Chứng kiến từ đầu dịch đến nay, là một người Việt Nam, tôi vô cùng tự hào vì cách chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “không có ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, nhà nước và chính phủ. Điều đó đã giúp ngăn chặn được nhiều rủi ro thiệt hại cho người dân, đất nước.
Tất cả cùng nỗ lực hết mình
Nhìn lại diễn biến dịch bệnh, trải qua 3 đợt bùng phát, rồi lại được kiểm soát ổn định, có thể nói Covid-19 đã gặp một “đối thủ” ngoan cường là Việt Nam. Vượt qua được Covid-19 đâu phải là việc dễ dàng, đơn giản. Nhìn qua nhiều nước phát triển phải chịu nhiều thiệt hại khủng khiếp, hay đến Ấn Độ, nước sản xuất 60% vắc xin chống dịch, còn đang mất kiểm soát, thì mới đánh giá nhìn nhận được hết nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc chống dịch, từng bước vượt qua dịch bệnh.
Trong những ngày tháng đó, toàn dân Việt Nam đã phải hy sinh nhiều thứ, nhất là những thói quen và điều kiện sinh hoạt, vui chơi, để thực hiện nghiêm ngặt chỉ thị của Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế, của chính quyền các cấp. Nhiều ngành nghề đã phải chấp nhận khó khăn, thậm chí thua lỗ để đồng hành cùng công cuộc chống dịch Covid-19. Và, tôi biết, có nhiều người đã phải tự mình vượt qua những ngày tháng khó khăn này, vì những nỗi niềm không dễ sẻ chia.
Sếp cũ của tôi, anh Lê Bá Tuấn, hiện đang làm việc cho dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại nước Cộng hòa Algeria, là một trường hợp điển hình. Anh đã không thể trở về Việt Nam kể từ tháng 2.2020. Ngày đi cũng là thời điểm bùng phát đợt 1, anh hy vọng chậm vài ca làm việc rồi sẽ được về thăm nhà. Thế nhưng, diễn biến nghiêm trọng tại châu Âu và một số nước Bắc Phi (trong đó có Algeria) đã khiến tình hình thay đổi, các nước dừng bay quốc tế, một số nước lock-down. Anh Tuấn và tất cả anh em Việt Nam tại dự án đều không về được.
Bế tắc kéo dài, may sao, đến tháng 7.2020, Chính phủ bố trí được chuyến bay giải cứu công dân xuất phát từ Pháp, vì vậy anh em dự án mới có cơ hội trở về. Ngặt nỗi, số chỗ ngồi có hạn. Là lãnh đạo, lại nhiều tuổi nhất, từng nhiều năm công tác xa nhà, anh Tuấn đã ở lại, nhường cơ hội cho anh em trẻ hơn dù lòng anh đau đáu khi nghĩ đến gia đình vợ ốm, cha già đã gần đất xa trời. Đó cũng là cơ hội duy nhất để đưa người Việt ở Algeria trở về trong cuộc giải cứu công dân của Chính phủ Việt Nam.
Vượt lên nỗi đau
Ngày còn gần nhau, thỉnh thoảng anh tâm sự với tôi, mẹ anh đã mất, anh chỉ còn bố. Ông năm nay ngoài 90 tuổi, yếu rồi. Ông ở quê Ninh Thuận, còn anh ở Sài Gòn. Biết cha con còn gặp được bao nhiêu lần nữa đây? Và theo lẽ thường của một người con hiếu đễ, cứ cuối tuần anh lại bắt xe đò đi về quê chơi thăm cha, rồi chủ nhật lại vào Sài Gòn để làm việc. Tôi nghe anh kể về những ngày tháng khó khăn nằm ở xứ người, đau đáu ngóng quê hương, mà thương anh vô cùng, chỉ muốn dịch bệnh sớm kết thúc để anh được đoàn viên.
Nhưng, mọi chuyện đã vượt ngoài tầm với. Một ngày đầu tháng 4.2021, người cha thân yêu không thể chờ đợi anh về thăm lần cuối được và đã qua đời ở tuổi 96. Anh báo tin cho tôi trong nước mắt. Biểu tượng Facebook của anh phủ một màu đen. Những ngày xa nhà, liên kết với gia đình, bạn bè của anh Tuấn chủ yếu dùng Facebook. Giờ đây, đó cũng là nơi để mọi người gửi tới anh những lời chia buồn. Tôi cũng về quê hương anh, gặp gỡ gia đình để động viên chia sẻ. Nhắn với anh: “Đám tang cụ gia đình tổ chức rất ấm cúng, trang trọng, đông đủ, anh yên tâm”. Anh cảm ơn rồi chỉ nói: “Làm con mà không về được là nỗi áy náy nhất của anh…”.
Thế thôi, đơn giản vài lời, nhưng tôi biết, để nói ra được những lời đó, hẳn anh đã phải trăn trở nhiều lắm. Khi nói được rồi, thì nỗi đau cũng đã được vượt qua.
Khi viết những dòng này thì anh Tuấn vẫn còn ở sa mạc Sahara, nơi triển khai dự án trọng điểm của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Anh cùng với 2 anh em nữa đang ngày đêm làm việc cho dự án. Ban ngày, công việc và đồng nghiệp sẽ cuốn anh đi, nhưng ban đêm, khi một mình đối diện, chắc anh sẽ vẫn buồn đâu đó. Nhưng tôi tin, với sự cảm thông, chia sẻ của gia đình, bạn bè, đơn vị, nỗi buồn sẽ sớm vơi đi. Và với những nỗ lực của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng trong đối phó với dịch Covid-19, tôi tin anh Tuấn sẽ sớm được về nhà.
Lúc đó, tại quê nhà, khi nén hương thơm được tự tay anh thắp trên ban thờ và nấm mộ cha, đó mới thực là mùi hương của người chiến thắng: chiến thắng nghịch cảnh, chiến thắng bản thân, chiến thắng dịch bệnh. Đó là chiến thắng vĩ đại không chỉ của riêng anh mà còn của cả dân tộc Việt Nam.
|
Bình luận (0)