'Hầm trú ẩn' Covid-19

Về một khía cạnh nào đó mỗi nhà chủ động có một 'hầm trú ẩn' để tự cách ly Covid -19 khi cần thiết, cũng là một cách 'xã hội hóa'

Nói “hầm trú ẩn” chỉ là một sự liên tưởng với hầm tránh bom đạn trong chiến tranh. Trong trường hợp này, nó không hoàn toàn là thế, nhưng về một khía cạnh nào đó rất có ích khi mỗi nhà chủ động có một căn phòng để tự cách ly, đó cũng là một cách “xã hội hóa”.

Nước mắt lăn dài...

Tuần trước, cộng đồng mạng xúc động trước câu chuyện mà cô Ngọc Thủy chia sẻ. Đó là trường hợp mẹ xin cho 2 con cùng đi cách ly Covid-19 tập trung. Không chỉ xúc động về hoàn cảnh mà còn ở thái độ kịp thời của chính quyền địa phương.
Ngọc Thủy kể chị B.T.D (trú tại đường Dã Tượng, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) “kêu cứu” vì bị đi cách ly khi vô tình “chạm” phải F0 tại chi nhánh một ngân hàng, trong khi nhà có 2 con nhỏ, chồng lại ở trong đơn vị quân đội không về được. Hai đứa con của chị, cháu lớp 7, cháu lớp 1 và bị sốt co giật bẩm sinh.
Chị D. khẩn thiết: “Mẹ con tôi đã tiếp xúc từ lâu (trước khi biết mình là F1), nên khi tôi đi cách ly thì cho con tôi đi theo cách ly. Hoặc đơn vị tạo điều kiện cho bố về gặp các con...”.
Sau khi nhận được thông tin trên, ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, cho biết đã gọi ngay cho lãnh đạo P.Mân Thái để thông báo về hoàn cảnh của chị D. Lập tức, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND P.Mân Thái đã đến gặp 2 cháu nhỏ. Phường cũng huy động hội phụ nữ, thanh niên vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ. Sau khi xác minh về hoàn cảnh gia đình, lãnh đạo P.Mân Thái gặp gỡ hàng xóm chị D. đề nghị giúp đỡ (đi chợ, nấu ăn cho 2 cháu nhỏ, buổi tối sang ngủ cùng). “Tôi cũng đã gọi điện cho giám đốc trung tâm y tế quận để nhờ quan tâm trường hợp của cháu nhỏ. Nếu có đau ốm gì thì trung tâm y tế quận hỗ trợ ngay”, ông Trà nói.
Vừa sinh con thứ hai, một sản phụ ở Bắc Giang được xác định mắc Covid-19, phải đi điều trị tại bệnh viện tỉnh. Bé sơ sinh đang khát sữa, chỉ được bà ngoại 80 tuổi chăm sóc ở khu cách ly. “Hiện nay tại khu cách ly ở Trường tiểu học Song Mai (TP.Bắc Giang) có một cháu bé 3 ngày tuổi vừa vào khu cách ly (mẹ cháu là F0 đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, bố đang điều trị ung thư đại tràng), gia đình rất khó khăn. Hiện cháu bé đang khát sữa. Vì vậy rất mong được sự chung tay giúp đỡ từ phía cộng đồng để gia đình vượt qua cơn bĩ cực”, vị lãnh đạo địa phương chia sẻ.
Gia đình anh N.H.H ở Mão Điền (Bắc Ninh) là một trường hợp khác: Ngày 5.5 lấy mẫu xét nghiệm tại địa phương, ngày 6.5 có kết quả dương tính nên anh N.H.H lại vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị. Vợ anh H. sau đó cũng có kết quả xét nghiệm dương tính và bệnh chuyển nặng nên được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ngày 10.5, anh H. cũng được chuyển tới đây với chẩn đoán viêm màng não mủ trên nền bệnh nhân mắc Covid-19.
Đến ngày 16.5 anh H. qua đời, là ca tử vong thứ 37 liên quan đến Covid-19 ở Việt Nam. Bên cạnh anh lúc ấy không có người thân nào: vợ cũng mắc Covid-19, dù ở cùng bệnh viện nhưng không thể sang gặp chồng lần cuối. 3 con cách ly tập trung theo dì, không thể đến chia tay bố. Bố mẹ anh đều đã mất, anh chị em họ hàng cũng đang đi cách ly.
Chồng chị Lê Thị D. (Kinh Môn, Hải Dương) nhập viện từ ngày 2.2, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Hai mẹ con là F1 nên được cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến số 2. Con chị mới 21 ngày tuổi.
Cũng vào khu cách ly tập trung với nhà chị D., Phạm Thị A.T (Chí Linh, Hải Dương) và con trai 9 tháng tuổi mới vào khu điều trị được 3 ngày. Mẹ chị mắc Covid-19 nên cả gia đình đều đang trong khu điều trị.
Ở phòng số 10 thuộc dãy 2 của khu vực cách ly trên địa bàn xã Hòa Thạch (H.Quốc Oai, Hà Nội), chị N. đang cho con bú. Bên cạnh chị là con gái 3 tuổi và con trai 5 tuổi. Bốn mẹ con chị được đưa vào khu cách ly, con trai út của chị mới tròn 2 tháng tuổi...

“Tính đến tình huống xấu nhất để cho tình huống đó không bao giờ xảy ra”

Thực tế, còn rất nhiều trường hợp thương tâm. Vì thế, nhiều người, nhất là những bà mẹ có con nhỏ nhắc nhau chủ động chuẩn bị mọi thứ, dặn trước người thân, viết hướng dẫn vào sổ để sẵn hoặc dán lên tường. Không phải vì hoảng sợ, mà đó là bước chuẩn bị cần thiết để khi trường hợp bất khả kháng xảy ra với từng người, từng gia đình thì người nhà có thể chủ động.
Quả thật là Covid-19 không chừa ai và tất cả đều chưa biết khi nào đụng phải.
Đánh giá về mức độ phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 này so với các đợt dịch trước và những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhận định những gì phức tạp nhất của 3 đợt dịch trước đều dồn vào lần này. Phó thủ tướng phân tích: “Ngay từ những ngày đầu tiên của dịch, cuối 2019 đầu 2020, chúng ta đã đưa ra những giải pháp có tính chiến lược, phải luôn tính đến tình huống xấu nhất để cho tình huống đó không bao giờ xảy ra. Chúng ta luôn xây dựng các kịch bản nhiều tình huống, trong đó có tình huống xấu nhất...
Các đợt dịch trước chúng ta vẫn với tinh thần ấy. Khi đó, Ban Chỉ đạo và Chính phủ đã yêu cầu chuẩn bị cho kịch bản cụ thể 10.000 ca nhiễm. Lần này là chuẩn bị kịch bản có 30.000 ca nhiễm, không có nghĩa dự báo đợt dịch này sẽ là 30.000 ca, mà để tính đến mua vật tư thiết bị dự phòng cho đủ 30.000 ca nhiễm. Lý do là vì độ phức tạp của đợt dịch lần này khi các nước láng giềng dịch bùng phát mạnh, vi rút cũng có thêm biến chủng”.
TP.HCM cũng đã quyết định giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) theo Chỉ thị 16, bắt đầu từ 31.5.
Khi tình hình phức tạp, số người là các F liên tục tăng. Hiện tại thì Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương đã có các phương án cách ly và tất cả đang trong tầm kiểm soát. Nhưng từ thực tế đặt ra hai vấn đề: Khi số bệnh nhân tăng, số người diện cách ly tăng và làm sao việc cách ly thuận tiện nhất có thể, là vấn đề rất đáng được quan tâm.

Có cách nào tốt hơn không ?

Có lẽ nên chú tâm nghiên cứu để có phương pháp cách ly phù hợp và an toàn hơn. Nhất là làm sao đừng để bị lây trong khu cách ly.
Lâu nay, đã có rất nhiều trường hợp cách ly tại chỗ (tại nhà) nhưng chỉ khi nào xảy ra mới tính. Để không phải “mất bò mới lo làm chuồng”, nên chăng có một quy định hoặc một cuộc vận động để “xã hội hóa” việc cách ly một cách chủ động, bài bản và an toàn.
Theo thiển ý của người viết bài này, cuộc chiến Covid-19 xem ra còn lâu dài, có lẽ mỗi nhà chuẩn bị một phòng cách ly kiểu như nhà nào cũng có hầm trú ẩn hồi chiến tranh.
Hiện ngành y đã phổ cập và cập nhật kiến thức chăm sóc và theo dõi diễn biến người cách ly trên mạng để các gia đình tự nghiên cứu. Cũng đã có hướng dẫn về tiêu chuẩn các phòng cách ly gia đình cần phải thoáng, không dùng điều hòa... Nhưng cần chuẩn hóa nó ra theo từng cấp độ để mỗi gia đình, với điều kiện kinh tế khác nhau có thể lựa chọn mô hình khác nhau.
Ngày xưa không có mạng, người dân từ thực tế còn nhận biết qua âm thanh máy bay loại nào, tiếng rít của loại bom gì... thì kiến thức về cách ly, với điều kiện bây giờ, cũng không phải khó để tiếp thu.
Nếu mỗi nhà có phòng cách ly thì có thể giải quyết một mức độ nào đó những trường hợp thương tâm như đã nêu ở phần đầu bài. Chí ít mẹ con, chồng vợ, anh em cũng nhìn thấy nhau và xử lý những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Giờ nói điều này có vẻ gì đó chưa thông, chưa ổn, lại có thể nói lo xa quá..., nhưng bao giờ chủ động vẫn hơn.
Các nước trên thế giới đã làm hầm trú ẩn chiến tranh, thảm họa thiên tai, cháy nổ... trong các khu chung cư, việc chuẩn bị một phòng cách ly cũng không có gì lạ quá.
Đội mũ bảo hiểm cũng quen, đeo khẩu trang cũng quen, đến giờ không đội, không đeo thì nó thiêu thiếu, thì phòng cách ly trong nhà rồi cũng như thế. Có nhiều việc phải quy định mới thành thói quen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.