Xâm phạm đời tư trên mạng xã hội: Còn hơn cả làm nhục!

12/01/2016 06:19 GMT+7

Những người từng là nạn nhân cho biết họ cảm thấy bất an, suy sụp khi bị nêu tên nói xấu, công khai thông tin đời tư, hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội.

Những người từng là nạn nhân cho biết họ cảm thấy bất an, suy sụp khi bị nêu tên nói xấu, công khai thông tin đời tư, hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội.

 Minh họa: DAD Minh họa: DAD
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Gia đình cháu N.T.H (Q.2, TP.HCM) nhớ lại, thời điểm học lớp 12, H. quen một cậu bạn trai tên N. và cả hai sử dụng một Facebook chung do N. lập ra để đăng nội dung, hình ảnh đi chơi, ăn uống của cả hai. Tuy nhiên, cuối năm học, khi hai cháu mâu thuẫn tình cảm thì N. sử dụng chính Facebook này để nói xấu H. và tố cô bé đủ mọi chuyện. Thời gian sau, khi cô bé quyết định đi du học, cắt đứt chuyện tình cảm thì N. tiếp tục tung những hình ảnh thân mật của cả hai lên chính Facebook này.


Xâm phạm đời tư trên mạng xã hội: Còn hơn cả làm nhục! - ảnh 2
Mức độ lan tỏa trên Facebook còn nghiêm trọng hơn việc chuyền tay nhau xem, dán ở vị trí cụ thể, nên sự việc không chỉ dừng lại ở xúc phạm danh dự, nhân phẩm mà hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội “làm nhục người khác
Xâm phạm đời tư trên mạng xã hội: Còn hơn cả làm nhục! - ảnh 3

LS Phạm Văn Thạnh (Đoàn LS TP.HCM)


“Ban đầu, cháu không kể cho chúng tôi nghe nhưng khi thấy tâm lý cháu có dấu hiệu bất thường, thầy cô cũng thấy cháu học hành sa sút nên tôi và giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu qua bạn bè mới biết được thông tin. Không muốn mọi chuyện rùm beng, ảnh hưởng đến cháu và gia đình nên chúng tôi tìm đến luật sư”, bố cháu H. chia sẻ và cho biết thêm, ban đầu N. không thừa nhận hành vi nên cả gia đình, luật sư và các giáo viên phải thuyết phục cùng “dọa” đưa ra công an nên N. mới đồng ý rút toàn bộ nội dung xuống và làm cam kết hứa không vi phạm. “Cả gia đình tôi và cháu N. cũng phải mất ăn mất ngủ, điêu đứng thời gian để giải quyết cho xong, còn cháu H. thì xấu hổ với bạn bè không dám đến lớp, chúng tôi buộc phải làm thủ tục cho cháu đi du học sớm hơn dự định”, bố H. nói.
Tương tự, cũng vì chuyện tình cảm không thuận trong quan hệ đồng tính nữ, sau khi bị đề nghị chia tay và nghi bạn tình là L. có người yêu mới, năm 2011, H.T.A (ngụ Q.7) đã tung hình ảnh quan hệ giường chiếu trong khách sạn, cảnh ôm hôn nhau của cả hai lên Facebook do A. tự lập ra. Theo L., vì xã hội còn có cái nhìn không thiện cảm về quan hệ đồng tính nên khi những hình ảnh đó bị công khai lên Facebook, L. cảm thấy sụp đổ, bế tắc, không biết đối diện với mọi người như thế nào. L. bị gia đình, bạn bè, người thân ác cảm, xa lánh. Dù sau này, khi nhờ luật sư can thiệp, buộc A. phải tháo gỡ hình ảnh cũng như nội dung xuống nhưng cái cảm giác xấu hổ, tâm trạng bất an lúc đó thì L. mãi không quên được.
Một trường hợp khác, do không đồng quan điểm trong hoạt động kinh doanh, một nhân viên truyền thông tại TP.HCM đã lên Facebook của mình công khai đả kích, nói xấu, bêu riếu cá nhân một ca sĩ tại Hà Nội. Sau đó, cô ca sĩ này phải vào tận TP.HCM làm thủ tục khởi kiện. Nhưng quá trình hòa giải, vì không muốn công chúng và nhiều người biết nên cả hai cũng tự thỏa thuận bồi thường, đồng thời buộc người đã đăng tải xóa toàn bộ nội dung nói xấu liên quan. Tuy nhiên, cô ca sĩ này cũng cho biết sau vụ đăng tải thông tin trên cô cũng bị thiệt hại nặng nề, mất khá nhiều hợp đồng quảng cáo, ca hát tại phòng trà và ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, con cái.
Hiểu chưa tới, xử quá nhẹ
Việc không xử lý hình sự những trường hợp như trên, theo một số chuyên gia pháp lý, đó là do cách hiểu cũ, không phù hợp với giai đoạn hiện nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người khiếu nại, tố cáo; tạo kẽ hở cho một số cá nhân cố tình vi phạm.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) khẳng định các hành vi nói xấu, bêu tên, thông tin đời tư, hình ảnh nhạy cảm của người khác lên trang mạng xã hội có thể xử lý hình sự về hành vi “làm nhục người khác” nếu mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm là nghiêm trọng. Ông Hậu nói: “Việc đưa thông tin, hình ảnh nhạy cảm lên Facebook để khống chế một người khác, khiến đối tượng đó cảm thấy xấu hổ, nhục nhã chính là xúc phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, điều 21 Hiến pháp 2013 nêu rõ “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình...”. Luật đã quy định bất khả xâm phạm nhưng anh ngang nhiên vi phạm, tức đã vi phạm nghiêm trọng. Còn việc cơ quan tiến hành tố tụng không xử lý hình sự là do cách hiểu cũ, hiểu rập khuôn”.
Theo LS Hậu, Hiến pháp trước đây của VN chưa quy định việc "bất khả xâm phạm" về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân nên nếu sự kiện này rơi vào hoàn cảnh, giai đoạn trước khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, việc không xử lý hình sự là đúng. Nhưng Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền bất khả xâm phạm về bí mật, đời sống riêng tư cá nhân nên cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng để xử lý hình sự. “Còn các cơ quan tiến hành tố tụng cứ than “khó” thì đề nghị TAND tối cao phải có hướng dẫn nói rõ để buộc áp dụng xử lý, phù hợp với đạo luật gốc là Hiến pháp 2013”, ông Hậu bức xúc.
LS Phạm Văn Thạnh (Đoàn LS TP.HCM) nhớ lại trước đây khi còn là thẩm phán, ông đã từng xét xử một bị cáo về tội “làm nhục người khác” khi anh này có hành vi sử dụng hình ảnh khỏa thân của người yêu cũ truyền cho bạn bè xem, dán tại khu vực cô gái đang sinh sống. “Mức độ lan tỏa trên Facebook còn nghiêm trọng hơn việc chuyền tay nhau xem, dán ở vị trí cụ thể, nên sự việc không chỉ dừng lại ở xúc phạm danh dự, nhân phẩm mà hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội “làm nhục người khác”, LS Thạnh nói.
LS Võ Đức Toàn (Đoàn LS TP.HCM) cũng đồng quan điểm: “Nếu chỉ bồi thường dân sự thì chắc chắn về sau nhiều cá nhân, tổ chức còn vi phạm vì đối với những người có tiền, vài chục triệu đồng với họ không quan trọng. Cứ làm cùng lắm bị phạt tiền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.