‘Vụ Thủ Thiêm hứa mãi không làm, một sự bất tín vạn sự bất tin’

10/11/2020 19:35 GMT+7

“Văn kiện cần bổ sung giải pháp để củng cố và nâng cao lòng tin của dân, không mị dân, lừa dân. Như vụ Thủ Thiêm hứa mãi không làm . Một sự bất tín vạn sự bất tin”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý.

"Có trường hợp ung thư về mặt chính trị"

Thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiều 10.11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, nghiên cứu từ Đại hội VI đến nay, ông đều thấy văn kiện đề cập đến "báu vật" là niềm tin của dân với Đảng.
“Đảng đang rất muốn củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, từ Đại hội VI đến nay đảng rất trăn trở nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đây là "gen" quý cần gìn giữ, cần ươm mầm phát triển”, ông Nhưỡng nói.
Với tư cách đảng viên có tuổi đảng khá cao, đại biểu Nhưỡng cho rằng, "nếu không có biện pháp gìn giữ và nâng cao niềm tin của dân thì sự lãnh đạo của đảng sẽ giảm sút và thậm chí đe doạ sự tồn vong của đảng".
Ông Nhưỡng cũng đặc biệt nhấn mạnh, nếu dân không tin vào hệ thống chính trị thì không thể xây dựng được nhà nước pháp quyền. Do đó, để giữ được niềm tin của nhân dân, cần giữ vững và khẳng định vai trò của đảng, bởi "không phải dễ dàng mà sự lãnh đạo của đảng được ghi vào Hiến pháp, phải giữ được vấn đề này, khi xây dựng Hiến pháp vấn đề này cũng chật vật", đại biểu nói.
Theo ông Nhưỡng, thời gian qua có sự suy thoái, xuống cấp, mà nguy hiểm nhất là suy thoái về phẩm chất chính trị (của cán bộ, Đảng viên), vấn đề Đảng đã khẳng định rất rõ. "Có thể nói là vừa qua có trường hợp ung thư về mặt chính trị", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ví von.
Nhấn mạnh Đảng rất cần sự yêu mến, ủng hộ của nhân dân như trước đây, như những năm 1960 - 1970, nói đến Đảng là như nhắc đến “một ngôi đền thiêng liêng”, ông Nhưỡng cho rằng “người dân như thuỷ thủ, còn Đảng như thuyền trưởng, thì con tàu cách mạng đi tới thành công”.

"Không dám bỏ ghế khi đã sai lầm, không sẵn sàng tự xử thì dân khó tin"

Nhắc đến những nguy cơ được nêu tại dự thảo như tụt hậu, tham nhũng, đại biểu Nhưỡng cho rằng nếu dân không có lòng tin thì đã thu hẹp dư địa lực lượng để chống lại những nguy cơ đó. Vậy làm thế nào để Đảng “trở thành thiêng liêng với dân”? Đại biểu Nhưỡng cho rằng, kiểm soát quyền lực rất quan trọng, là nguyên tắc rường cột của nhà nước pháp quyền, nhưng hiện nay lại đang bị vi phạm rất nhiều.
“Nhiều địa phương cán bộ như cường hào, từ ăn mặc đến lời nói đều phản cảm, cán bộ tiếp dân chỉ tay vào mặt dân, nói một đằng làm một nẻo”, ông Nhưỡng nhận xét, và cho rằng cán bộ phải giữ được danh dự của mình, cũng là giữ danh dự cho đảng. Văn kiện cần bổ sung giải pháp để củng cố và nâng cao lòng tin của dân, biện pháp dân vận phải rõ ràng, không mị dân, lừa dân.
“Như vụ Thủ Thiêm hứa mãi không làm. Một sự bất tín vạn sự bất tin”, ông Nhưỡng nêu ví dụ.
Bày tỏ suy nghĩ rất nhiều về chuyện ở Nhật, võ sĩ đạo được dân tôn như thánh, vì họ sẵn sàng chứng minh sự trog sạch bằng cái chết, đại biểu Nhưỡng cho rằng đảng viên phải có lòng dũng cảm. “Không dám bỏ ghế khi đã sai lầm, không sẵn sàng tự xử thì dân khó tin. Thủ tướng vừa rồi đã nhận câu chất vấn về văn hoá từ chức, nhưng ít cán bộ của chúng ta làm được điều ấy”, ông Nhưỡng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc trả lời chất vấn của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) về văn hóa từ chức

Đại biểu Bến Tre cũng cho biết là ông rất tâm đắc với quy định "giám sát ngược" được nêu tại báo cáo xây dựng đảng, đó là thực hiện hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận với Đảng và nhà nước, tránh sự bao che, bè phái. Bên cạnh đó có quy định tăng cường giám sát của Đảng với cán bộ nhà nước.
Hai chiều giám sát ngược - xuôi rất thú vị, nhưng phải cụ thể hoá thành nghị quyết riêng, thể chế hoá thành văn bản quy phạm pháp luật chứ chỉ có cơ chế chính trị mà không có thể chế pháp lý thì không phát huy hiệu quả, ông Nhưỡng góp ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.