Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người thất nghiệp chuyển sang nhiều ngành nghề để mưu sinh. Trong đó, nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa được không ít người chọn vì tính chất công việc tưởng chừng đơn giản và có tiền ngay. Bên cạnh đó, khi dịch bùng phát, các shipper (người giao hàng) lại bận rộn hơn bao giờ hết bởi nhiều người không muốn đi ra ngoài nên lựa chọn hình thức mua sắm online...
Thế nhưng, người giao hàng trong quá trình làm việc tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, từ nhiều nơi khác nhau, có thể sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng diễn biến thêm phức tạp. Đã có trường hợp một tài xế xe công nghệ tại Đà Nẵng dương tính Covid-19 đi nhiều nơi, dự 2 đám cưới ở Quảng Nam và tiếp xúc với nhiều khách hàng.
Trong tình hình như thế, tôi nghĩ động thái tạm dừng đó của Đà Nẵng là đúng và vô cùng cấp thiết, dù nó ảnh hưởng trực tiếp đến các shipper và cả những người thường sử dụng dịch vụ đặt hàng rồi ship (giao) tận nơi vô cùng tiện lợi. Sẽ nguy hiểm như thế nào nếu để lọt lưới một người nhiễm Covid-19 “đi dạo” quanh thành phố? Thật sự không thể tưởng tượng nổi những thiệt hại, ảnh hưởng chừng nào.
Covid-19 được xem như cuộc chiến trong thế kỷ 21 của nhân loại. Nó đã giáng một đòn mạnh mẽ vào nhiều nền kinh tế lớn, không chỉ ở Việt Nam. Tôi biết rằng trong cơn khủng hoảng đó, nhiều người bị thất nghiệp, công ty cho nghỉ không lương, cuộc sống bấp bênh nên phải tạm làm một nghề khác để mưu sinh, điển hình như giao hàng. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng việc tiếp xúc với nhiều người khiến công việc này gặp nhiều rủi ro dịch bệnh... Và tạm dừng dịch vụ giao nhận hàng cũng chính là để đảm bảo an toàn cho các shipper cùng cộng đồng. Khi xã hội an toàn, mọi người lại có nhiều cơ hội mưu sinh, phát triển.
Còn với những người quen dùng dịch vụ giao nhận hàng, những ngày các shipper tạm nghỉ, thành phố đang phải giãn cách, chúng ta có thể dùng phiếu đi chợ cho cả tuần, tự tay vào bếp nấu những món ăn mà trước đây chỉ “ship” về. Đôi khi thành quả lúc được, lúc chăng nhưng đó cũng là niềm vui trong thời điểm giãn cách phòng dịch.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của con người Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua thời kỳ khó khăn này. Đại dịch qua đi, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại những điều đã bỏ lỡ.
|
Bình luận (0)