Chào đời trong khu cách ly

24/05/2021 07:10 GMT+7

Dù ca đẻ được thực hiện ngay trong khu cách ly, nhưng bác sĩ Tình đã cùng ê kíp của mình hoàn thành nhiệm vụ đỡ đẻ “rất êm xuôi”, trong điều kiện phải mặc đồ bảo hộ khá vướng víu và nóng.

Khu cách ly Covid-19 tại các bệnh viện thường lắm lo toan về dịch bệnh của những F1, F2. Nhưng tiếng khóc vang của các em bé sơ sinh như làm tất cả bừng tỉnh để nhận ra rằng nơi đây, dẫu hoàn cảnh ngặt nghèo đến mấy, sự sống vẫn vươn mầm mạnh mẽ!

“Vượt cạn” giữa muôn trùng lo

Đời phụ nữ, “ám ảnh” nhất có lẽ là những lần... vượt cạn, dẫu biết rằng khi thành công, niềm vui vô bờ sẽ đến với họ. Người viết là... đàn ông nên thực ra chẳng có chút trải nghiệm nào về việc này, chỉ nghe chị em kháo nhau rằng không đau gì bằng... đau đẻ.
Lại có người khác nói, khoảnh khắc trước khi lâm bồn là lúc trăm ngàn nỗi âu lo hiện lên trong đầu sản phụ, về những rủi ro có thể xảy ra. Ấy thế nhưng khi nghe tâm sự của những người mẹ trẻ sinh con trong mùa Covid-19, lại ngay trong khu cách ly phòng dịch, thì cái sự lo của sản phụ bình thường là rất... bình thường!
Sản phụ H.T.K.A (29 tuổi) vào Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải (đóng ở TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) vào lúc 16 giờ ngày 13.5. Các bác sĩ trực lập tức chuyển K.A vào khu điều trị cách ly của bệnh viện, khi đọc dòng chữ về nơi sinh sống: thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị. Bởi đây là khu vực bị UBND tỉnh Quảng Trị phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 9.5, do liên quan đến một bệnh nhân Covid-19.
K.A cho biết đến trong tưởng tượng cô cũng không nghĩ rằng mình và đứa con chưa chào đời lại lâm vào hoàn cảnh éo le đến thế, bởi cô là F2 của bệnh nhân Covid-19. “Dù là đứa thứ 2 nhưng chỉ nghĩ đến chuyện đi đẻ là đã mệt lắm rồi, giờ còn thấp thỏm trong khu phong tỏa.Thai thì đã lớn, vùng vẫy, đạp rầm rầm trong bụng, mà đầu tôi lúc này còn phải nghĩ bao nhiêu thứ khác. Rằng vỡ ối thì kêu ai, phong tỏa thế này liệu có đi bệnh viện kịp không, có khi nào lại đẻ rớt ngay ở nhà, nếu vào bệnh viện thì có nguy cơ lây Covid-19 từ người khác...”, K.A kể lại những khoảnh khắc như muốn “nổ tung đầu”.
Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của đội ngũ y tế cơ sở và gia đình, sản phụ 29 tuổi này được đưa vào khu cách ly Covid-19 của Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải “an dưỡng” sớm 4 ngày, trước khi lâm bồn. 21 giờ đêm 17.5, những nỗi lo “trên trời dưới đất” của K.A mới thực sự bị xé toang bởi tiếng khóc ré của đứa con thơ. Đó là 1 bé trai, nặng 3,1 kg và hoàn toàn khỏe mạnh.
Cũng vào Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải rạng sáng 19.5 với trạng thái muôn trùng... lo là sản phụ L.T.H (28 tuổi, trú thôn Hà Tây, xã Triệu An, H.Triệu Phong). Cô chỉ vừa trở về từ TP.Đà Nẵng từ ngày 10.5, thuộc diện phải khai báo y tế và tự cách ly tại nhà (xét nghiệm với Covid-19 lần 1 cho kết quả âm tính).
Dễ hiểu, cô được “biên chế” ngay 1 giường ở khu điều trị cách ly Covid-19 của bệnh viện. Theo sản phụ H., dù biết các quy định phòng dịch là rất ngặt nghèo, nhưng gia đình cô đã xin để được một người thân vào khu cách ly chăm sóc sản phụ, phần vì cô lần đầu vượt cạn, phần vì “đàn bà đẻ như tôi thì làm được gì”.
Có lẽ “tiên lượng” của sản phụ H. có lý, bởi ca sinh nở của cô phức tạp hơn nhiều so với K.A. Theo bác sĩ Trương Thanh Mẫn, Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải - người trực tiếp theo dõi và đỡ đẻ cho sản phụ H., thai nhi chỉ mới 36 tuần 3 ngày (non tháng), ước lượng trên siêu âm chỉ 2,7 kg nên các y bác sĩ đã phải theo dõi sát sao, đo tim thai liên tục, sẵn sàng tất cả để đón cháu bé ra với đời sống.
Đến 0 giờ ngày 20.5, sản phụ H. vượt cạn thành công với một bé trai. Nói về các dấu hiệu sinh tồn của bé, bác sĩ Mẫn ngắn gọn: “Bé sơ sinh hồng hào, khóc to”.

Như mọi lần, bác sĩ Trương Thanh Mẫn nở nụ cười khi đón thành công bé sơ sinh chào đời, nhưng lần này là trong bộ đồ bảo hộ

Tâm sự “anh em nhà bác sĩ”

Hai bé trai là con sơ sinh của sản phụ K.A và sản phụ H. là 2 thiên thần đầu tiên được chào đời ngay trong khu cách ly điều trị Covid-19 của Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải. Và như có sự sắp đặt rất dễ thương, 2 bác sĩ lần lượt theo dõi, đỡ đẻ cho 2 ca này lại là anh em ruột.
Cụ thể, bác sĩ Mẫn “lo” cho sản phụ H., còn sản phụ K.A được bác sĩ Trương Thanh Tình (30 tuổi, bác sĩ Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải, là em ruột của bác sĩ Mẫn) “dìu đi” trên suốt quãng đường vượt cạn đầy khó khăn. Với bác sĩ Tình, việc đón đứa trẻ đầu tiên ra đời tại khu cách ly khá hữu duyên, bởi anh vốn là bác sĩ khoa ngoại, nhưng tại bệnh viện này, bác sĩ trực đêm là trực chung cho cả khoa ngoại và khoa sản.
Dù ca đẻ được thực hiện ngay trong khu cách ly (thay vì phòng sinh thông thường với đầy đủ tiện nghi vật tư y tế), nhưng bác sĩ Tình đã cùng ê kíp của mình hoàn thành nhiệm vụ đỡ đẻ “rất êm xuôi”, trong điều kiện phải mặc đồ bảo hộ khá vướng víu và nóng.
Trong khi đó, ca của sản phụ H., “số phận” đã tăng độ khó cho bác sĩ Mẫn. Bởi theo vị bác sĩ sản khoa này thì từ 5 giờ chiều 19.5, khi sản phụ H. vỡ ối, gia đình sản phụ đã lo lắng, xin được phẫu thuật.
“Tôi đã liên tục thăm khám và giải thích mãi với bệnh nhân và gia đình rằng trường hợp này nên đẻ thường, vì đẻ thường sẽ tốt hơn cho sức khỏe của cả 2 mẹ con, trong lúc tim thai rất tốt. Phải đến khi cháu bé chào đời, mẹ tròn con vuông, gia đình mới vỡ òa, ríu rít cảm ơn vì tránh được một cuộc mổ xẻ”, bác sĩ Mẫn kể lại.
Với gần 20 năm trong nghề, đỡ cho cả ngàn sản phụ, kỷ lục từng đón 18 trẻ ra đời trong 1 đêm, bác sĩ Mẫn vẫn thừa nhận anh có chút áp lực với việc đỡ đẻ trong khu cách ly Covid-19.
“Khi đỡ đẻ trong khu cách ly, dù thiếu thốn thiết bị nhưng tôi đặt ra yêu cầu cao cho mình và ê kíp. Phải thao tác nhanh hơn, chính xác hơn và không có động tác thừa..., vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn của mẹ con sản phụ, vừa bảo vệ cho bản thân mình phòng tránh nguy cơ lây lan dịch xuống mức thấp nhất có thể. Bởi như mọi người biết đấy, vi rút vô hình, có ai biết chúng đang ở đâu. Ngoài ra, đối với trường hợp cụ thể của sản phụ H. thì do thai chưa đủ tháng, vỡ ối non, nếu đẻ thường mà thời gian kéo dài thì sẽ gây suy thai, nhiễm trùng ối”, bác sĩ Mẫn tâm sự.
Vượt qua những áp lực, bác sĩ Mẫn đã mang đến niềm vui cho gia đình sản phụ, giống như em trai mình trước đó. Và cũng như hàng ngàn lần đỡ đẻ trước, vị bác sĩ sản khoa này thở phào, nở nụ cười thật tươi để “chào” đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn, khóc vang khu cách ly. “Giữa mùa Covid-19 đầy nguy nan, bác sĩ khoa sản như chúng tôi vẫn có những may mắn khi luôn bắt gặp và tìm thấy sự sống”, bác sĩ Mẫn tâm đắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.