Vụ VN Pharma: Điều tra trách nhiệm của Cục Quản lý dược

31/10/2017 06:40 GMT+7

HĐXX khẳng định việc các bị cáo nhập thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ bằng hàng loạt giấy tờ giả... là xuất phát từ việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế

Sáng 30.10, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ án nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet chữa bệnh ung thư “không được sử dụng cho người” đối với bị cáo Nguyễn Minh Hùng cùng 8 đồng phạm; đồng thời điều tra trách nhiệm của các cán bộ Cục Quản lý dược liên quan.
Ảnh: Ngọc Dương - Đào Ngọc Thạch - Đồ Họa: Hồng Sơn

Bản án được HĐXX tuyên trên cơ sở chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM về bản án sơ thẩm ngày 25.8. HĐXX cấp phúc thẩm cũng tiếp tục thi hành biện pháp tạm giam 3 tháng với bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma và Võ Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C, theo quyết định ngày 21.10 của Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Hùng, nguyên Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), cho biết bằng kinh nghiệm làm việc thực tiễn, ông khẳng định VN Pharma mua bán thuốc giả. “Ngay từ đầu, tôi thấy truy tố VN Pharma hành vi buôn lậu là vô lý nên đã có ý kiến, sau đó tòa sơ thẩm vẫn xử VN Pharma tội buôn lậu và nó trở thành sự kiện”, ông Hùng nói, đồng thời cho biết ông đã kiến nghị Thủ tướng thanh tra Cục QLD và Thủ tướng đồng ý ngay. “Vì sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật nên tôi mới có ý kiến, vì đó cũng là lợi ích của hơn 90 triệu dân. Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã rất trách nhiệm, công tâm. Việc trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu theo hướng VN Pharma mua bán thuốc giả đã tạo niềm tin cho nhân dân. Nếu hành vi nguy hiểm như thế này (mua bán thuốc giả) thì phải có người chịu trách nhiệm”, ông Hùng nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cũng cho rằng TAND cấp cao tại TP.HCM trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu là đúng vì toàn bộ hồ sơ thuốc là giả. “Hồ sơ giả thì coi là hàng giả. Cũng giống như người này mà lấy giấy khai sinh của người khác thì đúng là giả rồi! Kết luận như cấp sơ thẩm, xã hội nhiều người không đồng ý”, ông Truyền phân tích.
Liên quan đến phán quyết của HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM, chiều tối 30.10, PV Báo Thanh Niên liên lạc với một số lãnh đạo của Bộ Y tế để hỏi về quan điểm, tuy nhiên tất cả đều không trả lời.
Duy Tính - Nam Sơn

H-Capita là thuốc giả
HĐXX nhận định VN Pharma là vụ án rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Căn cứ các chứng cứ, tài liệu tại hồ sơ và tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, đủ cơ sở nhận định việc cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo phạm tội “buôn lậu”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là chưa đầy đủ, toàn diện, chưa đánh giá hết tính chất, mức độ cũng như quy mô của vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội, từ đó dẫn đến mức hình phạt chưa tương xứng.
Về tội danh, HĐXX phân tích để nhập được 9.300 hộp thuốc H-Capita về VN, các bị cáo đã làm giả giấy chứng nhận bán hàng tự do tại Canada của thuốc H-Capita 500 mg Caplet và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada; Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo cấp dưới viết hồ sơ kỹ thuật thuốc, bản hướng dẫn sử dụng thuốc, làm giả nhãn mác, lưu hành tại VN, làm giả tên thương mại, giấy chứng nhận xuất xứ lô thuốc mang tên Công ty Helix Canada.
Qua xác minh cho thấy, không có Công ty Helix Canada có số ngày đăng ký kinh doanh theo giấy tờ nộp Cục Quản lý dược (QLD); mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào. Qua kiểm tra thực tế hộp thuốc thì từ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc có nội dung không đúng với nội dung đã thiết kế theo hồ sơ nộp Cục QLD để phê duyệt cấp phép.
Từ các chứng cứ nêu trên, HĐXX cho rằng đủ cơ sở xác định lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Xâu chuỗi các hành vi từ việc thỏa thuận mua bán, đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, khâu chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi tiền hoa hồng trước cho các bác sĩ cho đến khi làm thủ tục thông quan, cho thấy ý chí thực hiện tội phạm của các bị cáo có dấu hiệu của tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo điều 157 bộ luật Hình sự. Cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội danh “buôn lậu” là không phản ánh đúng bản chất vụ án”, HĐXX nhận định.
Quy trình cấp phép của Cục quản lý dược có nhiều thiếu sót
Về trách nhiệm của Cục QLD, HĐXX khẳng định việc các bị cáo nhập thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào VN tiêu thụ bằng hàng loạt giấy tờ giả, hồ sơ kỹ thuật giả, có nội dung liên quan đến mẫu mã thuốc, quy chuẩn sản phẩm không đúng... là xuất phát từ việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục QLD, Bộ Y tế. Đặc biệt, không chỉ riêng với lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet này, mà bằng thủ đoạn tương tự, các bị cáo đã nhập 7 loại thuốc khác được Cục QLD cấp số đăng ký, lưu hành và có 3 loại thuốc được cấp phép nhập khẩu, đến sau khi vụ VN Pharma được khởi tố thì Cục QLD mới ra quyết định thu hồi số đăng ký, lưu hành và giấy phép nhập khẩu.
“Dựa vào chứng cứ hồ sơ vụ án và qua xét hỏi tại tòa cho thấy quy trình cũng như trình tự cấp phép 9.300 hộp thuốc H-Capita có nhiều thiếu sót. Cụ thể, tại phiên phúc thẩm, khi được hỏi trong quá trình thẩm định hồ sơ nhập khẩu lô hàng, việc trích xuất cũng như xác minh nguồn gốc, sự tồn tại hợp pháp Công ty Helix Canada có phải là bắt buộc hay không, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Đỗ Trung Hưng, đại diện Cục QLD, trả lời là bắt buộc. Tuy nhiên, chứng cứ tại hồ sơ và qua thẩm tra tại tòa phúc thẩm, thể hiện quá trình thẩm định, cấp phép hồ sơ nhập khẩu, Cục QLD mà cụ thể tổ thẩm định đã không thực hiện việc này, dẫn đến toàn bộ hồ sơ đều là giả mạo.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Đỗ Trung Hưng đại diện Cục Quản lý dược trả lời tại tòa phúc thẩm Ảnh: Đ.N.T
Thứ hai, biên bản thẩm định việc cấp phép, trong số các thành viên tham gia thẩm định, có tới 3 thành viên không ký tên đồng ý cấp phép. Trong khi đó, chính đại diện Cục QLD khẳng định theo quy trình của Bộ Y tế, nếu thành viên trong tổ thẩm định không ký tên vào biên bản thẩm định thì phải nêu rõ lý do. Vì vậy, tại phiên phúc thẩm, đại diện Cục QLD cho rằng không cần thiết phải có chữ ký của 3 chuyên gia này là không phù hợp.
Thứ ba, trong hồ sơ cấp phép nhập khẩu của VN Pharma gửi Cục QLD thể hiện Austin Hong Kong đã hết giấy phép hoạt động, trong trường hợp này Cục QLD không thể không biết Công ty Austin đã hết hạn hoạt động và đồng ý cấp phép nhập khẩu là trái quy định”, HĐXX nhận định.
Tại tòa, bị cáo Võ Mạnh Cường đã cung cấp cho HĐXX phúc thẩm chứng cứ mới là giấy phép hoạt động tại VN của Công ty Helix do Cục QLD cấp. Trước đó, ngày 30.9.2014, Bộ Ngoại giao có văn bản gửi Cục An ninh chính trị, trả lời rằng không có Công ty Helix Canada, đồng thời con dấu của công ty này cơ quan thu giữ cũng được xác định là giả. Theo HĐXX, vấn đề này cần được làm rõ để xem xét các vấn đề khác, cũng như điều tra trách nhiệm của tổ thẩm định, Cục QLD trong việc cấp phép nhập khẩu lô hàng, cấp giấy phép hoạt động cho Helix tại VN.
Điều tra nhiều cá nhân liên quan
HĐXX phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm không điều tra bị cáo Hùng, Cường về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là bỏ lọt tội phạm. Bởi để thực hiện trót lọt việc nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita, Hùng và Cường đã bàn bạc việc xây dựng hồ sơ cũng như nhập khẩu. Trong đó, Cường cung cấp hai giấy chứng nhận giả về lô hàng, môi giới cung cấp thuốc không rõ nguồn gốc cho Hùng; Hùng chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ thuốc, phương pháp kiểm nghiệm thuốc..., vì vậy, hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Ngoài ra, những người liên quan không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng được cấp phúc thẩm đề nghị điều tra làm rõ, gồm: Phó tổng giám đốc VN Pharma Phan Xuân Thiện là người giới thiệu cho Hoàng Trúc Vy (nhân viên VN Pharma) thuê dược sĩ Phạm Văn Đông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc. Theo HĐXX, ông Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và biết rõ con dấu Helix Canada là giả đã có ở VN Pharma từ trước, nhưng vẫn để mặc cho bị cáo Hùng và cấp dưới thực hiện hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ lô thuốc là có dấu hiệu không tố giác tội phạm. Hoàng Trúc Vy đã biết việc làm giả hồ sơ để nhập thuốc nhưng vẫn tiếp sức cho Hùng để thực hiện hành vi nên là đồng phạm tích cực, cần điều tra.
Hành vi của Nguyễn Quang Huy (người được bị cáo Phan Cẩm Loan (nguyên trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma thuê với giá 10.000 USD để làm thủ tục xuất nhập khẩu lô hàng về) cung cấp cho hải quan bản sao công chứng giấy phép hoạt động hết hạn của Công ty Austin Hong Kong, theo HĐXX cũng cần phải điều tra với vai trò đồng phạm giúp sức.
Làm rõ những ai nhận 7,5 tỉ đồng hoa hồng
Về xử lý vật chứng của vụ án, HĐXX nhận định theo cáo trạng và bản án sơ thẩm, Hùng đã làm giả giấy tờ để nhập khẩu 7 lô thuốc, sau đó nâng khống giá thuốc lên 157 tỉ đồng và số tiền này để ngoài sổ sách kế toán. Cấp phúc thẩm yêu cầu phải làm rõ 157 tỉ đồng này hiện nay đã sử dụng làm gì, chi cho ai, từ đó nếu có đủ cơ sở xác định đây là nguồn tiền do phạm tội mà có thì thu hồi, xử lý theo quy định pháp luật.
Về lời khai các bị cáo chi 7,5 tỉ đồng hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để tiêu thụ lô thuốc, cần tiến hành điều tra làm rõ số tiền này chi hoa hồng cho lô thuốc nào, bởi nếu chi cho lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita là không phù hợp vì tiền lô thuốc này chỉ hơn 5 tỉ đồng. Mặt khác, 7,5 tỉ đồng là tiền liên quan đến vụ án, nên phải điều tra làm rõ những người có liên quan sử dụng số tiền này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.