Cũng vào thời điểm đó, Việt Nam chúng ta đang có 2.512 bệnh nhân Covid-19, trong đó có tổng cộng 1.585 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước (còn lại là các ca nhập cảnh).
Có một loại vi rút khác có tên “sợ hãi”
Nhưng có một loại vi rút khác có tên “sợ hãi” đang xâm nhập vào chúng ta với "tốc độ thần thánh". Chúng ta bị nhiễm vi rút đó chỉ trong vài giây mà không cần tiếp xúc với nó, chỉ cần mắt nhìn thấy facebooker nào đó quăng ra một nỗi “sợ sệt” trên news feed là lập tức ta cũng “dính” vi rút.
Thú thật, tôi cũng đã bị nhiễm thứ vi rút có tên “sợ sệt” này. Nhìn quanh, gia đình bạn bè cũng đã bị nhiễm, có người lây từ tôi, có người lây trên facebook. Nói chung, rất nhiều người bị nhiễm thứ vi rút có tên “sợ sệt” và không tính toán được.
Tôi là một người viết, và tôi “cuồng” cảm giác được gõ những ngón tay xuống bàn phím để tạo ra những dòng chữ. Nó có thể chỉ là một status, nhưng cũng có thể là một bản thảo nhiều trang. Việc không được viết đối với tôi có lẽ cũng kinh khủng chẳng kém gì việc phải cách ly.
|
Cũng thú nhận luôn, hồi trước tôi là một con nghiện “ma túy nhựa”. Đó là cách gọi vui của cộng đồng sử dụng mech key (bàn phím cơ). Phần lớn trong số họ là game thủ, nhưng cũng có một phần là dân viết lách. Tham gia vào cộng đồng đó mới thấy một thế giới vô cùng rộng lớn và phong phú. Mức độ đam mê của họ có lẽ cũng chẳng khác gì chơi cây cảnh, chim cảnh, thú cảnh, thậm chí theo tôi thấy còn hơn. Một trong những lợi ích quan trọng nhất, ngoài giao lưu, học hỏi thì còn là cảm giác gõ rất sướng.
Nhờ cái bàn phím ấy, tôi có thêm hứng thú khi viết một thứ gì đó. Lâu dần, tôi quen với cảm giác thích thú này, đến mức nếu không dùng cái bàn phím yêu quý thì không sáng tác được.
Hôm nọ, khi trông người thân ở bệnh viện, tôi đột nhiên nghĩ ra ý tưởng cho một bài viết. Tôi không mang theo laptop. Con điện thoại cổ lỗ sĩ cũng không hoạt động. Chẳng còn cách nào khác, tôi đi kiếm bút và giấy. Đặt giấy lên bàn, mở bút và viết những nét chữ đầu tiên.
Cảm giác thuở thơ bé chợt hiện về. Giờ ra chơi ở lớp tiểu học. Tôi cầm mảnh giấy bé xinh, tay nhem nhuốc mực tím với mộng tưởng điên rồ là sẽ có bài đăng trên báo. Sân trường lúc đó thật sôi động, với tiếng hò hét inh ỏi của các bạn. Họ chơi đuổi bắt, chơi trốn tìm, thậm chí đánh nhau. Tôi vẫn ngồi bất động trên ghế đá, với cây bút và tờ giấy đơn sơ. Họ chẳng ảnh hưởng gì đến bài viết của tôi, lúc đó đang tuôn trào trên giấy.
Đời sống hiện đại làm nảy sinh nhiều nhu cầu không thật sự cần thiết. Vẫn biết xã hội phát triển thì cách nghĩ, cách làm, nhu cầu thưởng thức và thú vui cũng tăng lên. Nhưng khi chúng ta rơi vào tình huống khó khăn thì cũng nên tự chuẩn bị để giảm thiểu nhu cầu, như một số người gọi là “sống tối giản”Đinh Thành Trung |
“Họ nhìn lại bản thân và tự cảm thấy cần phải mạnh mẽ đối mặt”
Tôi nhớ câu chuyện của mấy người bạn ở nước ngoài, những nơi dịch Covid-19 đang hoành hành vô cùng khốc liệt. Họ chỉ cần mỗi ngày được ăn là cảm thấy hạnh phúc rồi. Nhiễm bệnh cũng là chuyện thường xuyên, khi số ca mắc Covid-19 ở đó đã lên đến hàng triệu. Họ nhìn lại bản thân và tự cảm thấy cần phải mạnh mẽ đối mặt, tự sống chậm hơn và quan tâm nhiều hơn đến chính bản thân và mọi người.
Hôm qua, đọc được bài của một người phải đi cách ly bắt buộc, anh rất bình tĩnh giải quyết nhanh chóng công việc và xách đồ đi cách ly một cách vui vẻ. Sau đó anh còn kể cho mọi người nghe về điều kiện cách ly và tinh thần dân ta chống dịch ra sao, từ đó làm mọi người vững tin.
Tôi lại nghĩ đến cuộc sống của các cụ ngày xưa. Nhà thơ Chế Lan Viên trong lúc bệnh nặng, vẫn sáng tác nhiều bài thơ hay. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình cảnh bị giam cầm, vẫn cho ra tác phẩm “Nhật ký trong tù” để đời.
Cùng lắm, trong tình huống xấu nhất, tôi sẽ dùng bút và giấy.
Trước khi trở thành người có nguy cơ, hãy cùng chống lại vi rút “sợ hãi”.
Chợt nghĩ, nếu có dịch thì mỗi người hãy tự cắt bớt nhu cầu của mình, cùng góp sức với cộng đồngĐinh Thành Trung |
Bình luận (0)