Vụ sập tường làm 7 người chết ở KCN Hòa Phú, Vĩnh Long: Kháng nghị sửa bản án sơ thẩm, tăng hình phạt 7 bị cáo

22/04/2021 06:17 GMT+7

Viện cấp cao 3 nhận định hậu quả của vụ án sập tường làm 7 người chết là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng 7 bị cáo đều được xét xử tuyên phạt án treo là không nghiêm, không có tác dụng răn đe

Liên quan vụ án sập tường làm 7 người chết ở KCN Hòa Phú, Vĩnh Long, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) vừa ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long, khi xét xử tuyên 7 bị cáo được hưởng án treo.
Cụ thể, 7 bị cáo được tuyên án treo là: Đặng Sử Quân, Nguyễn Thanh Tùng, Trần Quan Trừ, Dương Thanh Phong, Nguyễn Trần Bảo Quốc, Trương Văn Tuấn và Lê Phước Thiện.

Sập tường đang xây dựng ít nhất 8 công nhân thương vong

Viện cấp cao 3 đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, tăng hình phạt, không cho 7 bị cáo trên hưởng án treo và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Theo hồ sơ vụ án, lúc 10 giờ ngày 15.3.2019, công trình xây dựng Công ty Bohsing (lô A2 khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long) xảy ra sự cố sập tường làm 7 người tử vong và 1 người bị thương.
Công trình trên do Công ty Hưng Thịnh Phát thực hiện theo hợp đồng được ký kết giữa Đặng Sử Quân với ông Jen Yi Fan là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bohsing Đài Loan.
Để hợp thức hóa hồ sơ công trình, Quân đã thuê Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty TNHH thương mại, xây dựng, dịch vụ Cát Thành), Trần Quan Trừ (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn, xây dựng và thương mại Hưng Long), Dương Thanh Phong (Giám đốc Xí nghiệp tư vấn đầu tư thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Long An) ký tên, đóng dấu các bộ hồ sơ thiết kế, thẩm tra thiết kế…
Đối với Nguyễn Trần Bảo Quốc, Trương Văn Tuấn và Lê Phước Thiện là cán bộ phụ trách lĩnh vực cấp phép xây dựng công trình công nghiệp thuộc Ban Quản lý KCN Vĩnh Long, được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trong việc kiểm tra tính đúng đắn, chính xác và trình tự thủ tục trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong việc cấp phép xây dựng, 3 bị cáo đã không làm hết trách nhiệm được giao, không phát hiện những vi phạm trong hồ sơ thiết kế dẫn đến sự cố sập tường khi đang thi công, làm 7 người chết, 1 người bị thương.

Tuyên phạt không chính xác

Tháng 3.2021, TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử sơ thẩm, tuyên 7 bị cáo trên các mức án từ 1 năm 6 tháng tù - 2 năm 6 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo.
Viện cấp cao 3 nhận định hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng 7 bị cáo đều được xét xử tuyên phạt án treo là không nghiêm, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa trong lĩnh vực xây dựng.
Hơn nữa, 4 bị cáo trong nhóm tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đều tham gia thực hiện một công đoạn phạm tội độc lập như nhau, không bị cáo nào là thứ yếu, đáng kể. Các bị cáo bị xét xử tại điểm a khoản 3 điều 298 bộ luật Hình sự (BLHS) có khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù; tương tự, 3 bị cáo phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bị xét xử theo điểm a khoản 3 điều 360 BLHS, khung hình phạt từ 7 - 12 năm tù. Nhưng cấp sơ thẩm áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 điều 51 BLHS, từ đó áp dụng dưới khung liền kề, không nằm trong khung liền kề khoản 1, khoản 2 điều 54 BLHS, cho các bị cáo hưởng án treo là không chính xác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.