Xét xử đường dây đánh bạc ngàn tỉ: Người thân 'ông trùm' Phan Sào Nam khóc nấc trước tòa

17/11/2018 06:56 GMT+7

Khai nhận trước tòa, bị cáo Đỗ Bích Thủy cho rằng do có niềm tin tuyệt đối vào Phan Sào Nam nên ký hợp đồng mà không quan tâm trong hợp đồng ghi nội dung gì.

Ngày 16.11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ xét hỏi nhóm bị cáo thuộc các công ty trung gian giúp sức đường dây đánh bạc nghìn tỉ Rikvip/Tip.Club của các ông trùm Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.
[VIDEO] Phan Sào Nam đẩy chị họ mình vào đường dây đánh bạc ngàn tỉ ra sao?
Cáo trạng xác định bị cáo Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online), đã mượn pháp nhân Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt (Công ty Nam Việt), do bị cáo Đỗ Bích Thủy làm giám đốc và là người đại diện pháp luật, để xây dựng và quản lý vận hành trò chơi đánh bạc trực tuyến. Trong các khoản lợi nhuận thu được, Nam đã chỉ đạo Thủy rút 50 tỉ đồng từ tài khoản Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm, đứng tên Thủy. Do đó, bị cáo Đỗ Bích Thủy bị quy kết là đồng phạm với Phan Sào Nam về tội tổ chức đánh bạc.
Bị cáo Đỗ Bích Thủy khai trước tòa, Phan Sào Nam là em họ của mình. "Bị cáo đã đồng ý cho Nam mượn pháp nhân nên khi Nam đưa hợp đồng, vì tin tưởng em của mình, hợp đồng đó Nam đã ký nên bị cáo không coi lại, chỉ thấy nói đây là hợp đồng phát triển phần mềm cho Công ty VTC Online" , bị cáo Thủy nức nở. Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương đã hỏi và thông báo cho biết bị cáo này mới đi cấp cứu tuần trước nên cho phép được ngồi ghế để khai báo. Đỗ Bích Thủy khai hành vi của mình là tự nguyện, không phải do bị cáo Nam ép buộc.
[VIDEO] Đường dây đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến Phan Văn Vĩnh “hoành tráng” cỡ nào?
“Cha đẻ” Rikvip giải thích vì sao game bài hút khách
Bị cáo Kim Thanh Thủy (33 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc), là kỹ sư về công nghệ thông tin - Trưởng phòng Core (quản lý cơ sở dữ liệu hệ thống) thuộc Công ty Nam Việt, khai bản thân và một số người khác xây dựng, bổ sung, phát triển phần mềm cổng game bài Rikvip hoạt động trên nền tảng web và thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng) và đẩy dần lên hệ thống máy chủ của Công ty VTC Online theo các địa chỉ web Rikvip.vn và Rikvip.com (sau này là Rikvip.vn) để tổ chức đánh bạc trực tuyến. Theo bị cáo, việc làm này là theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hoàng Thành Trung, Phó giám đốc Công ty Nam Việt (đang bỏ trốn). Đến thời điểm bị phát hiện và bắt giữ, có tổng cộng 54 hình thức đánh bạc, như: tài xỉu, ba cây, tá lả, xì tố, bài cào, liêng, xóc xóc, chắn, tiến lên miền Nam, mậu binh, poker, sâm lốc, tiến lên miền Bắc, bầu cua… sử dụng đồng tiền ảo (gọi là Rik) để tham gia đánh bạc trực tuyến trong cổng game bài Rikvip.
[VIDEO] Bị cáo Lưu Thị Hồng khai trước tòa sáng 17.11.2018
Bị cáo Kim Thanh Thủy khai, trong hệ thống Rikvip có các loại tài khoản của hệ thống, đại lý cấp 1, cấp 2, tài khoản của người chơi. Chế độ trả thưởng thông qua các hình thức: Đổi thưởng bằng thẻ cào, nạp tiền điện thoại, mua bán với các đại lý thông qua hình thức chuyển khoản có sẵn trên hệ thống... Ngoài lập trình trò chơi, bị cáo này còn thừa nhận được Hoàng Thành Trung chỉ đạo xây dựng Tool (quản lý hệ thống đại lý) và bản thân bị cáo sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook “Long Thần Tướng” để quản lý các hoạt động của trò chơi.
“Nhiều bị cáo bị truy tố về tội đánh bạc tại phiên tòa này đều khai tham gia vào trò chơi tài - xỉu. Tại sao trò này cuốn hút như vậy?”, chủ tọa hỏi. “Tài - xỉu là hình thức chơi nhiều người có thể tham gia cùng lúc và số tiền đặt cược lớn...”, bị cáo Kim Thanh Thủy đáp. Trả lời HĐXX về bản chất của điểm Vippoint, điểm sự kiện trong đường dây Rikvip/Tip.Club, bị cáo Kim Thanh Thủy khai ngắn gọn đây là hình thức nhằm thu hút người tham gia: "Để dễ hình dung thì có thể so sánh với hệ thống tích điểm ở các siêu thị".
Mặc dù được coi là “cha đẻ” của game bài và đã thực hiện các thao tác, quản lý những khoản tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng bị cáo Kim Thanh Thủy khai mình chỉ là người làm kỹ thuật đơn thuần và làm công ăn lương.
Người thân 'ông trùm' Phan Sào Nam khóc nấc trước tòa1
Bị cáo Kim Thanh Thủy
Lập khống hóa đơn để hợp thức hóa tiền đánh bạc
Khai nhận trước phiên tòa hôm qua, nhiều bị cáo trong nhóm công ty trung gian đã thừa nhận hành vi lập khống hóa đơn giúp sức hợp thức hóa các khoản lợi nhuận từ đường dây đánh bạc Rikvip/Tip.Club. Bị cáo Châu Nguyên Anh (39 tuổi), Giám đốc điều hành Công ty VNPT EPAY, bị truy tố về tội mua bán trái phép hóa đơn, khai đã cùng với Phạm Quang Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty VNPT EPAY, thỏa thuận với Nguyễn Đình Chiến (42 tuổi), là người điều hành Công ty TNHH đầu tư và phát triển HQ VN (Công ty HQ VN) để nâng khống doanh số đối với 49 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) do Công ty HQ VN xuất cho Công ty VNPT EPAY, với tổng doanh số là hơn 1.264 tỉ đồng, trong đó doanh số nâng khống xác định là hơn 657 tỉ đồng.
Cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa rút yêu cầu triệu tập C50
Chiều 16.11, trước khi kết thúc ngày làm việc thứ 5, chủ tọa phiên tòa thông báo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), đã kiến nghị HĐXX “rút” yêu cầu Bộ Công an cung cấp hai văn bản liên quan đến việc điều tra đường dây đánh bạc. Trước đó, luật sư của bị cáo Hóa đề nghị triệu tập đại diện C50, cũ để làm rõ việc có 2 văn bản quan trọng nhưng không có trong hồ sơ. Theo chủ tọa, HĐXX đã ra quyết định yêu cầu Bộ Công an cung cấp hai văn bản theo kiến nghị của luật sư, tuy nhiên hôm nay tòa nhận được kiến nghị của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nên việc này sẽ không diễn ra.
Toàn bộ số tiền hưởng lợi từ việc làm trung gian thanh toán cho Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và mua hóa đơn GTGT khống của Công ty HQ VN, Châu Nguyên Anh đều cho hạch toán vào Công ty VNPT EPAY. Từ những việc làm này, Công ty VNPT EPAY được hưởng lợi số tiền hơn 53 tỉ đồng.
Tương tự, bị cáo Lê Thị Lan Thanh, điều hành Công ty GTS, cũng thừa nhận vai trò trung gian thanh toán cho Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương. Để hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC, Lê Thị Lan Thanh và một số người khác đã mua 160 tờ hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số 5.135 tỉ đồng (tiền hàng 4.621 tỉ đồng, tiền thuế GTGT 513 tỉ đồng). Mặt hàng thể hiện trên hóa đơn là thẻ cào có mệnh giá từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng do các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone phát hành để kê khai thuế đầu vào tại 5 công ty của Lê Thị Lan Thanh.
Cáo trạng xác định bị cáo Thanh đã thực hiện kết nối cổng thanh toán của Công ty GTS với cổng thanh toán của Công ty CNC để vận hành, đối soát game đánh bạc Rikvip/Tip.Club, qua đó được hưởng lợi 182 tỉ đồng.
Để làm rõ hơn hành vi mua bán trái phép hóa đơn và tổ chức đánh bạc của bị cáo Thanh, HĐXX đã cho gọi điều tra viên Nguyễn Đình Trung (Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ), hỏi: Bị cáo khai không biết game bài Rikvip/Tip.Club là game bài đánh bạc, vậy vì sao khi ký hợp đồng với nhà mạng không
cung cấp đúng tên game Rikvip/Tip.Club mà lại ký game “Ngọa Hổ Tàng Long”? Điều tra viên cho biết bị cáo có thể biết đó là game đánh bạc, bất hợp pháp, nhưng sau đó để che giấu hành vi vi phạm của mình nên kê khai với nhà mạng như vậy. Được gọi đối chất, bị cáo khẳng định không hề che giấu mà khai rất rõ. Mặt khác, công ty của bị cáo còn kê khai cung cấp cho công an các tỉnh về một số thẻ cào lừa đảo qua mạng, nạp qua game và bị cáo cũng đã cung cấp tên game rất đầy đủ. Lý giải về cái tên game "Ngọa Hổ Tàng Long", bị cáo Thanh khai, các nhà mạng yêu cầu cổng thanh toán cung cấp một dịch vụ được cấp phép, nhưng bên bị cáo không có dịch vụ nào được cấp phép nên phải hợp tác với một đơn vị khác. Bên công ty bị cáo còn nhiều dịch vụ khác cũng kê khai chung là "Ngọa Hổ Tàng Long".
Trước lời khai này, điều tra viên cho biết trong nội dung chat Skype giữa Thanh và Phạm Tuấn Anh (Trưởng phòng Kỹ thuật vận hành Trung tâm thanh toán - Công ty CNC) phù hợp với số tiền chuyển vào các tài khoản. Trong nội dung chat này, một số nội dung thể hiện doanh số, hình thức chơi tài xỉu. Do đó, Thanh có biết game tài xỉu trên web đánh bạc Rikvip.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.