Vụ địa ốc Alibaba: Vu khống lên mạng xã hội, bị xử lý sao?

24/09/2019 07:00 GMT+7

Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để đưa ra những thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… là hành vi bị nghiêm cấm.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng nếu nội dung trên mạng xã hộivu khống, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng hoạt động điều tra thì cần phải làm rõ.
Ngày 20.9, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM đã triệu tập bà Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba - gọi tắt là Công ty Alibaba) đến trụ sở CQĐT để làm rõ một số vấn đề liên quan đến hồ sơ, tài liệu, vật chứng thu giữ được tại công ty này nhằm phục vụ công tác điều tra; đồng thời, làm rõ clip được livestream có ghi hình, tiếng nói của bà Như được phát tán trên mạng xã hội (MXH) Facebook vào sáng 19.9 gây xôn xao dư luận.
Nội dung livestream có đoạn: “…Thậm chí, chúng tôi nhận thông tin, khách hàng được mời lên công an ký vào các tờ giấy “khống” (có nghĩa là tờ giấy trắng). Chúng tôi đang xác minh thì sự việc nó xảy ra như vậy. Quý vị nào ở đây ký vào đơn tố cáo tại Bộ Công an thì xác nhận cho chúng tôi biết lý do…”.
Về phát biểu này, một cán bộ của Công an TP.HCM cho hay, Cơ quan công an đã xem clip livestream được ghi hình có hình ảnh, giọng nói giống bà Huỳnh Thị Ngọc Như. Nhưng cơ quan công an cần thực hiện một số công đoạn kiểm chứng; trên cơ sở đó, làm rõ nội dung mà bà Như phát biểu.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng đối ngoại và đào tạo Alibaba, livestream sau khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt - Nguồn: Địa ốc Alibaba

 

Xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

Liên quan đến nội dung trong clip mà bà Huỳnh Thị Ngọc Như livestream, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, theo luật Tổ chức CQĐT hình sự thì CQĐT có nghĩa vụ: tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao; tiến hành điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.
“Trong quá trình điều tra vụ án, cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố ý tố cáo sai sự thật. Trường hợp bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì người này có thể bị xử lý hình sự về tội “vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015”, LS Hoan nhấn mạnh.

Chủ tịch địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện là ai, vì sao lại bị bắt?

LS Hoan cũng cho rằng trường hợp những người của Công ty Alibaba nói công an ép một số khách hàng ký đơn tố cáo hoặc “ký vào những tờ giấy trắng” thì họ phải chứng minh có chuyện này xảy ra. Nếu không, việc họ thông tin, phát ngôn không đúng sự thật, ảnh hưởng đến hình ảnh Công an nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, gây hoang mang dư luận sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định.
Tương tự, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho hay lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để đưa và cung cấp những thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên MXH.
Cũng theo LS Tuấn, tùy mức độ, hậu quả xảy ra, người đưa và cung cấp thông tin vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo Nghị định 174/2013 của Chính phủ hoặc xử lý hình sự về tội “vu khống”.

Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người ồ ạt tố cáo Alibaba sáng đầu tuần

Xử phạt Nguyễn Thái Luyện 7,5 triệu đồng vì “miệt thị” công an xã
Ngày 1.8 vừa qua, Thanh tra Sở TT - TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện về việc đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Trước đó, sau khi Công an TX.Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) khởi tố, bắt giam 2 nhân viên của Công ty Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, thì trên MXH xuất hiện một đoạn video thể hiện ông Nguyễn Thái Luyện có những phát ngôn “miệt thị” lực lượng công an, chủ tịch xã.
Cụ thể, Luyện hỏi nhân viên của mình: “Tôi hỏi anh chị học cái gì để làm công an xã, học cái gì? Học ngu ra làm Công an xã. Các anh chị để ý, mấy thằng quậy quậy, phá làng phá xóm không làm cái gì thì kêu vô làm công an xã”. Ông Luyện hỏi tiếp: “Học cái gì ra làm chủ tịch xã? Học làm côn đồ” và giải thích: “Mấy người Công an xã hay chủ tịch xã cho thấy xin xỏ, chạy chọt lên làm vị trí đó, không có học, không có trình độ gì hết trơn...”.
Đoạn video này đã gây bức xúc trong dư luận. Ông Thân Đăng Phong, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ, đã đề nghị ngành chức năng xử lý Nguyễn Thái Luyện vì có những phát ngôn này. Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc với ông Luyện nhưng xác định chưa đủ căn cứ xử lý hình sự về hành vi vu khống nên chuyển hồ sơ cho Sở TT-TT xử phạt hành chính theo thẩm quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.