Ăn cùng hoa tết, ngủ cùng hoa tết
Những ngày này, không khí Tết đã xuất hiện khá rõ nét tại Cái Mơn, H.Chợ Lách (Bến Tre). Nhà nhà nơi đây đang "ăn cùng hoa tết, ngủ cùng hoa tết". Hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng do nhà vườn nơi đây sản xuất gần như đã hoàn chỉnh mẫu mã, chất lượng, ngoại trừ khoảng 3 triệu sản phẩm hoa nở là cúc và vạn thọ đang bắt đầu những ngày bung nụ trong tiết trời ấm áp.
|
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Phúc, cơ sở hoa kiểng Chín Phúc ở xã Vĩnh Thành cho biết: “Cả năm nay, tôi dành phần lớn thời gian chế tác 200 cặp kiểng thú hình rồng, lân và linh vật năm Kỷ Hợi từ các loại cây như: linh sam, bông trang và bùm sụm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi sản xuất 8 kích cỡ kiểng thú và kiểng hình có chiều cao từ 0,4 - 2 m, với giá từ 400.000 đồng đến 6 triệu đồng/sản phẩm. Hàng của tôi chủ yếu từ nhu cầu của thương lái đặt làm. Vì hàng lớn nên bản thân cảm thấy không thuận lợi khi vận chuyển đi bán xa”.
|
Tại các xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa, trên 1 triệu sản phẩm hoa giấy với 3 chủng loại, chủ yếu là kiểng mini có độ cao 0,6 m, loại trung cao từ 0,6 - 1,2 m và loại lớn từ 1,2 m trở lên, cũng đã sẵn sàng ra chợ dịp Tết.
“Tôi đã học được kỹ thuật bố trí các chậu để hạn chế thấp nhất việc rụng bông trong quá trình vận chuyển bằng xe, nên năm nay sẽ để lại 500 chậu hoa giấy mini đi bán ở Bình Dương”, nhà vườn Bùi Văn Tám, xã Phú Sơn hồ hỡi.
|
Sản phẩm "không đụng hàng”
Hoa treo, kiểng lá, kiểng treo luôn là mặt hàng có thị trường ổn định khi các nhà vườn hầu như tiêu thụ quanh năm. Đây cũng là sản phẩm "không đụng hàng” của nhà vườn Chợ Lách tại các chợ hoa xuân trên mọi miền đất nước. Các dòng sản phẩm phổ biến hiện đang bán tại Cái Mơn là dạ yến thảo, dừa cạn, cúc nhật, đại phát tài…
Bên cạnh đó, các mẫu tắc kiểng (quất kiểng) như bụi, hình thông, hình thú…cũng đã hoàn thành công đoạn chăm sóc trái, tỉa tán. Không ít nhà vườn đã bán gần hết sản phẩm cho thương lái, rồi được thuê chăm sóc đến cận Tết Nguyên đán.
|
Vương quốc hoa kiểng Cái Mơn đã "nóng"
Hơn 900 hộ sản xuất mai vàng và tắc kiểng ở các làng nghề hoa kiểng ở xã Vĩnh Thành đang tất bật chăm sóc và thị trường nơi đây đã "nóng" từ hơn nửa tháng qua.
Đối với mai vàng, việc uốn sửa hình dáng đang hoàn chỉnh, hiện nhà vườn ngày đêm tăng cường tưới nước và tiến hành lảy lá. Hiện nhiều hộ đã có mặt khắp các chợ hoa xuân để... tập cho cây quen nguồn nước tưới tại nơi đến bán.
“Năm nay, gia đình tôi sản xuất khoảng 1.000 sản phẩm mai vàng các loại. Trong đó, có 400 mai tàng có chiều cao từ 1,5 - 2 m, còn lại là mai ghép hình dạng bonsai. Số còn lại là tôi cố tình để lại rồi thuê phương tiện chở lên TP.HCM để bán kiếm thêm, do là bán cho thương lái giá cả không được hài lòng lắm”, ông Trần Văn Thanh, ở ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành thông tin.
|
Theo ông Trương Văn Bình, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp mai vàng ấp Phú Hội cho biết, từ thời điểm đầu tháng 12.2018 đến nay, các tổ viên đã bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh được trên 70% sản phẩm mai vàng các loại, trong tổng số trên 21.300 sản phẩm. Số còn lại, bà con tự mang đi bán tại các chợ hoa xuân.
Nỗi niềm... "giang hồ đất khách"
Thị trường hoa Tết tại Cái Mơn đang hết sức tưng bừng. Nhưng việc chính mình đến các chợ hoa xuân trực tiếp bán, vẫn là một niềm hứng khởi đã thành thói quen không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân về đối với các nghệ nhân nơi này. Mặc dù chưa năm nào họ du xuân mà không bị các nhóm “giang hồ đất khách” hà hiếp.
Ông Trần Minh Mẫn, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh H.Chợ Lách, người đứng ra tổ chức cho các nhà vườn, nghệ nhân đến các chợ hoa xuân khắp cả nước. cho biết: “Những nghệ nhân đi bán mai tại chợ hoa ở tỉnh Lạng Sơn, TP.Hà Nội hay các chợ hoa tại các tỉnh miền Tây, thì đã có mặt ở đó hồi đầu tháng Chạp rồi. Bởi, các lô ở đây phải đăng ký sớm, hoa mai đến các tỉnh miền Bắc lạnh lẽo phải lảy lá sớm mới dưỡng nụ ra hoa ngay tết được. Đến bán nơi nào cũng được, mà gần như năm nào cũng như năm nấy, nhà vườn đều bị “giang hồ đất khách” bắt nạt, thu tiền bảo hộ".
Bầu chọn
Thường ngày, đặc biệt là dịp lễ, tết, gia đình bạn có thói quen:
Thường ngày, đặc biệt là dịp lễ, tết, gia đình bạn có thói quen:
Ông Mẫn "kể khổ": "Chợ hoa xuân tại TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) là “căng” nhất khu vực miền Tây. Ghe của mình (nhà vườn, nghệ nhân Chợ Lách - PV) vừa cặp bến là có “giang hồ” đến thu tiền bốc xếp, mặc dù thực tế việc này là mình tự làm. Việc tương tự cũng thường gặp ở các chợ Tân Thuận, Q.7, chợ Bến Bình Đông, Q.8 (TP.HCM). Còn khu vực chợ hoa Công viên 23.9 (Q.1, TP.HCM) thì thậm chí "bụi đời" còn ngang nhiên đến đứng bán hàng của mình rồi lấy tiền luôn".
“Việc bị các tay giang hồ công khai đến lấy vài chậu kiểng chở đi là chuyện bình thường và hầu như chợ hoa xuân nào cũng có. Nhưng mình im lặng thì có khi nó không kiếm chuyện lấy nữa… Nói chung, việc chở hoa đi bán đụng nhiều thứ uất ức lắm”, ông Mẫn tâm tư.
Ngoài những "uất ức" ấy, nhà vườn còn phải thay phiên nhau thức suốt để giữ hoa, vì sơ hở là có thể bị "bụi đời" đến lấy, thậm chí lấy cả ví tiền của nhà vườn. Tuy nhiên, nỗi trăn trở lớn nhất của các nhà vườn, vẫn là việc “dội chợ”, và trong vài năm gần đây có nhiều nhà vườn đã liên tục bị thua lỗ do việc này. Tương tự, vườn hoa kiểng bị xâm nhập mặn cũng là "nỗi ám ảnh khôn nguôi" của nhà vườn Chợ Lách.
|
“Thời tiết đến thời điểm này là khá tốt. Từ đây đến tầm 22, 23 tháng Chạp vẫn không xuất hiện mưa trái mùa, không bị xâm nhập mặn bất ngờ như năm 2016, thì xem như mùa vụ của bà con đã thành công. Cách thức hạn chế thiệt hại đối với 2 bất lợi đó, cũng đã được chúng tôi tập trung tập huấn bà con trong thời gian gần đây”, TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Chợ Lách cho hay.
Ông Hồ Thanh Sơn, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng H.Chợ Lách, cho biết để hạn chế những “uất ức” của bà con đi bán hoa tết, năm nay huyện đã tổ chức thuê lô giúp bà con tại các chợ như ở khu vực TP.Bến Tre, các điểm chợ hoa xuân tại TP.HCM như Q.2, Q.4, Q.8, Q.Gò Vấp, chợ Bình Điền... Tại các chợ hoa xuân, nhà vườn Chợ Lách sẽ là thành viên của Tổ liên kết để hỗ trợ nhau trong việc buôn bán, canh giữ.
Còn tại các thị trường Bình Dương, Đồng Nai..., Phòng Kinh tế - hạ tầng H.Chợ Lách cũng đang chủ động liên hệ với chính quyền sở tại để thuê lô giúp bà con. Bởi trong các năm trước, nhà vườn không đăng ký được lô với chính quyền, mà thường phải mua lại qua trung gian nên chịu nhiều thiệt thòi.
|
Mời đón đọc Kỳ 6:
Bình luận (0)