Vượt qua thử thách hơn cả một nhiệm kỳ

28/04/2020 16:58 GMT+7

Một nhiệm kỳ đại hội chưa kết thúc, nhưng tỉnh Tiền Giang đã phải trải qua 2 đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử, cũng như nhiều trở ngại khách quan khác.

Song, với sự quyết tâm và nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, nhiều chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã vượt kế hoạch.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, đồng bộ trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống cho người dân được nâng lên đáng kể. Đến cuối năm 2019, quy mô nền kinh tế của tỉnh Tiền Giang chiếm hơn 10,5% GRDP của toàn vùng ĐBSCL, với 98.000 tỉ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 11.300 tỉ đồng, tăng hơn 2.500 tỉ đồng so với năm 2018 và tăng gấp đôi so với năm 2015; vươn lên nhóm đầu khu vực ĐBSCL về quy mô kinh tế và thu ngân sách nội địa. Tính đến đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh đã giảm chỉ còn dưới 2,5% (so với tỷ lệ 5,8% của năm 2015); 96/144 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhiều nhất so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.
Ngoài ra, các chỉ tiêu quan trọng khác trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X như phát triển mới thêm 5.000 doanh nghiệp, tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt 80%… đều đã vượt kế hoạch. Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ chủ trì giải quyết những khúc mắc, tồn đọng suốt một thập kỷ qua tại dự án (DA) BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây được đánh giá là nhiệm vụ đột xuất, quá tầm và chưa có tiền lệ ở khu vực ĐBSCL mà UBND tỉnh Tiền Giang phải thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Cụ thể, tháng 3.2019, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp nhận, thay thế Bộ GTVT đảm nhiệm vai trò Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) DA BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện DA giao thông trọng điểm của vùng ĐBSCL đang được nhà đầu tư thi công với tiến độ đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020, đưa vào sử dụng năm 2021 đúng theo kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Lê Văn Hưởng thực hiện động viên những người lao động làm việc tại Công trình đặp thép Nguyễn Tấn Thành, công trình có ý nghĩa về phòng chống thiên tai xâm nhập mặn năm 2020

Ông Lê Văn Hưởng thực hiện động viên những người lao động làm việc tại Công trình đặp thép Nguyễn Tấn Thành, công trình có ý nghĩa về phòng chống thiên tai xâm nhập mặn năm 2020

* Là người đứng đầu CQNNCTQ đối với một DA hoàn toàn mới đối với địa phương (Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) và rồi ông cũng đã điều hành UBND tỉnh Tiền Giang vượt qua thử thách bước đầu, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần biểu dương tại các cuộc hội nghị gần đây. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm về quá trình thực hiện nhiệm vụ này?
- Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: DA Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào năm 2009, qua 10 năm thực hiện, do phải đối mặt nhiều vướng mắc nên đến năm 2019 mới đạt 15,8% khối lượng công việc. Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công để DA được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020, Chính phủ đã chuyển đổi CQNNCTQ và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi DA từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang.
Để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, hệ thống chính trị của tỉnh đã cùng vào cuộc, khẩn trương chuẩn bị tất cả các công việc trong thời gian sớm nhất. Tập thể Thường trực UBND tỉnh trực tiếp điều hành, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các công việc theo chức năng của CQNNCTQ. Tỉnh đã lựa chọn và thành lập các tổ liên ngành như: Ban Chỉ đạo, Tổ Chuyên gia tư vấn, Tổ Kinh tế - Kỹ thuật, Tổ Giải phóng mặt bằng, tăng cường nhân sự và giao cho Ban Quản lý DA Dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm đại diện cho CQNNCTQ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác, đại diện CQNNCTQ lộ trình, tiến độ công việc cụ thể; giữ mối liên hệ công tác thường xuyên với Bộ, ngành T.Ư để trao đổi, giải quyết kịp thời những vấn đề còn chưa rõ, vướng mắc trong quá trình thực hiện DA.
Xác định công tác giải phóng mặt bằng là then chốt, ảnh hưởng đến sự thành công của DA, UBND tỉnh, trong đó trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo thực hiện chặt chẽ các bước, từ đo đạc, kiểm kê, xác định giá thị trường, chính sách bồi thường, hỗ trợ, áp giá với tổng số hộ dân lên đến 3.292 hộ bị ảnh hưởng bởi DA này. Khi có khó khăn, vướng mắc luôn chủ động giải quyết từng trường hợp và trực tiếp kiểm tra hiện trường để ra quyết định phù hợp; đồng thời tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của từng hộ dân. Ngoài ra, để giải quyết ngay vốn chi trả cho hộ dân, tỉnh đã chủ động ứng vốn ngân sách tỉnh (hơn 278 tỉ đồng) để thực hiện. Với nhiều giải pháp chặt chẽ, đầu tháng 11.2019, tỉnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trên tuyến chính cho doanh nghiệp DA tiếp tục thi công xây dựng.
Song song đó là tháo gỡ nút thắt lớn về nguồn vốn đầu tư DA, từ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp DA, đến vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ và vốn tín dụng. Tỉnh đã đôn đốc, thúc đẩy và tổ chức nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại hợp vốn cấp tín dụng cho DA, doanh nghiệp DA và các bên liên quan để khơi thông các nguồn vốn cho DA. Đến nay, lũy kế khối lượng thi công khoảng 2.581 tỉ đồng (đạt 39,13%), giá trị giải ngân vốn khoảng 2.869 tỉ đồng (đạt 22,65%); trong đó: vốn chủ sở hữu và vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ DA 2.585 tỉ đồng, vốn tín dụng 284 tỉ đồng và tiếp tục giải ngân cho các hạng mục đang thực hiện; qua đó đã giải quyết bài toán nguồn vốn đầu tư kéo dài trong nhiều năm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Đạt được kết quả như trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư, sự phối hợp của doanh nghiệp DA, sự đoàn kết nhất trí trong tập thể lãnh đạo tỉnh, sự phấn đấu, làm việc khẩn trương của các bên có liên quan, nhất là việc xác định công việc, phân công và lộ trình, tiến độ thực hiện cụ thể. Đây là động lực để tỉnh Tiền Giang có niềm tin hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
* Từ thành tích đáng ghi nhận trong thực hiện nhiệm vụ tại DA BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nhiều DA, công trình lớn trước đó đã cho thấy UBND tỉnh Tiền Giang có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai các DA, công trình lớn. Xin ông cho biết những DA then chốt của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020? Hiệu quả thực tế của những DA này?
- Giai đoạn 2015-2020 đánh dấu sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang tăng nhanh so với trước đây, tăng trưởng kinh tế, quy mô kinh tế của tỉnh từ mức trung bình thấp đến nay đã vươn lên nhóm đầu vùng ĐBSCL. Với nguồn lực hỗ trợ của T.Ư và nguồn vốn từ thu ngân sách của tỉnh, Tiền Giang đã tăng cường đầu tư phát triển để tiếp nối đà tăng trưởng và tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn sau năm 2020, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới… Với nhiều công trình mới, quy mô lớn, trong đó nhiều công trình đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, một số DA gắn nhiều với công tác giải phóng mặt bằng như:
- Lĩnh vực giao thông: Đường tỉnh 864 và các cầu trên tuyến kết nối giao thông từ TP.Mỹ Tho đến H.Cái Bè, phục vụ cho giao thông, vận chuyển hàng hóa KCN Mỹ Tho, CCN Trung An và tuyến công nghiệp Song Thuận. Đường tỉnh 871B phục vụ phát triển khu vực công nghiệp phía đông. Đường tỉnh 867 phục vụ phát triển H.Tân Phước. Đường Hùng Vương nối dài, đường Lê Văn Phẩm, đường Đoàn Thị Nghiệp… phục vụ phát triển vùng trung tâm. Đầu tư mới và hoàn thành trong năm 2020 các cây cầu có quy mô lớn, tạo sự thông suốt trong giao thông giữa các vùng trong tỉnh như: cầu Ngũ Hiệp (vốn đầu tư 169,5 tỉ đồng), cầu Bình Xuân (161,5 tỉ đồng), cầu Vàm Trà Lọt (hơn 93 tỉ đồng), cầu Kênh Xáng (105,3 tỉ đồng)… Ngoài ra, thu hút đầu tư cảng du thuyền (quy mô 665 tỉ đồng) hoàn thành trong năm 2020, góp phần thu hút và phát triển du lịch của tỉnh.
- Lĩnh vực thủy lợi: Đã tập trung đầu tư theo 3 vùng của tỉnh (vùng phía đông, phía tây và trung tâm), trong đó có các công trình phòng chống sạt lở trên cù lao Tân Long, Tân Phong, kênh Bảo Định, kênh Chợ Gạo, các hệ thống ngọt hóa Gò Công, các đập ngăn mặn… đã phát huy hiệu quả, nhất là trong đợt hạn mặn lịch sử đang diễn ra.
- Lĩnh vực văn hóa, du lịch: DA Quảng trường trung tâm tỉnh với quy mô diện tích 45,5 ha, đã và đang được đầu tư với các hạng mục phục vụ, như: nhà văn hóa thanh thiếu nhi, nhạc nước… là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, đặc biệt là phục vụ Tết Nguyên đán hằng năm với chợ hoa xuân, đường hoa… được nhân dân trong và ngoài tỉnh phấn khởi đón nhận. Quảng trường đã trở thành điểm đến yêu thích, thu hút được nhiều thành phần kinh tế và đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, tôn tạo thêm mỹ quan cho TP.Mỹ Tho nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.
- DA Trung tâm phục vụ hành chính công kết hợp trụ sở làm việc các sở, ngành của tỉnh đã góp phần đưa nền hành chính tỉnh Tiền Giang hoạt động ngày càng thuận lợi, hiệu quả hơn, người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
- DA xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh ở vị trí mới (quy mô 2.350 tỉ đồng), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, sẽ góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
* Đợt hạn hán, xâm nhập mặn đầu năm 2020 đã gây thiệt hại đáng kể trong sản xuất nông nghiệp và nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng trong nhân dân. Với kinh nghiệm từ thành công trong phòng chống hạn, mặn khốc liệt ngay từ năm đầu nhiệm kỳ (năm 2016), xin ông cho biết năm nay Tiền Giang đã có những giải pháp ứng phó với hạn, mặn nào và kết quả ra sao?
- Trên cơ sở dự báo của cơ quan chuyên môn, hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 có thể đến sớm, diễn biến rất phức tạp, nồng độ mặn cao hơn, lấn sâu hơn cùng kỳ mặn lịch sử năm 2016; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với hạn, mặn ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời, trong quá trình điều hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường kiểm tra để bảo vệ sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh đã công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn tại Quyết định số 4744/QĐ-UBND ngày 31.12.2019.
Đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công: Đã chủ động lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa để trữ nước trên các kênh trục; xây dựng và vận hành 9 trạm bơm điện để hạ thấp mực nước trên các kênh trục nhằm gia tăng lượng nước lấy qua công trình đầu mối cống Xuân Hòa; nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kênh bị bồi lắng. Tỉnh còn tổ chức 439 điểm bơm chuyền (2, 3 cấp), số giờ bơm trên 280.000 giờ, thực hiện phân vùng điều tiết nước tưới. Qua đó, đã bảo vệ trên 24.000 ha lúa đông xuân, tuy nhiên vẫn có 1.880 ha xuống giống trễ không theo khuyến cáo (sau 15.12.2019) bị thiệt hại giảm năng suất do thiếu nước tưới.
Đối với vùng DA Bảo Định: Kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn, đắp các đập, đóng các cống... đảm bảo tuyệt đối ngăn mặn xâm nhập. Đã phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập trên quốc lộ 62 ngăn mặn xâm nhập từ sông Vàm Cỏ Tây. Đồng thời, đắp đập giữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (đập tạm lớn nhất ĐBSCL tính đến thời điểm hiện tại) và 9 đập phụ nên tỉnh đã bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho các hộ dân và cấp nước tưới cho hơn 100.000 ha rau màu, vườn cây ăn trái. Đã bảo vệ thành công và cho thu hoạch 2.456 ha lúa đông xuân.
- Đối với vùng kiểm soát lũ: Đóng tất cả các cống, đồng thời vận động nhân dân tích trữ nước, khoan giếng lấy nước ngọt. Đến nay, lúa đông xuân đã thu hoạch xong 30.671 ha. Tuy nhiên, có hơn 36.000 ha cây ăn trái khu vực phía nam quốc lộ 1A gặp khó khăn về nước tưới mặc dù UBND tỉnh đã khuyến cáo nông dân trữ nước ngọt nhưng do diễn biến mặn năm nay phức tạp và không giống những năm trước. Vì vậy, cùng với người dân, tỉnh đã chủ động tìm giải pháp cứu vườn cây ăn trái bằng cách vận chuyển nước ngọt từ Mỹ Thuận, Đồng Tháp về hỗ trợ khẩn cấp cho dân (ước kinh phí thực hiện trên 80 tỉ đồng) nên vẫn bảo vệ được vườn cây ăn trái.
Ngay từ khi mặn chưa xuất hiện, tỉnh đã cho thi công và vận hành 8 giếng khoan bổ sung cấp nguồn nước cho Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức; lắp trạm bơm để bơm nước thô từ kênh Sáu Ầu - Xoài Hột vào ao chứa của Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức. Đồng thời với việc kiến nghị Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT cho chủ trương đắp đập giữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ ngọt khác như đã nêu trên, tỉnh đã bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho trên 1,1 triệu dân (tỉnh Tiền Giang và Long An). Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ Mỹ Thuận về cấp cho Nhà máy nước Đồng Tâm được khoảng 506.000 m3 và cấp cho các ao Phú Thạnh, Tân Thới H.Tân Phú Đông được khoảng 16.500 m3. Mở 176 vòi nước công cộng cấp nước cho các hộ dân ở ven biển, ven sông và mở 54 điểm lấy nước qua bồn chứa tại các vị trí thiếu nước.
Đến thời điểm hiện nay, công tác ứng phó hạn, mặn ở Tiền Giang cơ bản đã thành công, hạn chế được nhiều thiệt hại. Vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh xuống giống khoảng 57.600 ha lúa, đã thu hoạch dứt điểm. Đảm bảo nước ngọt cho 80.000 ha cây ăn trái; nước sinh hoạt khoảng 1,7 triệu dân; một số nơi nguồn nước bị yếu cục bộ, nhưng tỉnh đã kịp thời đưa nguồn nước đến người dân, không có tình trạng khan hiếm nước.
Với sự điều hành, giám sát có hiệu quả của UBND tỉnh Tiền Giang, dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang khẩn trương thi công suốt 3 ca để kịp tiến độ

Với sự điều hành, giám sát có hiệu quả của UBND tỉnh Tiền Giang, dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang khẩn trương thi công suốt 3 ca để kịp tiến độ

* Chỉ 4 năm đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết nhiệm kỳ 5 năm, cũng như các nhiệm vụ khó khăn bất ngờ khác, nhưng chắc rằng bản thân ông cũng còn nhiều trăn trở cho sự phát triển trong tương lai của tỉnh nhà, ông có thể chia sẻ với độc giả Báo Thanh Niên về những kỳ vọng sẽ được thể hiện trong văn kiện Đại hội nhiệm kỳ tới?
- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới đã được thể hiện trong các báo cáo, kế hoạch, dự thảo văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, ở đây tôi chỉ nêu một vài suy nghĩ.
Thứ nhất, với nền tảng có được, xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp phù hợp theo luật Quy hoạch để tìm ra ý tưởng mới trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong đó kể cả việc thuê tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch.
Thứ hai, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của tỉnh và đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh việc cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ trong canh tác, thu hoạch, liên kết sản xuất, tiêu thụ, cần tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, nhất là chế biến trái cây của tỉnh (với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm).
Thứ ba, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, xem đây là điểm đột phá trong giai đoạn tới, bên cạnh khai thác có hiệu quả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn như đường cao tốc, quốc lộ 1A, quốc lộ 30, 50, 60, sông Tiền, kênh Chợ Gạo… cần đầu tư các tuyến đông tây, bắc nam mà trước mắt ưu tiên đầu tư tuyến đường tỉnh dài nhất tỉnh, nối 3 vùng của tỉnh - đường tỉnh 864 (ven sông Tiền), nối từ cầu Mỹ Thuận đến biển (H.Gò Công Đông) qua trung tâm TP.Mỹ Tho và khai thác (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ) tuyến đường quan trọng này.
Ngoài ra, công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, giảm nghèo, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cần được tiếp tục tập trung lãnh đạo. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường... cũng cần tiếp tục tăng cường theo dõi, xử lý ở mọi nơi, mọi lúc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.