Trên địa bàn Q.7 có nhiều khu dân cư cao cấp, bên cạnh đó là những căn nhà nằm heo hút trong các con hẻm, trước giờ không mấy người biết đến lại càng khốn khó do dịch bệnh. Vì vậy, “đội tiếp ứng thực phẩm tại nhà” (gồm lực lượng của Liên đoàn Lao động Q.7 và Ban Chỉ huy Quân sự Q.7 phối hợp) được thành lập, giải cứu những trường hợp khó khăn nhất.
Cảm ơn… người lạ
8 giờ sáng, đội tiếp ứng có mặt đầy đủ ở trụ sở Liên đoàn Lao động Q.7 (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7). Các phần quà gồm gạo, chanh, sả, cà chua… nhanh chóng được đưa lên xe tải chuyên dụng của Ban Chỉ huy Quân sự Q.7. “Nửa đêm đến rạng sáng, anh em đã xuống hàng, phân chia thành từng phần nhỏ rồi”, đại úy Đinh Quang Hiếu (Ban Chỉ huy Quân sự Q.7) nói. Vài chục phút sau, tổ công tác lên xe, chở đến hẻm phong tỏa 205 Phạm Hữu Lầu (P.Phú Mỹ, Q.7) để phân phát cho bà con.
|
Hẻm 205 Phạm Hữu Lầu với 52 hộ dân nhưng có tới 34 ca nhiễm Covid-19. Hầu hết bà con là công nhân, phụ phồ, sinh viên ở trọ… đang mắc kẹt trong hẻm. PV Thanh Niên cũng trang bị đầy đủ đồ bảo hộ để cùng tổ công tác tiếp cận những hộ dân trong hẻm.
Xe đẩy chứa đồ đi tới đâu, những cánh cửa sắt đã hoen gỉ lại he hé mở tới đó. Nhiều căn nhà thậm chí không có số nhà, bốn bề là vách tôn cũ kỹ, nóng bức giữa trưa Sài Gòn. Thi thoảng, tổ công tác lại “đụng” trúng nhà đang có trường hợp F0 đang cách ly tại nhà. Bịt kín khẩu trang, người phụ nữ trạc 50 mỏi mệt bước ra cửa lấy mớ hàng tiếp tế, kèm lời cảm ơn: “Tui đang nhiễm Covid-19. Tui không biết anh chị là ai, đến từ đâu…, nhưng xin cảm ơn mọi người đã tận tình vào tận nhà hỗ trợ”, bà rưng rưng rồi nhanh chóng khép cửa.
|
Tổ công tác đi hết hẻm này đến hẻm khác, có những nhà nằm hun hút kế bên mé kênh, bụi cỏ nên rất khó phát hiện. “Dân tụi tui trong này thường ngày đi bán đá bào, hoặc đụng gì làm nấy. Hổm giờ cũng có nhiều đợt tiếp tế, nhưng để ở đầu hẻm nên khi tụi tui ra tới nơi thì không còn gì cả”, người phụ nữ khác nói với vẻ đầy biết ơn.
Sau đó, tổ công tác di chuyển qua hẻm 25 Chuyên Dùng 9 (P.Phú Mỹ, Q.7) để tiếp tục hành trình. Cuộc sống của người dân ở hẻm này có vẻ khấm khá hơn so với hẻm 205 Phạm Hữu Lầu. Quà được phân phát tới đâu, bà con ra gửi lời cảm ơn tới đó.
“Ngày nào cũng có người hỗ trợ nên hổm giờ trong nhà tui có nhiều đồ ăn lắm. Tui cảm ơn mấy cô, mấy cậu nghen”, một bà cụ đã ngoài 80 tuổi ra nhận quà nói. Còn anh thợ hồ (25 tuổi) đang xây nhà trong hẻm 25 Chuyên Dùng 9 thì hẻm bất ngờ phong tỏa, nên mắc kẹt lại luôn. “Hổm giờ, người dân xung quanh cho mượn nồi niêu, đồ ăn, gạo thì được mọi người hỗ trợ nên vẫn tạm ổn”, anh thợ hồ kể, rồi nói: “Ai nấy bịt kín đồ bảo hộ nên chỉ biết được người tốt hỗ trợ, chứ không biết tên tuổi, tổ chức nào giúp mình”.
|
Nhiều người còn khổ
Ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.7 cho biết, những ngày TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, ông lướt mạng xã hội Facebook thì thấy rất nhiều bà con sống trong các khu phong tỏa, hoặc “khu ổ chuột” nằm heo hút trên địa bàn quận đang khó khăn, phải cầu cứu để được giúp đỡ. Hơn nữa, trong một lần đi tiếp tế lương thực, thực phẩm, ông thấy nhiều người ở khu phong tỏa không xếp hàng, giữ khoảng cách khi nhận hàng; nhiều trường hợp ở sâu trong hẻm bị mất phần… khiến ông không thể đứng im.
“Tôi thức cả đêm để suy nghĩ cách làm, sau đó “đội tiếp ứng thực phẩm tại nhà” ra đời, nhằm không để bà con phải thiếu cái ăn trong những ngày dịch bệnh”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, thời gian đầu, đội gặp nhiều khó khăn về nguồn quà, xe vận chuyển, người tác chiến, xe đẩy. Nhiều khu vực nhà dân ngoằn nghèo, sâu hút trong hẻm, đường vào phức tạp, thậm chí sình lầy khi trời mưa nhưng đội tiếp ứng luôn làm việc cấp tập để đưa lương thực, thực phẩm đến tay người dân.
“Các nhà hảo tâm ở Đà Lạt, Long An, Tiền Giang cũng sát cánh, ủng hộ rau củ quả, chanh, sả, cà chua... Đến nay, hơn 15.000 phần quà đã đến tay người dân”, ông Bình nói.
|
Trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó (Ban Chỉ huy Quân sự Q.7) cho hay, những ngày qua, lực lượng của đơn vị cùng sát cánh với Liên đoàn Lao động Q.7 nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn. Xe tải chở hàng hóa, lương thực thực phẩm thường đến TP.HCM lúc nửa đêm, thậm chí 2 hay 3 giờ sáng, các cán bộ, chiến sĩ phải trắng đêm xuống hàng, để kịp chuyển đến tay bà con ngay ngày hôm sau.
“Đi thực tế mới thấy nhiều người dân có cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ làm việc bất kể ngày đêm, bỏ qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh để vào trong các khu phong tỏa, tiếp ứng hàng hóa tận cửa nhà dân. Địa bàn Q.7 có nhiều khu dân cư cao cấp, tuy nhiên có những hộ dân cất nhà nơi heo hút, phải đi thực tế mới biết họ đang mắc kẹt, kêu cứu ở đâu đó trên địa bàn. Đến nay, đội tiếp tế đã phần nào đáp ứng cho người dân trên địa bàn Q.7 không thiếu cái ăn”, trung tá Hừng chia sẻ.
|
Cô giáo cũng xông pha
Bà Nguyễn Ngọc Thảo (45 tuổi, ngụ Q.7), giáo viên dạy văn Trường THCS Hoàng Quốc Việt (P.Phú Mỹ, Q.7) là một trong những tình nguyện viên xông pha, nhiệt tình nhất trong đội tiếp ứng thực phẩm tại nhà. Bà Thảo chia sẻ, mỗi ngày, bà dậy từ 3 - 4 giờ sáng để chuẩn bị cơm nước cho chồng con, sau đó ra trụ sở Liên đoàn Lao động Q.7 để chia lương thực, thực phẩm vào các bao nhỏ. Đến giờ “G” xuống các khu phong tỏa, khu tập trung dân lao động để tiếp tế, bà Thảo là người nữ duy nhất cùng sát cánh với nhóm cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự Q.7 và Liên đoàn Lao động Q.7.
“Cũng sợ nhiễm bệnh nhưng thấy nhiều bà con còn khổ quá thì mình phải đi thôi. Mỗi tối về nhà, tôi không dám tiếp xúc với chồng và con cái luôn”, bà Thảo nói rồi cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, việc dạy học tạm ngưng nên bà luôn tích cực tham gia việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Đợt lũ lụt năm ngoái ở miền Trung, bà cũng kêu gọi được 200 triệu đồng để ra tận nơi giúp cho bà con.
Vừa dứt câu chuyện, bà Thảo vội tạm biệt, để khiêng quà từ xe tải xuống, chuẩn bị đưa đến tay người dân vào ngày 6.8.
|
Bình luận (0)