Bạn nhắn tin tâm sự rằng công ty bạn đang đóng cửa dần các cửa hàng vì không kinh doanh được do ảnh hưởng từ đợt Covid-19 bùng phát trở lại. Tuần bạn làm 6 ngày công nhưng chỉ được tính lương một nửa. Vẫn phải làm. Quanh bạn có nhiều người vẫn đang mất việc, bạn đâu còn chọn lựa nào khác.
Mới đây, bạn thông tin mình đang là diện F2 do có người nhà tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cả nhà bạn đang tự cách ly và chờ đợi 'phán quyết' từ những xét nghiệm. Những ngày này với bạn thật dài.
Còn nhớ mấy tháng trước lên Sài Gòn gặp nhau, không may đúng vào dịp lễ 30.4, ngoài đường xe cộ kẹt đông như kiến cỏ. Bạn bè, đứa Bình Tân, đứa Bình Chánh đứa Bình Thạnh, đứa xa tít Thủ Đức hẹn gặp nhau một quận ở giữa cho tiện.
Dạo đó Sài Gòn vẫn còn bình yên lắm. Bạn đi làm, chiều ông xã chở qua chỗ hẹn tận nơi. Hẹn 7 giờ mà đến 8 giờ hơn mới được ngồi cùng nhau ăn bữa tối và tán dóc.
Đứa phàn nàn kẹt xe chỗ cổng Bến xe Miền Tây dữ quá. Đứa than từ chỗ làm Q.11 chạy lên bị mắc kẹt chỗ công viên Hoàng Văn Thụ mòn mỏi vì người ta ra sân bay về quê quá nhiều. Đi ngang đoạn giao cắt với đường sắt cũng phải dừng chờ rất lâu. Đợt này nghỉ lễ dài ngày nên ai ai cũng tranh thủ về quê. Dân đi đường ngửi khói xe đến 'mệt' phổi.
Vậy mà bây giờ mấy đứa lại ước những ngày Sài Gòn ồn ã. Kẹt xe cũng được, đó gần như đã là “đặc sản” của thành phố này rồi. Giờ vắng đi lại thấy thèm, thấy nhớ. Như một bà vợ hay càu nhàu một ngày bỗng dưng im lặng với chồng thì quả buồn lắm thay.
Những ngày này đứa ở một phương, chỉ biết nhắn tin vào nhóm hỏi thăm nhau. Biết đứa kia vẫn tạm thời an toàn đã mừng mừng. Chứ còn tăng chức tăng lương, cưới chồng hay chưa… đâu còn quan trọng gì nữa.
Những ngày này, lòng người sao dễ xúc động quá. Đọc tin tức nghe báo đài thông tin những ca nhiễm Covid-19 ngày dần tăng cũng rối bời trong dạ; nhìn những hình ảnh y bác sĩ, công an và bộ đội kiệt sức ngả lưng tạm bợ trong bệnh viện, trạm chốt, khu cách ly cũng xa xót trong lòng.
Khi mình chỉ là một cá thể nhỏ bé, phải làm sao? Thôi thì, tự ý thức, tự giác tuân thủ khuyến cáo quy tắc 5K mọi lúc mọi nơi, vùng tâm điểm hay chốn an toàn tạm thời, cũng là góp phần cùng cả nước phòng chống dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, quê mình là một trong những tỉnh thành chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Từ đầu tháng 5.2021 đến nay, toàn tỉnh tiếp tục tạm dừng các hoạt động lễ hội, tiệc cưới, nghi lễ tôn giáo và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán bar, karaoke... Hạn chế tập trung trên 10 người. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn mở, nhưng đều phải đảm bảo khoảng cách an toàn và tuân thủ khuyến cáo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế.
Báo đài mỗi ngày thông tin liên tục về tình hình dịch bệnh. Bà con nông thôn cũng hiểu về mức độ nguy hiểm của Covid-19 mà ý thức bảo vệ sự an toàn cho chính mình. Bằng chứng là đám tiệc giỗ quảy, trước rình rang, loa kẹo kéo hát từ sáng đến khuya…, giờ ai nấy đều tự động đơn giản hóa đi. Người ta truyền miệng nhắc nhau, “không được tập trung quá 10 người đâu”, “đeo khẩu trang vô”. Có con em ở xa về là được các anh dân quân hỏi han lịch trình ngay để còn khai báo y tế và cách ly cần thiết.
Sống giữa những ngày Covid-19 đầy xáo động, thường xuyên chứng kiến những câu chuyện bi hài, thật khiến lòng người thêm hoang hoải.
Như mấy tháng trước, ông anh họ xa mình tuổi quá ba mươi, khó khăn lắm mới hỏi được vợ. Vui mừng chưa trọn thì ở trên đưa thông báo xuống: Lễ cưới hỏi ma chay đều không được tập trung quá 10 người. Mà 10 người tức là một bàn. Đám cưới mà chỉ một bàn thì thậm chí còn không đủ chỗ cho bà con thân họ.
Tính già tính non thế nào, hai bên sui gia lại xin hoãn chờ dịch “nguội” rồi cưới chưa muộn. Nhà gái thì tiếc cái tiệc sợ không nở mặt nở mày đời con gái. Nhà trai 'ham' dâu nhưng cũng sợ “lỗ vốn”. Giần qua sàng lại, đến giờ hai trẻ vẫn thân ai nấy lo.
Hay cách đây chưa lâu, cạnh nhà mình có một bác lớn tuổi đột quỵ rồi đột ngột qua đời. Con cái bác đều ở xa, Sài Gòn, Bình Dương, mà đợt này diễn biến dịch bệnh Covid-19 hơi căng, người từ tâm dịch về phải cách ly đủ 21 ngày rồi tính gì thì tính. Con có đứa không thể về, đứa về thì chịu tang mẹ trong buồng cách ly, ai nhìn qua cảnh đó cũng thấy buồn héo hắt.
Mới thấy, hơn lúc nào hết, bình yên là vô giá. Bỗng nghe thèm quá, thèm những xôn xao ngày cũ: Dù ngày vất vả một chút thì đêm cũng có thể thong thả mà vào giấc với nụ cười.
|
Bình luận (0)