Quy định buộc “luật sư tố giác thân chủ” làm đảo lộn giá trị nghề luật sư
Góp ý về quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội), Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi điều luật, vì cho rằng quy định này làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội vì bản chất nghề luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
“Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội. Chỉ một vụ luật sư
tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin để nhờ luật sư bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ nữa hay không?”, ĐB Chiến đặt vấn đề.
Theo ĐB Chiến, nếu quy định này được thông qua, luật sư tranh tụng sẽ ở thế đứng giữa dòng. Nếu không thực hiện quy định này, luật sư có thể phạm tội hình sự. Ngược lại, nếu thực hiện, tố giác thân chủ, luật sư có thể bị thân chủ tố ngược là vu khống.
Cùng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng quy định luật sư tố giác thân chủ có thể dẫn đến vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Theo Hiến pháp và bộ luật Tố tụng hình sự, bị can, bị cáo không bị buộc phải khai báo những điều bất lợi và không bị buộc phải nhận tội, trong khi luật sư lại đi tố giác họ.
Theo ĐB Nghĩa, quy định này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong quá trình hội nhập. “Các doanh nhân hay công dân nước ngoài có thể nói với nhau: Hãy cảnh giác khi sử dụng luật sư Việt Nam vì họ có nghĩa vụ tố giác thân chủ, nếu không họ sẽ bị khởi tố hình sự”, ĐB Nghĩa nói.
Tranh luận với ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh từ thời kỳ phong kiến đến nay, trong các bộ luật của nhà nước, tội "bất trung", tội "đại nghịch" luôn luôn được xem là tội nặng nhất cần trừng trị. “Mà hiện nay, trong bộ luật của chúng ta gọi là các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đối với những tội này, không thể lấy bất kỳ lý do nào, kể cả lý do về hoạt động nghề nghiệp để cho rằng phải bảo vệ", ĐB Thủy nói.
Theo ĐB Thủy, Hiến pháp 2013 đã quy định Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân và phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.
“Nếu như người bào chữa trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa của mình mà biết thân chủ của mình đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm vào các tội khủng bố, tội gián điệp, phạm vào tội phản bội Tổ quốc mà không tố giác vì lý do nghề nghiệp, bao che cho những tội phạm này thì liệu có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta yên tâm phát triển nghề nghiệp, dù đấy là bất kỳ nghề nghiệp nào”, ĐB Thủy nói.
Theo ĐB Thủy, bộ luật Hình sự 1999 quy định người bào chữa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm đối với 317 tội. Thế nhưng, với việc thu hẹp phạm vi của bộ luật Hình sự 2015, người bào chữa chỉ còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 83 tội mà không phải như là 317 tội như trước đây.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) Ảnh Ngọc Thắng
|
Trước ý kiến trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ “rất thất vọng và không đồng tình” với việc so sánh tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia với tội “bất trung, đại nghịch” thời phong kiến.
ĐB Nghĩa cho rằng, việc có luật sư bào chữa là quyền hiến định. Ranh giới là ở chỗ trong quá trình bào chữa, luật sư biết được một số thông tin về việc thân chủ của mình có thể có phạm tội nhất định. “Ở đây có ranh giới giữa trách nhiệm công dân đối với đất nước, đối với xã hội và đối với nghề luật sư đối với thân chủ là niềm tin mà người ta đã trao cho mình thì ranh giới này ở mỗi nước có thể có khác nhau, nhưng tôi đồng ý có ranh giới, tức là quyền miễn này không tuyệt đối”, ĐB Nghĩa phân tích.
ĐB Nghĩa cho biết nhất trí với quan điểm bổ sung quy định nếu luật sư nếu biết rõ và có chứng cứ và hành vi đấy đã xảy ra rồi nhưng nếu như không tố giác thì tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội. “Khi có 3 điều kiện này, luật sư có nghĩa vụ tố giác việc đặc biệt nghiêm trọng và an ninh quốc gia thì tôi cũng đồng ý”, ĐB Nghĩa bày tỏ.
Bình luận (0)