Xây dựng kịch bản hỗ trợ lao động Việt Nam ở vùng dịch Covid-19 về nước

24/02/2020 15:48 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các đơn vị xây dựng các phương án hỗ trợ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc , Nhật Bản...; hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh; đồng thời có phương án cách ly cho lao động nước ngoài .

Đây là ý kiến chỉ đạo trong chiều nay, 24.2, của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19, trước các diễn biến phức tạp mới của dịch Covid-19

Triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp người lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản

Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, hiện một số quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến mới rất phức tạp.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các đơn vị rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường (chi tiết tới từng địa phương, khu vực của nước sở tại).
Ngoài các giải pháp về ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nước tiếp nhận lao động; các giải pháp về tuyên truyền cho người lao động; giải pháp ngăn ngừa các phản ứng tiêu cực của người lao động… các đơn vị cần nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước (phương án theo quy mô lao động, như: dưới 1.000 người, từ 1.000 - 5.000 người, từ 5.000 - 20.000 người…).
Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo… Đặc biệt là các phương án trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp trên điện thoại cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và các chương trình mà Trung tâm Lao động ngoài nước đang triển khai.

Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19

Lên phương án cách ly đối với lao động nước ngoài vào Việt Nam

Đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu Cục Việc làm xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (đặc biệt là lao động tại các nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.
Nêu các phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc (theo quy mô lao động, như: dưới 100 người, từ 100 - 1.000 người, trên 2.000 người…).

Diễn tập quy mô lớn đón 450 công dân trở về từ Trung Quốc

Các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài. Các phương án cấp phép, tạm dừng cấp phép… đối với lao động nước ngoài trong các trường hợp dịch bệnh bùng phát ở nhiều cấp độ, nhiều quốc gia.
Cục Quan hệ lao động và tiền lương xây dựng các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xử lý trong trường hợp người lao động đình công, ngừng việc tập thể liên quan tới dịch bệnh Covid-19. Đề xuất các phương án liên quan tới vấn đề chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian công bố dịch bệnh theo tại bộ luật Lao động.
Vụ Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, đề xuất các phương án chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động bị cách ly.
Kịch bản ứng phó chi tiết của đơn vị yêu cầu gửi về Bộ LĐ-TB-XH trước 17 giờ chiều nay, 24.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.