Vui buồn thú y miệt vườn: Chuyện bò đá và tai nạn nghề nghiệp

27/06/2021 06:14 GMT+7

Bị trâu bò rượt, bò đá, heo táp, chó cắn hoặc bị đòi bồi thường, kiện tụng, tẩy chay... Có không ít tai nạn mà thú y miệt vườn gặp phải trong nghề, bên cạnh những niềm vui bình dị.

Anh Võ Đăng Tiến, hành nghề thú y tự do tại xã Sùng Nhơn (H.Đức Linh, Bình Thuận), cho rằng bò cũng là loài vật thù dai, nhớ lâu. Anh Tiến dẫn chứng: “Con bò đó lúc trước tui đã tới chích thuốc. Mấy tháng sau, chủ nhà lùa bầy bò trên đường và tui tình cờ đi ngang. Vậy là con bò từng bị chích xông tới rượt tui chạy trối chết. Nhiều người chọc vui là mày làm sao mà trâu cũng ghét, bò cũng ghét dữ vậy”.

Bị bò đá suýt chết, hỏng mắt…

Một số thú y miệt vườn nhìn nhận nghề này có nhiều rủi ro. Với anh Võ Đăng Tiến, việc chích bò và chích heo nái rất nguy hiểm. Có lần, anh Tiến đứng trên khúc gỗ sát chuồng và rướn vô chích bò. Tưởng vậy sẽ an toàn, không ngờ con bò đá văng khúc gỗ làm anh loạng choạng, hồn vía lên mây.

Đừng tin “con này hiền lắm !”

Bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn cho rằng kinh nghiệm nghề nghiệp giúp anh nhận biết mỗi con vật hiền hay dữ. Với con dữ, phải tính toán phương án an toàn mới làm. Theo anh Tuấn, đừng bao giờ tin lời chủ nhà: “Không sao đâu, con này hiền lắm!”. Bởi thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn từ sự chủ quan như vậy.
 
Anh Tiến cho hay một vài đồng nghiệp của anh từng bị bò đá suýt chết. Thậm chí, một người thú y tiền bối thân thiết của anh hành nghề ở xã khác bị bò đá gây hỏng một con mắt.
Đối với heo nái mới đẻ, anh Tiến luôn tự nhủ phải tăng cấp độ cảnh giác vì nó hung dữ. Khi can thiệp cho heo nái đẻ sót nhau thai hoặc không cho con bú, anh Tiến thường cột nó lại. Vậy mà, trên mấy ngón tay của anh vẫn còn những vết sẹo do heo táp.
Vì chủ quan, anh Tiến đã bị chó cắn trong một tình huống dở khóc dở cười. Anh kể: “Nhà người ta nuôi hai con chó. Mình nói họ giữ con chó bị bệnh cho mình tiêm thuốc. Nghe “đồng bọn” bị tiêm kêu ăng ẳng, con chó còn lại bỗng chạy tới đớp vào mông tui. Lần đó, tui phải đi chích ngừa và dặn mình cẩn thận hơn”.
Bên cạnh đó, còn có những tai nạn dẫn đến kiện tụng, đòi bồi thường của khách hàng. Anh Tiến lưu ý trường hợp heo nái chuyển dạ mệt lử, thở dốc, nhất là trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Đến một lúc nào đó, heo bị suy hô hấp, đe dọa chết cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, chủ nhà nghĩ rằng heo tự đẻ được nên cứ chờ đợi. Mãi tới lúc nó hả họng thở, họ mới kêu thú y thì hầu hết đã muộn.
Anh Tiến nhìn nhận: “Có những anh em thú y thấy heo bị vậy, không chườm đá và lau mát cho nó xem sao mà vội can thiệp thuốc. Con heo nằm một lúc là chết, khiến người ta đổ thừa do tiêm thuốc. Đã ế việc lại gặp mấy ca rắc rối kiểu này, một số anh em bất mãn bỏ nghề”.
Có hơn 30 năm kinh nghiệm, bác sĩ thú y Ngọc Tư (53 tuổi, ngụ TT.Đức Tài, H.Đức Linh, Bình Thuận) tiết lộ ông từng bị một tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng. Cách đây khoảng 5 năm, ông Tư làm thú y viên cho một xã thuộc H.Đức Linh. Khi ông đi tiêm thuốc ngừa lở mồm long móng cho bò trên địa bàn, một người dân kiện ông làm chết con bò của bà. Ông Tư nhớ lại: “Con bò của bả bị bệnh tiêu chảy sẵn rồi, nhưng bả không thông báo để tụi tui điều trị trước khi chích ngừa. Giả sử con bò phản ứng với thuốc ngừa lở mồm long móng, nó sẽ có triệu chứng như chảy nước miếng, chướng bụng..., trong khi con bò này tiêu chảy ra máu. Vậy mà bả cứ đổ thừa, kéo lên xã bắt tui bồi thường”. Để tránh kiện tụng căng thẳng, ông Tư xin nghỉ việc sau hai năm làm thú y viên, trở về hành nghề tự do như trước.

Anh Võ Đăng Tiến chỉ những vết heo cắn trên tay

Ảnh: Như Lịch

Kinh nghiệm “né chưởng”

Vào chiều một ngày tháng 5, theo lịch hẹn, bác sĩ thú y Ngọc Tư tới nhà cô Thanh (thôn 10, xã Nam Chính, H.Đức Linh, Bình Thuận) để chích thuốc cho một con chó. Tôi đi theo ông Tư, đến nơi thấy cô Thanh ngồi chơi trước nhà cùng hàng xóm, con chó quấn quýt bên cạnh. “Con chó bị sao vậy cô?”, tôi hỏi thăm. “Nó không bị sao hết, nó chẳng chịu ăn thôi”, cô Thanh cho biết.
Trong khi con chó được cô Thanh ôm giữ và vuốt ve, ông Tư bước nhẹ từ phía sau nó rồi lẹ làng tiêm thuốc. Cô Thanh nói với tôi: “Ông Tư giỏi lắm, rất nhiệt tình”. Từng kêu bác sĩ thú y này đến chích thuốc cho chó và đã biết mức giá, nên lần này cô Thanh chuẩn bị sẵn 15.000 đồng để đưa cho ông Tư.
Vui buồn thú y miệt vườn: Chuyện bò đá và tai nạn nghề nghiệp

Bác sĩ thú y Ngọc Tư điều trị cho chó

Ảnh: Như Lịch

Tôi nhẩm tính: Chỉ có 15.000 đồng, ông Tư phải di chuyển đi - về khoảng 10 cây số, rồi tiền xăng, tiền công, tiền thuốc. Nếu không yêu nghề, không làm thêm những dịch vụ khác (chẳng hạn bán thuốc thú y) bên cạnh việc điều trị, có lẽ khó bám trụ lâu dài.
Phải công nhận ông Tư có nhiều chiêu né rủi ro trong nghề. Làm sao để không bị gia súc cắn, húc khi điều trị cho chúng? Ông Tư cười: “Bằng mọi giá đều có cách hết. Ví dụ với chó dữ, heo nái dữ, phải cột dây rọ mõm nó. Với trâu bò, cơ bản phải cột dây mũi để nó không nhích qua nhích lại”. Ông Tư góp ý: “Mình hướng dẫn chủ nhà khống chế con vật. Nếu chuồng trại ô nhiễm, mình nói khéo để người ta kéo con vật ra chỗ khác. Đừng xông vào làm những phần việc của họ, để rồi than nghề này quá cực, nguy hiểm và dơ bẩn”.
Ông Tư chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” khi chữa bệnh cho hai con heo có cùng triệu chứng bỏ ăn. Trong đó, với con heo bột, ông điều trị không chút e dè. Nhưng với con heo đang mang thai, ông quan sát bộ phận sinh dục của nó có màu đỏ nên nghĩ tới khả năng bị động thai. “Lúc đó, tui báo chủ nhà tình trạng của con heo và nói nó dễ bị hư thai. Đến khi con heo bị sảy thai, họ không thể bắt đền mình. Giả sử tui không nói trước, chắc chắn bị dính chưởng rồi”, ông Tư cởi mở. Theo ông, gặp những trường hợp như vậy, người thú y dễ bị “mất kèo” vì cả xóm không kêu làm nữa. Đôi khi thú y còn bị giữ lại, cho đến khi chịu bồi thường.
Tại phòng khám của mình, bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn (xã Phú Túc, H.Định Quán, Đồng Nai) hằng ngày điều trị và phẫu thuật cho nhiều ca chó mèo. Anh Tuấn cho biết mỗi thú cưng này có giá trị từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Đa phần khách hàng nuôi chó mèo xuất phát từ tình thương, coi nó như người bạn thân thiết hoặc thành viên gia đình. Đặc biệt, một số cặp vợ chồng vô sinh xem chó mèo là con cái của họ.
“Mổ chó kiểng rất áp lực. Người ta đi ra đi vô, than ngắn thở dài. Mình phải hết sức cẩn thận, vì nếu làm sai, mình bồi thường số tiền lớn và mang tai tiếng. Họ oán hận, đăng lên Facebook và cộng đồng mạng nhảy vô chửi cũng đủ khiến mình chết rồi”, anh Tuấn bộc bạch.
Do vậy, với những ca phức tạp, anh Tuấn thường cho chó mèo xét nghiệm, siêu âm. Dựa trên thông số cụ thể và khách hàng ký cam kết, anh Tuấn mới phẫu thuật để tránh hậu họa.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.