Vận chuyển ngay tâm dịch
Có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên được những ngày đầu tiên khi lệnh “phong tỏa” toàn bộ khu vực có 3 bệnh viện (BV) lớn của thành phố, là BV Đà Nẵng, BV C, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng, có hiệu lực. Trong khi nhiều người vội vàng tránh vùng tâm dịch, thì chúng tôi lại vác ba lô, nắm chặt tay nhau đi vào. Không một ai chùn bước, không một ai quay đầu mà bước thẳng vào “trận đánh”, đó là giải phóng an toàn cho các bệnh nhân tại đây đến các khu điều trị an toàn.
Chúng tôi, ai cũng kín mít trong trang phục bảo hộ màu xanh, màu trắng. Từ sáng sớm, từng đoàn xe 115 đã nối đuôi nhau tập kết trước sân BV Đà Nẵng, để bồng, ẵm từng bệnh nhân lên xe... Như những con thoi chạy xuôi chạy ngược xuyên ngày xuyên đêm, chúng tôi không còn biết khái niệm về thời gian, chỉ biết làm thế nào đưa được càng nhiều bệnh nhân âm tính ra khỏi tâm dịch an toàn sớm được chừng nào tốt chừng đó. Kế đến là những bệnh nhân dương tính.
Đó thực sự là công việc gian nan và áp lực nhất đối với chúng tôi. Đặc biệt là chuyển những bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy, đang chạy Ecmo (tim phổi nhân tạo) ra BV T.Ư Huế. Phải mặc bộ trang phục đặc biệt dành cho những ca nặng có nguy cơ lây nhiễm cao suốt gần 6 - 7 tiếng đồng hồ, anh em 115 gần như kiệt sức (sốc nhiệt do mất nhiều nước, căng thẳng áp lực vì bệnh quá nặng). Có anh em chỉ mới bước chân xuống xe, chưa kịp cởi trang phục đã ngã quỵ trong vòng tay của các đồng nghiệp...
|
Khi màn đêm buông xuống là lúc chúng tôi cảm thấy chạnh lòng nhất. Cả con đường nơi chúng tôi “đóng quân” bị cách ly bởi những hàng rào phong tỏa. Bao trùm lên chúng tôi là không gian vắng lặng như tờ. Tiếng chạm đất của chiếc lá rơi hòa cùng tiếng thút thít của những chiến binh nữ có con nhỏ, phải tạm gửi về quê cho ông bà giữ hộ. Ban ngày họ kiên cường chống dịch bao nhiêu thì khi đêm về, họ yếu mềm bấy nhiêu, bởi nỗi nhớ con da diết đến quặn lòng. Dẫu chiếc khẩu trang đã che kín gần hết khuôn mặt, nhưng không thể che được đôi mắt đỏ hoe, không che được nỗi lòng của người mẹ nhớ thương con…
Ngược xuôi theo chiều dài đất nước
Khi cả thành phố đang ở trạng thái cách ly hoàn toàn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thì chúng tôi hằng ngày vẫn “lặng lẽ” với từng chuyến xe 115 đưa bệnh nhân xuyên hầm Hải Vân tiến về phía bắc, vượt cao tốc đi thẳng vào nam với hành trình nối tiếp hành trình.
Những chiến binh nữ có con nhỏ, phải tạm gửi về quê cho ông bà giữ hộ. Ban ngày họ kiên cường chống dịch bao nhiêu thì khi đêm về, họ yếu mềm bấy nhiêu bởi nỗi nhớ con da diết đến quặn lòng. Dẫu chiếc khẩu trang đã che kín gần hết khuôn mặt, nhưng không thể che được đôi mắt đỏ hoe, không che được nỗi lòng của người mẹ nhớ thương con… |
Và trong mỗi hành trình đều để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm vui buồn đan xen lẫn nhau. Nhưng có lẽ câu chuyện về chuyến đi xuyên đêm của hai anh em lái xe “Huy - Việt” đã để lại trong tôi một nỗi niềm không nguôi. Chúng tôi nhận nhiệm vụ vào lúc 21 giờ, không phải vận chuyển bệnh nhân mà là mẫu bệnh phẩm (khi các chuyến bay đã ngưng) của một bệnh nhân rất nặng cần được phân tích để có hướng điều trị theo yêu cầu của các chuyên gia.
Mẫu bệnh phẩm phải được đưa vào BV Chợ Rẫy (TP.HCM) với điều kiện chỉ trong vòng 12 giờ đồng hồ, với hơn 1.000 km. Hai anh em lái xe đã chọn con đường Trường Sơn xuyên đêm để rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ vào đúng 10 giờ sáng hôm sau.
Đó là một chuyến đi đầy gian nan vất vả, nhưng nỗi niềm không nguôi lại ở chính chặng đường quay về. Khi không một quán ăn nào chịu bán thức ăn cho hai anh em, mặc dù đã năn nỉ. Lý do cũng chỉ vì dịch bệnh Covid-19: Xe biển số 43A, mà lại là xe cứu thương nữa, thì ai mà dám bán… Vậy là đành tìm một chỗ vắng vẻ ven đường, hai anh em bẻ mì tôm ăn tạm, nuốt từng cọng mì khô rông rốc, mà như lời anh lái xe 115 chia sẻ, sao nghe nghèn nghẹn quá đỗi, và cả những giọt nước mắt tủi buồn trong đó.
|
“Cảm ơn Đà Nẵng”
Đó là những chuyến xe đưa các bệnh nhân Covid-19 sau khi điều trị khỏi bệnh về với gia đình, những chuyến xe chở đầy niềm vui và hạnh phúc.
Suốt chặng đường từ Đà Nẵng về đến Ba Tơ, một huyện miền núi của Quảng Ngãi, người phụ nữ hơn 50 tuổi, chỉ tràn ngập lòng biết ơn. Khi anh em chúng tôi phụ mang giúp hành lý của bà vào đến tận nhà, nhìn người thân vỡ òa trong hạnh phúc khi vợ - mẹ của họ bình an trở về, chúng tôi đã không kìm nén được những giọt nước mắt chung vui.
Người dân đứng hai bên bản làng vẫy tay chào chia tay chúng tôi, ai nấy cũng ríu rít “Cảm ơn bác sĩ!”, “Cảm ơn Đà Nẵng!”...
Báo Thanh Niên kính mời quý độc giả tham gia cuộc thi viết Vượt qua Covid-19 (xem thể lệ cuộc thi tại thanhnien.vn/thoi-su/vuot-qua-covid-19/), với tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng (1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 2 giải nhì mỗi giải trị giá 15 triệu đồng; 3 giải ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất, tính theo số lượt like trên Thanh Niên Online, trị giá 5 triệu đồng).
Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected]; hoặc gửi bằng đường bưu điện về tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi “Vượt qua Covid-19”). Bài dự thi phải ghi rõ: họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm, nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh.
Thời hạn gửi bài dự thi đến hết ngày 30.6.2021 (theo thời gian hiển thị trên email hoặc dấu bưu điện).
Thanh Niên
|
|
Bình luận (0)