn 200 triệu đồng để anh Phong thuê mặt bằng kinh doanh khách sạn.
Cuối năm 2017, anh Phong tiếp tục đề nghị bị cáo Hồng mở riêng công ty để kinh doanh chuỗi khách sạn. Hồng không đồng ý nhưng anh Phong nói sẽ tự làm nên Hồng bực tức vì cho rằng anh Phong không nghe lời mình.
Sau đó, bị cáo Hồng đem sự việc kể cho mẹ con bà Sum biết và nói: “Ước gì nó gãy chân nằm một chỗ thì sẽ lấy lại được tiền… Làm cách nào để nó nằm một chỗ?”. Nhân nói: “Bác cứ để cháu lo”, và Nhân tìm Quang kiếm người đánh anh Phong để tạo uy tín với bị cáo Hồng, rồi từ đó có thể mượn của Hồng 1 tỉ đồng.
Khoảng một thời gian dài không thấy Phong bị thương, mà còn đòi Hồng cho đi du lịch nên Hồng gọi điện thoại hẹn gặp Nhân nói chuyện.
Chiều tối 14.3.2018, Quang theo dõi anh Phong từ trường anh Phong đang đi học đến nhà của Phong tại P.Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) thì Quang đứng cách Phong khoảng 4 m, bắn chỉ thiên 2 phát rồi ngắm bắn tiếp 3 phát trúng ngực, cổ, vai anh Phong, khiến anh Phong bị thương với tỷ lệ tương tích 36%.
Quang bỏ trốn cùng tang vật. Đêm 19.3, Quang bị Công an Q.Tân Phú bắt giữ.
Qua truy xét, Nhân bị bắt vào chiều 20.3.2018.
Vai trò của bà Lê Thị Ngọc Sum như thế nào?
Theo hồ sơ vụ án, mẹ của Nhân là Bà Lê Thị Ngọc Sum biết rõ việc Hồng nhờ Nhân đánh anh Phong và biết chuyện Nhân nhờ Quang thực hiện; biết rõ lai lịch của Quang và biết việc Quang đã sử dụng bắn anh Phong gây thương tích nặng nhưng không trình báo với cơ quan công an.
Tuy nhiên, CQĐT Công an TP.HCM cũng xác định bà Sum là mẹ ruột của Nhân nên hành vi của bà Sum không phạm tội “không tố giác tội phạm”.
Về tình huống này, luật sư (LS) Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết Điều 390 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 quy định: “Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 (trong đó có tội giết người - PV) đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác…thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù về tội không tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, LS Hùng cũng nêu, khoản 2 Điều 19 BLHS 2015 cũng quy định người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 BLHS 2015.
“Như vậy, không phải tất cả mọi trường hợp đều được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thân thích của người phạm tội. Pháp luật vẫn buộc cha,mẹ, ông bà… phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác do luật định”, LS Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo LS Hùng, các quy định miễn trừ trách nhiệm hình sự tương tự trên cũng được áp dụng đối với tội danh “che giấu tội phạm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.