Vùng áp thấp đang mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hướng vào trung Trung bộ

22/09/2021 15:39 GMT+7

Vùng áp thấp trên Biển Đông có xu hướng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển hướng vào các tỉnh Trung bộ gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 13 giờ hôm nay, 22.9, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,2 - 13,2 độ vĩ bắc và 114,5 - 115,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 180 km về phía bắc đông bắc.
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km.
Đến 13 giờ ngày 23.9, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,6 độ vĩ bắc và 111,0 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 340 km, cách bờ biển Bình Định khoảng 240 km về phía đông. Vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh nhất cấp 6 - cấp 7, tức là từ 40 - 60 km/giờ, giật cấp 9.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông với gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên trong 12 - 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 12,0 - 16,0 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 110,0 - 114,0 độ kinh đông.
Trong 24 - 48 giờ tới, vùng biển nguy hiểm trên Biển Đông với gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên là từ vĩ tuyến 12,5 - 17,5 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 112,5 độ kinh đông.
Theo đó, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6 - cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 - 4 m, biển động mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông có gió mạnh cấp 5 - cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8, sóng biển cao từ 2 - 3 m, biển động.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển vào đất liền nên từ ngày mai, 23.9, đến ngày 24.9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và giông với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. 
Các tỉnh Kon Tum và Gia Lai mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt.
Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy rai tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ ở vùng trũng, thấp, ven sông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.