Xây dựng trái phép, không phép: Có biểu hiện chi tiền cho thanh tra, công chức

25/07/2019 13:18 GMT+7

Thành ủy TP.HCM đánh giá, có biểu hiện người vi phạm chi tiền cho thanh tra, công chức thì được làm ngơ.

Ngày 25.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Đang hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát

Chỉ thị nêu rõ trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp ở TP.HCM, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý (năm 2017 là 2.856 công trình, bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày; năm 2018 là 2.419 công trình, bình quân 6,6 vụ/ngày; 6 tháng đầu năm 2019 là 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ/ngày). Mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018.

Những công trình vi phạm về trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X về Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân rất quyết liệt trong việc xử lý tình trạng xây dựng sai phép, không phép

Ảnh: Ngọc Dương

Chỉ thị chỉ rõ nguyên nhân khách quan của tình hình trên chủ yếu là nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là cấp thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm khoảng 200.000 người.

Đáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi về pháp luật đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực: có biểu hiện người vi phạm chi tiền cho thanh tra, công chức thì được làm ngơ; lực lượng môi giới, “cò” bán đất, bán nhà trái pháp luật, các doanh nghiệp, đội xây dựng trái pháp luật không bị xử lý.

Ngoài ra , công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng ở nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng và tiêu cực ở địa phương.

Sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, sơ hở, thiếu hiệu quả…

Điều tra, xử lý nghiêm công chức thoái hóa để xảy ra sai phạm

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu UBND TP.HCM, các sở, ngành phải khẩn trương, kiên quyết thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật, làm tiền đề để chính quyền quận huyện, phường, xã và thị trấn chấn chỉnh việc quản lý xây dựng trên địa bàn, thực hiện đúng yêu cầu chấm dứt tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý theo pháp luật trước đại hội đảng bộ cấp quận, huyện.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu các cấp ủy quận huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức hội nghị và có nghị quyết chuyên đề vào đầu tháng 8.2019; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn đảng bộ và tại mỗi chi bộ, tới từng đảng viên trong quý 3 năm 2019 về việc không để xây dựng không phép và trái phép tiếp tục như thời gian qua, phải lập lại trật tự xây dựng trước đại hội đảng bộ quận, huyện.

Phường xã và thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các quận huyện, phường, xã, thị trấn cần rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đã triển khai xây dựng các công trình không phép, trái phép tại địa phương; các tổ chức, cá nhân môi giới bán các công trình không phép, sai phép trên địa bàn để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Đối với các đối tượng vừa qua đã xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua và trật tự đô thị, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng và mua bán trái pháp luật, cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng

Trong quý 3, quý 4 năm 2019, kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm này cần công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy theo dõi, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị cho Ban Thường vụ Thành ủy vào tháng 9 và tháng 12.2019; tháng 3 và tháng 6.2020.

Ban Thường vụ Thành ủy phân công ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện chỉ thị này. Và các bí thư quận ủy, huyện ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, các chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM về việc triển khai chỉ thị này.

Làm rõ nguyên nhân, cơ chế của việc tồn tại dai dẳng việc xây dựng không phép, trái phép

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM giao UBND TP.HCM tổ chức hội nghị “Lập lại trật tự xây dựng trên toàn thành phố”, dự kiến ngày 30.7.2019, để đánh giá tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thời gian qua (năm 2016 - 2019), hậu quả, làm rõ các nguyên nhân, cơ chế của việc tồn tại dai dẳng việc xây dựng không phép, trái phép.

Hội nghị sẽ đề xuất, xác định các giải pháp đồng bộ, khả thi, quyết liệt của hệ thống chính trị 3 cấp ở thành phố để tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép mà không bị xử lý đúng pháp luật trước đại hội đảng bộ cấp quận, huyện (tháng 6.2020).

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.