Xây dựng Đà Nẵng thành 'thành phố đáng sống', đô thị biển quốc tế

16/03/2021 16:42 GMT+7

Dự báo dân số Đà Nẵng đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người. Diện tích đất xây dựng đô thị Đà Nẵng khoảng 31.836 ha.

Ngày 16.3, UBND TP.Đà Nẵng cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 359 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Quy hoạch Đà Nẵng là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế

Theo đó, Đà Nẵng sẽ có vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Theo quyết định, quy hoạch Đà Nẵng là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính Đà Nẵng, có tổng diện tích khoảng 129.046 ha, trong đó, diện tích đất liền khoảng 98.546 ha, diện tích H.Hoàng Sa là 30.500 ha.
Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, năm 2045 khoảng 2,56 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 31.836 ha vào năm 2030 (chiếm khoảng 32,31% diện tích đất trên đất liền) và đạt khoảng 35.054 ha đến năm 2045 (chiếm khoảng 35,57% diện tích đất trên đất liền).

Phát triển các khu đô thị hiện hữu theo hướng đô thị nén

Cấu trúc đô thị Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi. Vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía tây và phía bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và H.Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái.
Hình thành 2 vành đai kinh tế vành đai phía bắc - vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics; vành đai phía nam - vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo quy hoạch, các khu đô thị hiện hữu sẽ được tái phát triển theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.

Đà Nẵng tập trung vào phát triển du lịch toàn TP khi điều chỉnh quy hoạch chung tầm nhìn đến 2045

Ảnh: Hoàng Sơn

Đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng tập trung phát triển du lịch trên toàn địa bàn gắn với các hình thức du lịch biển; du lịch thủy nội địa; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch đô thị; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp, mua sắm; du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe.
Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại Đà Nẵng; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong khu phức hợp đô thị, thương mại…

Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, xây mới cảng Liên Chiểu

Đáng chú ý, điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856 ha.
Quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy song song về phía đông đường bộ cao tốc; xây dựng nhà ga đường sắt mới đạt công suất 10 triệu hành khách/năm, diện tích khoảng 30 ha…
Đồng thời, Đà Nẵng đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu công suất đạt 50 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 450 ha (bao gồm cả phần mặt nước); diện tích hậu cần cảng khoảng 195 ha. Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiếu đi vào hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.Đà Nẵng tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt; tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị…
Đà Nẵng tổ chức lập và ban quy chế quản lý kiến trúc TP.Đà Nẵng, làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.