Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua

17/10/2020 06:03 GMT+7

Đã bước sang ngày thứ 5 kể từ chuyến cứu trợ đầu tiên của Báo Thanh Niên khởi hành hướng về vùng lũ.

Nơi chúng tôi đi qua và trao gửi những món hàng cứu trợ, có bao phận người vẫn đang cần lắm sự sẻ chia, từ từng gói mì tôm, từng chai nước cho đến những lời động viên, san sẻ yêu thương!
Quảng Trị, vùng đất vốn nghèo khó, tiếp tục là địa phương thiệt hại nặng nề nhất trong 2 cơn lũ kép vào ngày 8 và 11.10. Bị ngâm nước trong 7 ngày ròng rã, những người dân Quảng Trị, từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, dẫu không nghèo cũng... xơ xác, huống là nghèo.

Áp thấp nhiệt đới vào vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khắp nơi mưa lớn

Trong những thời điểm ban đầu của lũ dữ, lúc căng thẳng nhất, những nơi mà Báo Thanh Niên tìm đến luôn là những địa điểm ngập nặng nhất, thiếu thốn nhất và cần được cứu trợ khẩn cấp. Ví như ở Hải Phong (H.Hải Lăng), khi đưa hàng lên ghe, chúng tôi thậm chí đã chấp nhận liều lĩnh vượt sông Ô Lâu đang ở mức báo động 3 để vào được với xóm làng đang lênh láng nước. Giá trị của thùng mì tôm, chai nước, xì dầu... mà đoàn mang vào được lúc đó khác rất nhiều với ngày thường, hay ở nơi khô ráo. Bằng chứng là người dân thậm chí chấp nhận lội nước đến ngang ngực để đón lấy món quà nhỏ. Mới hay, họ thực sự cần!
Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua, chúng tôi dần quen với hình ảnh những cụ già tóc bạc phơ, lưng còng, những người mẹ bồng con trẻ, những người tàn tật... vẫn đang ngồi ở ô cửa sổ, nhìn ra bên ngoài, ngóng đoàn cứu trợ. Nhiều ngày liền chưa biết cảm giác đặt chân xuống nền đất khô ráo, họ biết làm gì hơn, trong khi gà heo chết sạch, rau màu ngập úng, lúa ngô nảy mầm...
Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua1

Người dân vùng lũ thà để người ướt chứ không bao giờ để... lúa ướt

Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua, bây chừ chỉ thừa mỗi... nước và bùn, còn cái gì cũng thiếu. Thiếu từ cái ăn cái mặc, thiếu từ chai nước uống đến gạo cơm, thiếu điện, thiếu vật dụng gia đình... và đâu đó còn thiếu cả hơi ấm của sự sẻ chia. “Con gái tôi mất trong lũ rồi, tôi đâu thiết gì nữa... Nhưng sự có mặt của các anh ở đây, khi nước lụt đang vây khắp xóm làng, thực sự làm tôi có chút ấm lòng”, chị Lê Thị Bé (45 tuổi), người mẹ vừa mất đứa con 3 tuổi ở thôn Câu Hà (xã Hải Phong, H.Hải Lăng, Quảng Trị), nói.

Dầm mưa, “cõng” 3 tấn gạo lên cứu đói bà con vùng cao

Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua, có rất nhiều câu chuyện oái oăm nhưng vẫn xảy ra trong thực tế. Bị ngâm nước suốt 7 ngày, có vẻ không có gì là không thể. Rằng những con trâu vì nước lũ mà có thể biến mái hiên nhà thành... chuồng, rằng người dân vùng lũ có thể cất rớ ngay giữa sân nhà mình, rằng trẻ con có thể tham gia... giao thông đường thủy trên chính con đường làng ngày nào bằng những chiếc bẹ chuối. Và việc nấu nướng có thể diễn ra ở bất cứ đâu, miễn là còn khô ráo: trên giường, trên bàn, trên nóc nhà... Nhưng ngoài những chuyện cười ra nước mắt, còn có những câu chuyện ám ảnh, là đoàn người đưa ma trên những chiếc đò tròng trành giữa mênh mông nước bạc, trong mưa gió; là chiếc ca nô chở quan tài đi len lỏi giữa xóm làng để có thể cho người đã khuất vào khâm liệm khi qua đời nhiều giờ...
Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua2

Người dân xã Pa Nang vui mừng khi được nhận gạo cứu trợ

Nhưng vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua không chỉ là vùng trũng thấp, mà còn ở miền núi. Những cơn mưa dai dẳng khiến cho đất đai mềm bục, nên những đoạn đường đi qua một bên là núi, một bên là vực khiến ai cũng lo sợ vì nỗi ám ảnh Rào Trăng. Nhưng nếu không đi thì bà con phải chịu đói, rét. Vậy là đành... nhắm mắt đi liều. “Nếu sạt lở đường không về được, thì chắc phải ở lại với bà con”. Ngồi trên xe trườn qua những điểm sạt lở vẫn chưa khắc phục xong, trên đường lên xã Pa Nang (H.Đakrông) và xã Húc (H.Hướng Hóa), 2 huyện vùng cao của Quảng Trị hôm 15.10, chúng tôi động viên nhau như thế.
Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua, chúng tôi bắt gặp những đoàn người đang cùng làm những công việc giống mình: đi cứu trợ. Họ cũng lao về vùng lũ dữ với ăm ắp hàng quà vì nghĩa đồng bào. Có cả nhóm thiện nguyện huy động ca nô từ tận Đà Nẵng ra cứu trợ cho dân vùng lũ. Biết rằng, những đoàn cứu trợ dù có đông hơn nữa, mang theo nhiều hàng quà hơn nữa cũng khó có thể làm đổi thay hết cuộc sống bi đát của người dân vùng lũ lúc này. Nhưng hãy làm hết mình, để gợi lên trong tim người vùng lũ một khát vọng sống, khát vọng cho và nhận, rằng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...”.
Vùng lũ, nơi Báo Thanh Niên đi qua, cần lắm những tấm lòng, người với người sống để thương yêu...!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.