Xét xử cựu Bí thư TX.Bến Cát: Vì sao luật sư đề nghị đưa tài liệu của FBI vào hồ sơ vụ án?

11/12/2019 07:58 GMT+7

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Khanh tiếp tục kiến nghị HĐXX phải đưa tài liệu ủy thác tư pháp do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) chuyển về, vào trong hồ sơ vụ án.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, Nguyễn Huy Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn (viết tắt BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc, nguyên Phó phòng Trung tâm xử lý nợ BIDV Tây Sài Gòn bị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo Lê Hoài Linh, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TX.Bến Cát; Nguyễn Thành Luân, nguyên cán bộ đo vẽ Văn phòng Đăng ký đất đai TX.Bến Cát; Nguyễn Minh Tâm, nguyên Phó chủ tịch UBND xã An Tây (TX.Bến Cát); Đặng Văn Thọ, nguyên cán bộ địa chính UBND xã An Tây bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cũng như 2 phiên tòa sơ thẩm trước đó bị tạm hoãn, lần này các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Khanh tiếp tục kiến nghị HĐXX phải đưa tài liệu ủy thác tư pháp (lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo, con gái bà Hồ Thị Hiệp - đã chết năm 2016, hiện đang định cư ở Mỹ) do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) chuyển về, vào trong hồ sơ vụ án.
Theo cáo trạng, vào năm 1997, bà Hồ Thị Hiệp cùng con gái là Nguyễn Hiệp Hảo (43 tuổi) mua đất của nhiều hộ dân với diện tích 235.078 m2 tại xã An Tây (TX.Bến Cát) để mở Công ty TNHH SXTM An Tây và Công ty TNHH sản xuất chế biến Gỗ Mỹ Hiệp. Từ năm 2005 - 2008, bà Hiệp thế chấp diện tích trên vay của nhiều ngân hàng, trong đó sử dụng 181.905 m2 vay hơn 72 tỉ đồng của BIDV Tây Sài Gòn. Năm 2008, Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp không có khả năng trả nợ nên ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu. Tháng 12.2011, BIDV Tây Sài Gòn xử lý thế chấp tài sản để thu hồi nợ của 2 công ty trên hơn 108 tỉ đồng (nợ gốc và lãi suất).
Từ năm 2012 - 2015, ông Nguyễn Hồng Khanh đã 5 lần mua lại số tài sản thế chấp của Công ty An Tây, Công ty Gỗ Mỹ Hiệp gồm 181.905 m2 đất cùng 54 máy móc, thiết bị với giá 10,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2018 sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT đã định giá số tài sản mà ông Khanh mua là 45,7 tỉ đồng nên xác định gây thất thoát cho BIDV Tây Sài Gòn trên 35,4 tỉ đồng.
Theo các luật sư, bà Hảo là người góp vốn trong 2 công ty nói trên nên quá trình thế chấp, xử lý nợ với ngân hàng và bán tài sản cho ông Khanh, cần phải xem xét có sự đồng ý của bà Hảo hay không. Bà Hảo có yêu cầu gì trong quá trình xét xử của vụ án và xử lý nợ, tài sản?... Đây là những tình tiết rất quan trọng có thể làm thay đổi bản chất của vụ án. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 12.12 thì tuyên án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.