Vụ khiếu kiện gói thầu môi trường 307 triệu USD: UBND TP.HCM trả lời thắc mắc

14/11/2019 08:30 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chính thức trả lời về những nội dung liên quan đến vụ khiếu kiện ở gói thầu môi trường 307 triệu USD mà Báo Thanh Niên đã phản ánh.

Ngày 13.11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chính thức trả lời về những nội dung liên quan đến vụ khiếu kiện ở gói thầu môi trường 307 triệu USD mà Báo Thanh Niên đã phản ánh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trả lời về vụ khiếu kiện ở gói thầu môi trường 307 triệu USD

Trước đó, ngày 7.3, liên danh Acciona - Vinci được chọn thực hiện gói thầu XL-02 (thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn 2). Sau khi liên danh này được chọn, hai liên danh là Samsung - Kolon - TSK và liên danh Suez - Posco đã có đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan vì cho rằng việc chọn thầu không công bằng.
Ông Hoan khẳng định quá trình mời thầu và đấu thầu dự án này được giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) là đơn vị tài trợ vốn để TP.HCM thực hiện dự án. Những nội dung thắc mắc của nhà thầu đã được WB trả lời rất rõ ràng. WB chấp thuận với những cơ quan tư vấn đấu thầu của TP.HCM và không chấp thuận khiếu nại của nhà thầu vì cho rằng những khiếu nại đó không có căn cứ.

Thi công hệ thống đường ống thu gom nước thải nằm trong gói thầu XL-01. Nước thải ở TP.HCM sẽ được thu gom dẫn qua hệ thống đường ống này đưa về nhà máy ở Q.2 xử lý

Ảnh: Ngọc Dương

“Do pháp luật Việt Nam quy định phải giải quyết khiếu nại trước khi thực hiện dự án nên dù hợp đồng được ký kết nhưng dự án vẫn chưa được triển khai. Với những dự án có sự giám sát của WB thì những nhà thầu bỏ thầu giá thấp chưa chắc đã đạt yêu cầu mà phải đáp ứng những yêu cầu khác”, ông Hoan nói và cho hay do những khiếu nại nên hiện TP.HCM vẫn phải chờ ý kiến bộ ngành T.Ư.

Thực hiện theo quy định Việt Nam ký kết với WB

PV Thanh Niên đặt vấn đề sau khi có khiếu kiện của các nhà thầu, UBND TP.HCM yêu cầu Sở KH-ĐT kiểm tra và trong văn bản tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ, Sở KH-ĐT tỏ ra lo ngại khi phía trúng thầu là liên danh Acciona - Vinci có năng lực thuộc nhóm yếu nhất trong số 7 nhà thầu lọt vào “vòng chung kết”.
Chưa kể dự án xây dựng nhà máy có công suất xử lý 480.000 m3/ngày nhưng liên danh Acciona - Vinci chỉ có năng lực kinh nghiệm xây dựng nhà máy có công suất 28.000 m3/ngày, tức nhỏ 17 lần so với yêu cầu của dự án.
Trả lời thắc mắc này, ông Hoan nói, do dự án được WB tài trợ vốn nên phải thực hiện theo những quy định mà Việt Nam ký kết với WB. Chưa kể WB là cơ quan giám sát quá trình đấu thầu dự án từ đầu nên sẽ có những đánh giá về quy định chọn thầu khác với Sở KH-ĐT - cơ quan tham mưu và không phải là cơ quan trong cuộc.
“UBND TP.HCM không thừa nhận và đã bác văn bản tham mưu của Sở KH-ĐT”, ông Hoan nói và cho biết khi xảy ra khiếu kiện, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, gặp Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy làm nhanh dự án.
“Hiện các cơ quan của TP.HCM đang cố gắng để Thủ tướng sớm đồng ý bằng văn bản triển khai dự án”, ông Hoan khẳng định và cho biết UBND TP.HCM vẫn bảo lưu quan điểm chọn liên danh Acciona - Vinci. Sự chậm trễ này chưa gây ra thiệt hại nhưng nếu còn tiếp tục sẽ có nguy cơ gói thầu mất vốn tài trợ.
Sau đó ông Hoan cung cấp cho phóng viên văn bản của ông Ousmane Dione gửi Thủ tướng và lãnh đạo UBND TP.HCM,  trong đó khẳng định quan điểm chọn liên danh Acciona - Vinci. Trong văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Ousmane Dione tái khẳng định quá trình đấu thầu dự án đã được thực hiện theo hướng dẫn mua sắm đấu thầu được áp dụng theo thỏa thuận pháp lý giữa Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết phát triển (IBRD), Tổ chức Phát triển quốc tế (IDA) và đã nhận được sự thông qua (ở từng bước) theo yêu cầu từ WB.
“Tôi cũng muốn tái khẳng định rằng các vấn đề cụ thể được nêu ra trong các thư khiếu nại từ hai đơn vị liên danh dự thầu đã được giải quyết trong quá trình lựa chọn sơ tuyển và quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu bởi cơ quan thực hiện dự án. Trên hệ thống của WB giám sát mua sắm đấu thầu các dự án WB tài trợ, quá trình giải quyết các khiếu nại này được xem là đã khép lại theo quan điểm của WB”, văn bản của ông Ousmane Dione nêu.
Ông Ousmane Dione muốn TP.HCM nhanh chóng khởi công và triển khai hợp đồng song song với việc giải quyết khiếu nại để dự án không bị chậm trễ.

Tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 giảm 3.400 tỉ đồng

Ngày 13.11, ông Võ Văn Hoan cho biết UBND TP.HCM chính thức thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với 2 dự án xây dựng đường sắt đô thị (metro) số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Tuyến metro số 1 hết sức quan trọng với giao thông TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Với mức điều chỉnh mới và được Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đồng thuận, tuyến metro số 2 có tổng vốn đầu tư 48.000 tỉ đồng. Tuyến metro số 1 có tổng vốn đầu tư được điều chỉnh còn 43.600 tỉ đồng, giảm 3.400 tỉ đồng so với tổng vốn đầu tư trước đây.
“Tiết kiệm được số tiền như trên sau khi dự án đã được rà soát để loại bỏ những yếu tố, hạng mục không cần thiết, tiết kiệm từ đấu thầu và đấu giá”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, TP.HCM đã ba lần tạm ứng vốn cho tuyến metro số 1 với số tiền gần 5.000 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được T.Ư hoàn lại cho TP. Hiện TP.HCM chuẩn bị thêm 1.700 tỉ đồng tạm ứng tiếp để nhà thầu, người lao động yên tâm làm việc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án đúng hẹn hoàn thành năm 2021.
Dự kiến cuối năm 2019 UBND TP.HCM sẽ chuẩn bị hồ sơ trình để HĐND TP xem xét, ra nghị quyết bố trí vốn cho dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.