Nhớ chợ

21/09/2021 12:25 GMT+7

Nhiều năm nay, cuộc sống gia đình chị dâu tôi nhờ vào mâm xôi, mâm bánh bán ở chợ xã (xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang).

Thế nhưng, gánh mưu sinh của chị phải dừng lại vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Và địa phương này cũng đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 19.7.2021. Chị đã tuân thủ theo chỉ thị và đành ngậm ngùi xa chợ với lời hẹn chờ ngày hết dịch...
Tính ra chị dâu tôi đã gắn bó với chợ xã cũng khoảng 6 năm nay. Chị bán xôi ngọt và các loại bánh như bánh bò, bánh lọt, bánh dừa, bánh ít... Mỗi ngày, từ tinh mơ, vợ chồng chị đi xe máy chở xôi, bánh ra chợ để bán. Nhà chị cách chợ xã cũng khoảng 3 cây số. Thông thường, chị chỉ bán bánh vào mỗi buổi sáng. Khi ai có nhu cầu đặt bánh thì chị sẽ tranh thủ làm số lượng lớn hơn. Dù chỉ là buôn gánh bán bưng nhưng đó là cả gánh mưu sinh của gia đình, từ việc dựng lại ngôi nhà cho đến nuôi 2 con.
Từ ngày dịch bùng phát, chị cứ lo sợ phải nghỉ bán, khi đó không biết sao phải xoay xở cuộc sống. Thế rồi, nỗi lo sợ của chị đã xảy ra...

Những nồi bánh nóng hổi nay đã "tạm nghỉ"

THU THỦY

Khó khăn mấy cũng xa chợ để chống dịch

Chợ quê tôi dù chỉ là chợ xã nhưng cũng khá sầm uất, cũng tấp nập cảnh mua bán. Nơi đây thu hút người mua không chỉ ở trong xã mà còn người đến từ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang và huyện Hồng Dân, Bạc Liêu. Quê tôi là nơi tiếp giáp với 2 tỉnh này, vì vậy người dân hay ví von “gà gáy 3 tỉnh đều nghe”. Nhờ vậy, trong trạng thái bình thường, các tiểu thương nơi đây cũng buôn bán khá đắt hàng.
Trước đây, mỗi ngày chị đều bán ở chợ xã với các món xôi, bánh ăn vặt. Có thể, những đồng tiền tích góp từ việc bán bánh không làm giàu nhưng cũng cho gia đình trang trải cuộc sống và lo cho con cái.
Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát dữ dội, gây ảnh hưởng nặng nề ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Hầu hết các tỉnh thành đều giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi đến Chỉ thị 16. Tại Kiên Giang, tỉnh cũng đã giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 19.7.2021 đến nay. Đồng nghĩa với việc chị dâu tôi cũng ngưng công việc của mình ngần ấy thời gian.
Thật ra, với một số người sống phụ thuộc hoàn toàn vào cảnh mua bán ở chợ, thì khó thể chấp nhận cảnh phải ngừng bán. Nhưng dịch bệnh xảy ra thì đòi hỏi mọi người phải đồng lòng chống dịch.

Bếp đỏ lửa nấu bánh cũng đang là hình ảnh của ký ức khi chưa có dịch

THU THỦY

Chị dâu tôi kể, nghe các anh ở Ban quản lý chợ xã thông báo phải ngừng bán khi toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, chị lo lắm. Vì nghỉ bán rồi lấy tiền đâu mà lo cho gia đình. Mà nghe nói nhà nước sẽ hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nên cũng yên tâm. Chị nói phải nghỉ bán thôi, bán xôi, bánh ăn vặt mà. Coi như lâu nay mọi người ăn hoài ngán nên nghỉ bán thời gian rồi hết dịch bán lại.
Ngày cuối cùng bán ở chợ xã, những người cùng cảnh ngộ với chị cũng đã động viên lẫn nhau. Họ cùng nhau nghỉ bán để chống dịch, mong cho dịch bệnh sớm qua để chợ hoạt động lại bình thường và được làm công việc mua bán hằng ngày.
Họ cũng không quên nói lời chia tay, cặn dặn và hứa hẹn với những người được bán ở chợ vì bán các mặt hàng thiết yếu. Nghỉ bán nên dặn những người còn ở lại bao nhiêu là chuyện: coi chừng dùm tui cây dù, coi dùm tui cái sạp, có ai hỏi thì nói hết dịch tui bán lại nghe...
Có lẽ, ngày cuối cùng ở chợ cũng đủ để cho bao người lắng lòng mình khi nghĩ về chợ và chút ngậm ngùi ngày mai xa chợ. Một chợ xã thôi nhưng nơi đó có biết bao phận người mưu sinh, rồi mai xa chợ cuộc sống của bao người sẽ ra sao. Thôi thì, dù khó khăn mấy cũng phải dừng việc mua bán để hy vọng về ngày mai hết dịch.
Còn riêng chị, chị càng lo lắng hơn về gia đình, đặc biệt là đứa con lớn cũng sắp vào đại học với biết bao khoản cần phải chi.

Chuẩn bị củi dự phòng để nấu bánh khi hết dịch

THU THỦY

Nhìn xoong nồi mà nhớ cảnh nấu xôi, làm bánh và nhớ chợ

Tôi vốn sống xa nhà, nhưng trước ngày giãn cách, tôi cũng may mắn được trở về nhà, bởi vì thời điểm đó tôi được nghỉ hè. Nhờ vậy mà tôi có những ngày sống chậm bên gia đình, bên người thân.
Thông thường, buổi sáng chị dâu tôi bán ở chợ. Còn buổi chiều và tối thì luôn tất bật làm bánh để bán, riêng xôi thì được nấu lúc 3 giờ sáng. Vì vậy, một ngày của chị lúc nào cũng bận rộn, một phần nhà neo người nên cũng không có ai phụ giúp.
Nghỉ bán ở chợ, chị mới có thời gian dọn dẹp lại nhà cửa, chuẩn bị thêm ít củi để dành nấu bánh. Và cũng lâu rồi chị mới nghỉ bán dài như vậy. Chị nói lần dịch trước chỉ nghỉ vài ngày rồi tiếp tục bán.
Buổi tối, nằm đưa võng ở gian bếp, nơi làm bánh, nấu xôi mỗi ngày, chị nói nhìn mấy xoong nồi mà buồn quá. Riêng tôi lại nói đùa: coi như cho xoong nồi nghỉ ngơi một thời gian đi, rồi cho cái bếp ngừng nấu nữa. Chớ trước đây ngày nào xoong nồi cũng bận rộn theo chị, bếp lúc nào cũng đỏ lửa.

Chị tôi chuẩn bị củi nấu bánh

THU THỦY

Tôi cũng thường hỏi chị: Tối ngủ có giật mình thức dậy đi nấu xôi không? Tối ngủ có nằm mơ gói xôi bán cho người ta không?
Chị lặng im một lúc. Rồi chị lại nói tiếp: nghỉ lâu quá cũng nhớ chợ. Không biết bà Năm bán bánh dừa kế bên ra sao, rồi con Bé bán rau cải ở chợ thế nào. Nhớ chợ thì nhớ chớ cũng phải nghỉ bán, dịch bệnh mà. Giờ ở nhà có gì ăn nấy, mong hết dịch để đi bán lại.
Có lẽ nhiều người từng gắn bó với chợ như chị cũng không khỏi chạnh lòng, không khỏi xót xa khi nhìn những vật dụng từng gắn bó giờ lại nằm yên, rồi chợ từng ồn ào, náo nhiệt nay lại lặng lẽ. Xa chợ, với mọi người như xa ngôi nhà thứ 2 của chính mình. Những người buôn bán cạnh nhau cũng thân thiết tự bao giờ và coi như người thân trong gia đình lớn mang tên “chợ”.
Dẫu sao, với sự quyết tâm, đồng lòng của mọi người, trong đó có những người tiểu thương ở chợ, những người tảo tần buôn gánh bánh bưng, thì đại dịch cũng sẽ sớm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.