Liên quan đến tình trạng lấn chiếm đất công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc mà Thanh Niên đã phản ánh trong loạt bài Ngang nhiên “xẻ thịt” đất công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, hôm qua (7.7), UBND P.Long Bình (Q.9, TP.HCM) tiến hành cưỡng chế thu hồi đất mà các tổ chức, cá nhân đã chiếm dụng.
Các tổ chức và cá nhân bị ra quyết định cưỡng chế, gồm Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Mai Việt Trần chiếm dụng 1.700 m2, Công ty giao nhận vận tải biển Mỏ Neo Vàng chiếm dụng 1.000 m2, Công ty TNHH kinh doanh dịch vụ Tấn Lộc chiếm dụng 2.000 m2, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Khánh Minh chiếm dụng 2.000 m2 và ông Bùi Minh Tường chiếm dụng 2.100 m2.
Tại buổi cưỡng chế, Công ty TNHH kinh doanh dịch vụ Tấn Lộc và Công ty giao nhận vận tải biển Mỏ Neo Vàng tự nguyện di dời tài sản; 2 công ty còn lại không tự nguyện di dời nên lực lượng chức năng đã áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.
Riêng khu đất rộng 2.100 m2 do ông Bùi Minh Tường chiếm đất rồi cho ông Hồ Văn Toại thuê lại, sau đó ông Toại tiếp tục cho Công ty Waterfront thuê làm bãi đậu rơ-moóc, trong ngày 7.7, phía công ty này đã tự nguyện tháo dỡ nhà xưởng, đồng thời đề nghị đoàn cưỡng chế cho thêm 1 ngày để di chuyển rơ-moóc đến bãi đậu khác.
Ông Phạm Ngọc Lượng, Chủ tịch UBND P.Long Bình, cho biết việc cưỡng chế các tổ chức, cá nhân chiếm dụng đất công viên nằm trong kế hoạch thực hiện Kết luận số 25 năm 2018 của Thanh tra TP.HCM. Cũng theo ông Lượng, trên khu đất rộng 5,2 ha bị chiếm dụng tại công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, ngoài 11 tổ chức, cá nhân đã và đang cưỡng chế, phường xác định có ít nhất 4 chỗ khác bị chiếm dụng. Mặc dù phường đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu trả lại mặt bằng nhưng đơn vị chiếm dụng chưa thực hiện. “Phường sẽ lập hồ sơ xử lý, vận động bàn giao mặt bằng, nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định”, ông Lượng khẳng định.
Về khu nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông trên đường Hàng Tre (đoạn gần bến xe buýt), UBND P.Long Bình cho biết khu đất này do một hộ dân đã nhận đầy đủ chính sách bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng, phường đã lập biên bản xử phạt hành chính, nếu không bàn giao sẽ tổ chức cưỡng chế.
Liên quan đến 279 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, ông Lượng cho biết UBND Q.9 đã rà soát, phân loại thành 3 nhóm: các hộ đã nhận bồi thường đầy đủ nhưng chiếm dụng cho thuê mặt bằng, các hộ đã nhận bồi thường đầy đủ nhưng chiếm dụng để tiếp tục ở; các hộ chưa nhận bồi thường. Từ đó, quận và phường sẽ có biện pháp xử lý riêng cho từng nhóm.
Vẫn còn doanh nghiệp bất hợp tácLiên quan đến 19 hợp đồng cho thuê mặt bằng được Thanh tra TP.HCM xác định sai quy định nhưng 4 doanh nghiệp không chịu thanh lý, ông Nguyễn Như Tâm, Phó chánh văn phòng Ban Quản lý công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (BQL), cho biết sau khi Thanh Niên ngày 29.6 phản ánh, một số doanh nghiệp đã chủ động liên hệ BQL để thanh lý hợp đồng.
Riêng Công ty CP tiếp vận Mê Kông đề nghị gia hạn bàn giao mặt bằng đến 31.12.2020 nhưng BQL không đồng ý; còn Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành vẫn tiếp tục bất hợp tác.
|
Bình luận (0)