Ngày 24.3, thông tin từ Công an TX.Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, sau khi vào cuộc, đơn vị này hiện đã làm rõ thực hư vụ giao dịch hoa lan trị giá 250 tỉ đồng gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Cụ thể, qua xác minh của Công an TX.Đông Triều, năm 2019, ông Bùi Hữu Giang (32 tuổi, ở P.Kim Sơn, TX.Đông Triều) thành lập vườn lan tại khu Cổ Giản (cũng trên địa bàn P.Kim Sơn) với diện tích trên 12 ha để ươm trồng, nhân giống các loại hoa lan quý hiếm.
Sáng 15.3, ông Bùi Hữu Giang cùng ông Nguyễn Tiến Hưng (TP.Hải Phòng) có ký biên bản thỏa thuận về giao dịch hoa lan. Theo đó, ông Giang sẽ cung cấp cho ông Hưng 5.000 cây giống lan đột biến Ngọc Sơn Cước trong vòng 1 năm, với tổng số tiền 250 tỉ đồng. Ông Hưng sẽ trả dần cho đến khi nhận đầy đủ số lượng cây giống như 2 bên đã thỏa thuận.
Đáng chú ý, Công an TX.Đông Triều xác định việc giao dịch mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỉ đồng là có thật tại địa bàn P.Kim Sơn. Tuy nhiên, cả hai bên mới chỉ thỏa thuận chứ chưa chuyển tiền cho nhau.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế Quảng Ninh, cho biết nhiều ngày nay dư luận đặt dấu hỏi về tính xác thực của vụ mua bán hoa lan trên và có hay không việc người mua, bán phải nộp thuế.
“Nếu người bán hoa lan đã chăm sóc, ươm mầm đến cây trưởng thành thì không thể truy thu thuế của họ được, trái lại còn khuyến khích tạo điều kiện. Còn trong trường hợp người dân cũng mua đi bán lại, có hợp đồng kinh tế, chuyển tiền cho nhau để kiếm lời lại là một câu chuyện khác. Thực tế việc mua bán trong vụ này ra sao chúng tôi vẫn phải chờ kết luận từ phía công an và chính quyền địa phương”, ông Mạnh nói.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 15.3 trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về một thương vụ mua bán lan var (lan đột biến) Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỉ đồng ở P.Kim Sơn (TX.Đông Triều, Quảng Ninh), gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng thương vụ này là không có thật và chỉ là chiêu trò đánh bóng tên tuổi.
Bình luận (0)