Hôm qua (8.5), TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ
án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” đối với bị cáo Nguyễn Tuyến
Dũng (44 tuổi, nguyên điều tra viên cao cấp Cơ quan CSĐT Công an tỉnh
Tiền Giang).
Trước đó, phiên xử sơ thẩm lần 1 vào năm 2014, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt Dũng 10 năm tù. Sau đó, Dũng kháng cáo kêu oan. Tháng 10.2014, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Theo cáo trạng năm 2016, năm 2002, Bộ Công an thụ lý điều tra chuyên án mang bí số Z.501 (Năm Cam và đồng phạm). Nguyễn Văn Nên khi đó là Phó trưởng phòng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang (hiện đang điều trị bắt buộc do bị tâm thần phân liệt theo quyết định của TAND tỉnh Tiền Giang) và Nguyễn Tuyến Dũng được điều động tham gia chuyên án. Sau khi điều tra chuyên án Z.501 kết thúc, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Ngày 3.4.2003, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty Ga Bình Dương nằm trong khu công nghiệp Đồng An (tỉnh Bình Dương), do Công ty CP Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Trong đó, ông Nên và Dũng được phân công điều tra. Ngày 29.4.2003, ông Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh, và một số bị can khác về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Theo cáo trạng, lợi dụng việc tham gia điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” và việc ông Bùi Mạnh Lân bị tạm giam, Nên và Dũng đã đứng ra giải quyết tranh chấp dân sự một mảnh đất tại H.Dĩ An (Bình Dương) giữa Công ty CP Hưng Thịnh với vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, ông Nguyễn Văn Cư (ngụ Q.10, TP.HCM). Khi đó, theo thỏa thuận, ông Lân đồng ý trả lại đất cho vợ chồng bà Thu với điều kiện phía bà Thu đưa cho ông Lân 5,25 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền từ bà Thu, bị cáo Dũng không gửi vào Kho bạc Nhà nước cũng như không trả cho ông Lân mà gửi tiết kiệm để lấy lãi, chiếm hưởng cá nhân hơn 1,2 tỉ đồng.
Cũng trong thời gian ông Lân bị tạm giam, ban chuyên án nhận được tin báo phạm nhân Liên Khui Thìn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Epco) đang thụ án tù chung thân, tố cáo ông Lân có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 50 - 60 tỉ đồng của Công ty Epco. Mặc dù kết quả xác minh xác định ông Lân không chiếm đoạt khoản tiền nào nhưng Nên và Dũng vẫn ép ông Lân khai có chiếm đoạt của Liên Khui Thìn khoảng 8 tỉ đồng và động viên ông Lân bán một căn nhà ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) để khắc phục hậu quả.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 vào tháng 9.2016, ba luật sư bào chữa cho Dũng đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh bị cáo không phạm tội. Trong đó có hai văn bản của trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, và thiếu tướng Nguyễn Chí Phi, nguyên Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, gửi cơ quan tố tụng thể hiện nội dung là ông Nên và ông Dũng xác minh đơn tố cáo theo chỉ đạo của cấp trên, có xây dựng kế hoạch đề xuất ban chuyên án, báo cáo tiến độ xác minh, không có dấu hiệu lợi dụng hoặc lạm quyền.
Do những tình tiết mới phát sinh trên, HĐXX TAND tỉnh Tiền Giang đã quyết định trả hồ sơ để làm rõ. Tuy nhiên, kết luận điều tra bổ sung vào tháng 1.2017, Viện KSND tối cao nêu đã hai lần gửi giấy mời triệu tập ông Nguyễn Việt Thành nhưng ông Thành không đến làm việc. Hơn nữa, VKS cho rằng trong Bút lục 204, tướng Thành có lời khai hoàn toàn không biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an giao ông Nên và Dũng giải quyết đơn tố cáo của vợ chồng bà Thu. Từ đó, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm và nội dung cáo trạng truy tố.
Tại phiên tòa sơ thẩm hôm qua, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng khẳng định kết luận điều tra bổ sung của VKS không phù hợp và có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bởi bút lục 204 có lời khai tướng Thành khẳng định ông Nên và Dũng xác minh đơn tố cáo của vợ chồng bà Thu là theo yêu cầu của ông Nguyễn Thế Bình (Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an) và quá trình xác minh đều được ông Nên báo cáo lên cấp trên. Hôm nay, HĐXX sẽ tiếp tục làm việc.
Bình luận (0)