Xây cầu Thủ Thiêm 2, hàng cây cổ thụ hiếm hoi ở TP.HCM sắp 'biến mất'

05/07/2017 16:53 GMT+7

Lần đầu tiên, UBND TP.HCM báo cáo chính thức trước các đại biểu HĐND TP về việc quản lý và sử dụng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1) phục vụ xây dựng cầu Thủ Thiêm 2.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, đường Tôn Đức Thắng là một trong những con đường hiếm hoi ở trung tâm TP.HCM có hàng cổ thụ che mát cho người tham gia giao thông, cũng như tạo mảng xanh cho thành phố. Việc phải đốn hạ hàng cây rợp bóng mát trên tuyến đường vốn đã rất quen thuộc này khiến nhiều người dân luyến tiếc.
“Đây là vấn đề lớn nên TP đưa ra bàn ở diễn đàn HĐND TP để xem xét thấu đáo, có phương án tối ưu nhất để làm sao vẫn triển khai được công trình đúng kế hoạch nhưng hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến cây xanh cổ thụ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, ông Hải nói.
Về hiện trạng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng bị ảnh hưởng bởi dự án, thay mặt UBND TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết tổng số cây xanh bị ảnh hưởng là 258 cây, trong đó có 125 cây loại 3 (cây cổ thụ - PV) gồm sọ khỉ 112 cây, lim sét 13 cây, tập trung chủ yếu ở đoạn từ Lê Duẩn đến giao lộ Lê Thánh Tôn - Nguyễn Hữu Cảnh, phía đường dẫn và đầu cầu ở địa bàn Q.1.
Giám đốc Sở GTVTTP.HCM Bùi Xuân Cường: Chỉ đốn hạ những cây có chất lượng xấu hoặc khả năng sống thấp sau khi di dời Ảnh: Khả Hòa
Nguyên tắc xử lý, ông Cường cho biết ưu tiên giải pháp di dời, chỉ đốn hạ với những cây có chất lượng xấu hoặc khả năng sống thấp sau khi di dời; tạo mảng xanh mới để bù đắp mảng xanh đã bị đốn hạ; sử dụng gỗ thu hồi để chế tạo các sản phẩm công cộng phục vụ người dân…
Theo đó, về phương án xử lý cụ thể, cây loại 1, loại 2 (không phải cây cổ thụ - PV) được ưu tiên di dời; cây loại 3 với 125 cây cổ thụ sẽ bị đốn hạ vì không có khả sinh tồn sau khi di dời.
Về mảng xanh bị di dời, đốn hạ tổng 258 cây, tương ứng 22.104 m2. Mảng xanh tái tạo sẽ trồng mới 373 cây với diện tích hơn 26.000 m2. Sau 3 năm, mảng xanh tái tạo tăng ước đạt hơn 37.000 m2, tương đương 172% so với mảng xanh bị ảnh hưởng trước đó.
Chi phí thực hiện cho phương án này khoảng 7 tỉ đồng.
Nói thêm về lý do di dời, đốn hạ cây xanh, ông Cường cho biết TP đã tính toán rất kỹ, mời các chuyên gia nghiên cứu, góp ý về phương án xây cầu hay xây hầm ở vị trí mà hiện tại đang xây dựng cầu Thủ Thiêm 2.
Theo đó, việc làm hầm là không khả thi vì ở khu vực này đã có đường hầm và ga ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), việc thi công quá phức tạp, chi phí quá lớn, trong khi cây xanh phía trên cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, tổng hợp tất cả các ý kiến góp ý, dựa trên tình hình thực tế và cơ sở khoa học, TP đi đến quyết định làm cầu.
Di dời, xử lý cây xanh theo tiến độ thi công cầu Thủ Thiêm 2
 Về tiến độ xử lý, ông Cường cho biết sẽ không tiến hành đồng loạt, mà được thực hiện theo tiến độ thi công các hạng mục cầu Thủ Thiêm 2.
Theo đó, dự kiến tháng 8.2017, xử lý 63 cây xanh từ Nguyễn Hữu Cảnh đến phía bờ sông Sài Gòn, trong đó di dời 20 cây, đốn hạ 43 cây để thi công trụ cầu.
Tháng 10.2017, xử lý 79 cây xanh 2 bên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó di dời 36 cây, đốn hạ 43 cây để mở rộng mặt đường thi công công trình.
Tháng 3.2018, xử lý 70 cây xanh ở 2 dải phân cách biên đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh để thi công cầu từ trụ AS1 đến trụ AS5.
Tháng 5.2018, xử lý 46 cây xanh đoạn từ cảng Ba Son đến công trường Mê Linh (di dời 24 cây, đốn hạ 22 cây) để thi công nhánh N1 của cầu Thủ Thiêm 2.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công ngày 3.2.2015, dự kiến công trình hoàn thành ngày 30.4.2018 với tổng mức đầu tư là 4.260 tỉ đồng. Công trình kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) với Q.1 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 2 nối Q.1 và Q.2, TP.HCM Ảnh: Độc Lập
Cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (Q.1) chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng vượt qua sông Sài Gòn và kết nối với đại lộ Vòng cung trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cầu có quy mô 6 làn xe (4 làn xe ô tô và 2 làn xe tổng hợp), với tổng chiều dài là 1.465 m, trong đó phần cầu dài 885,7 m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.