Vũ nhôm đã 'phân thân' thâu tóm dự án khu đô thị Đa Phước như thế nào?

20/08/2020 11:31 GMT+7

Thanh tra Chính phủ xác định một số tổ chức, cá nhân liên quan đến khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng đã có những giao dịch mờ ám, trong đó có cá nhân Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” .

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, TP. Đà Nẵng. Cuộc thanh tra này thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng vào đầu tháng 12.2017.
Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước có tổng diện tích hơn 181 ha, thuộc địa phận Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Từ khi triển khai năm 2005 cho đến nay, đã nhiều lần dự án thay đổi nhà đầu tư, với diễn biến rất phức tạp.
Theo hồ sơ, từ năm 2006, Khu đô thị quốc tế Đa Phước do Công ty TNHH Daewon Cantavil của Hàn Quốc (100% vốn nước ngoài) thực hiện, với khoản vốn điều lệ đăng ký hơn 666 tỉ đồng. Năm 2015, Công ty TNHH Daewon Cantavil tăng vốn điều lệ lên 672,8 tỉ đồng, tăng 6,7 tỉ đồng do Công ty CP Xây dựng 79 (Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, làm người đại diện pháp luật) góp vốn.
Ngày 20.5.2016, Công ty TNHH Daewon Cantavil một thành viên chuyển thành Công ty TNHH Daewon Cantavil 2 thành viên. Đến 28.9.2016, Công ty này đã chuyển toàn bộ vốn điều lệ cho Công ty CP Nova Bắc Nam 79 với giá trị trên hợp đồng là 1.333 tỉ đồng. Từ ngày 20.1.2017, Công ty TNHH Daewon Cantavil đổi tên thành Công ty TNHH The Sunrise Bay.

Vũ “nhôm” và những cú bắt tay bạc tỉ với lãnh đạo 4 doanh nghiệp - Video tư liệu

Theo hồ sơ, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 được thành lập từ năm 2015, có vốn điều lệ 6 tỉ đồng, do 3 cổ đông góp vốn, trong đó, Vũ “nhôm” góp 2,7 tỉ đồng, là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật.
Ngày 29.6.2016, Vũ “nhôm” đã đại diện pháp luật của Công ty CP Xây dựng 79 ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Nova Bắc Nam 79, với giá chuyển nhượng bằng vốn góp ban đầu là 2,7 tỉ đồng cho Lê Văn Sáu. Đáng chú ý, hồ sơ của cơ quan tố tụng cho biết, Phan Văn Anh Vũ và Lê Văn Sáu là 1 người (do Vũ "nhôm" tự lấy tên). Việc 1 người đứng ra giao dịch với chính mình không đủ điều kiện để xác lập giao dịch giữa các bên theo quy định của bộ luật Dân sự năm 2005.
Tiếp đó, ngày 11.5.2017, Công ty CP Xây dựng 79 chuyển nhượng vốn góp 1% tại Công ty TNHH The Sunrise Bay cho 2 cá nhân khác người Việt Nam.
Sau khi chuyển nhượng cổ phần sang cho Lê Văn Sáu, ngày 25.7.2017, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 đổi tên thành Công ty CP Đầu tư - Phát triển Chấn Phong. Đến tháng 6.2017, doanh nghiệp này tách ra thành 2 công ty, trong đó, Công ty CP thương mại Đầu tư phát triển Hoàng Huy là đơn vị tiếp nhận quản lý dự án 181 ha.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc doanh nghiệp Hàn Quốc thay đổi thành viên góp vốn, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần vốn góp và quyền lợi tại Công ty TNHH Daewon Cantavil cho Công ty CP Nova Bắc Nam 79 là không thực hiện đúng theo thỏa thuận ban đầu của dự án.
Đáng chú ý, trước 6 tháng so với thời điểm đại án Vũ "nhôm" thâu tóm đất vàng Đà Nẵng bị phanh phui (tháng 12.2017), Lê Văn Sáu đã kịp thời thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty CP thương mại Đầu tư phát triển Hoàng Huy bằng cách chuyển nhượng hơn 12,8 triệu cổ phần cho Công ty CP đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước với giá 1.478 tỉ đồng.
Lê Văn Sáu đã kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo hình thức chuyển nhượng chứng khoán, phải chịu thuế suất 0,1% giá chuyển nhượng với tiền thuế phải nộp chỉ hơn 1,4 tỉ đồng.

Vũ Nhôm nói trong một phiên tòa: "Bị cáo luôn nghĩ rằng mình đã làm đúng"

Theo kết luận thanh tra, dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện dự án đã có nhiều vi phạm.
Cụ thể, việc UBND TP.Đà Nẵng và các ban ngành ký thỏa thuận với Công ty TNHH Daewon Cantavil thời điểm 2006 có một số nội dung không đúng quy định của pháp luật: xác định tiền thuê đất và mặt nước (dự án 181 ha chỉ phải nộp 10 triệu USD trong 50 năm cho 145 ha đất) không có cơ sở, không bị điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động của dự án...
Mặt khác, cho phép doanh nghiệp này bán biệt thự, nhà liền kề hoặc căn hộ chung cư cho các đối tượng được phép mua, không phải trả thêm các khoản chi phí liên quan đến việc sử dụng đất, là vi phạm quy định về đất đai.
Bên cạnh đó, UBND TP.Đà Nẵng giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra các dự án thay vì giao Sở KH-ĐT là sai quy định về cấp chứng nhận đầu tư.
Đáng chú ý, cả 2 dự án nêu trên phải lấn biển với lượng đất, cát đào, lấp khổng lồ nhưng chủ đầu tư không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, dự án 181 ha được điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nhiều lần, có những lần điều chỉnh đã làm thay đổi về mục tiêu, cơ cấu sử dụng đất, có tác động đến môi trường nhưng Công ty TNHH Daewon Cantavil không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung; UBND TP Đà Nẵng cũng không yêu cầu chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung là không đúng quy định luật Bảo vệ môi trường năm 2005, luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.