Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Hàng triệu USD hối lộ được 'biếu' ra sao?

17/12/2019 06:49 GMT+7

Lời khai của các bị cáo trong ngày đầu xét xử đã phần nào vén bức màn che phủ đường đi của hàng triệu USD hối lộ trong vụ án MobiFone mua AVG .

Hôm qua (16.12), TAND TP.Hà Nội bắt đầu xét xử 14 bị cáo trong vụ án liên quan đến Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) về các tội danh: vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Trương Minh Tuấn khai về chuyện “ký liều” và số tiền hối lộ 200.000 USD

Xuất hiện tại tòa, các bị cáo từng là lãnh đạo Bộ TT-TT và MobiFone đều cho thấy có tình trạng sức khỏe tốt. Tuy nhiên, xét về bệnh lý và theo đề nghị của bị cáo, HĐXX đã cho phép các bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh TuấnPhạm Nhật Vũ được ngồi trong quá trình thẩm vấn.
Trước khi diễn ra phiên xét hỏi, HĐXX đã cho cách ly bị cáo Nguyễn Bắc Son - người có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án - với các bị cáo còn lại.
Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Hàng triệu USD hối lộ được “biếu” ra sao?

Bị cáo Phạm Nhật Vũ trả lời thẩm vấn của HĐXX

Ảnh: Vũ - Sơn

Bộ trưởng có bút phê, chỉ đạo thì phải ký (!?)

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bất ngờ phản cung, phủ nhận lời khai nhận hối lộ 3 triệu USD - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Minh Tuấn khai trong thời gian giữ cương vị Thứ trưởng Bộ TT-TT, bị cáo không được phân công phụ trách MobiFone cũng như mảng quản lý doanh nghiệp, tài chính, kế hoạch. Mặt khác, bị cáo cũng không được giao phụ trách dự án MobiFone mua cổ phần AVG nhưng đã ký nhiều văn bản trên danh nghĩa của Bộ TT-TT đối với dự án.
Cụ thể, bị cáo Tuấn ký Công văn số 44 gửi Bộ Công an (đề xuất đưa dự án vào danh mục tài liệu “Mật”), ký Công văn 235 gửi Bộ Công an đề nghị cho ý kiến về dự án và lĩnh vực truyền hình liên quan đến: an ninh, chính trị, văn hóa, tư tưởng... Đặc biệt, bị cáo cũng là người ký Quyết định 236 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone dẫn đến việc MobiFone mua cổ phần AVG giá đắt gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỉ đồng.

Dẫn giải bị cáo: Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà tới tòa

Ảnh: Trần Cường

“Vì sao bị cáo không phụ trách mảng tài chính, kế toán, không phụ trách MobiFone lại ký các văn bản này, nhất là văn bản phê duyệt dự án?”, trả lời câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Trương Minh Tuấn đáp: “Tuy không phải chức năng, nhiệm vụ của tôi nhưng Bộ trưởng chỉ đạo tôi ký thì tôi vẫn ký. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng là thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Bộ TT-TT. Theo quy chế làm việc, dù không thuộc lĩnh vực của mình nhưng Bộ trưởng giao thì tôi vẫn ký”.
Bị cáo Tuấn cũng nhiều lần khẳng định chỉ thực hiện theo “chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son”. Trong đó, đối với Quyết định 236, bị cáo Tuấn nhận thức rõ không thuộc chức năng của mình và đã đến tận phòng làm việc của bị cáo Son để hỏi nhưng “Bộ trưởng vẫn yêu cầu tôi ký, nên tôi ký”; đồng thời thừa nhận ký Quyết định 236 là sai lầm vì chưa có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến hậu quả vi phạm pháp luật như hiện nay.

Vì sao cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phản cung nhưng vẫn biết chỗ giấu 3 triệu USD - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Bị cáo Phạm Đình Trọng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT, cũng thừa nhận Bộ TT-TT không có chức năng thẩm định giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone nhưng bị cáo vẫn ký Phiếu trình và dự thảo Quyết định thành lập Tổ thẩm định là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của “Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son”.
Trong khi đó, bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch HĐQT MobiFone, khai việc thực hiện dự án đầu tư mua cổ phần của AVG khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ là sai, nhưng MobiFone là doanh nghiệp trực thuộc Bộ nên khi cấp trên đã quyết thì “hiểu là đúng nên làm theo”.
Bị cáo này cũng nêu rõ việc ký thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa MobiFone với cổ đông AVG ngày 25.12.2015 là do bị cáo Son yêu cầu ký. Tương tự, bị cáo Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone, khai trước thời điểm mua cổ phần đã biết rất rõ tình trạng kinh doanh bết bát của AVG và không muốn thực hiện dự án này nhưng vẫn phải làm vì các bị cáo Son, Trà có chỉ đạo.

Bị cáo Phạm Nhật Vũ đưa tiền để “cảm ơn” vì đã ký thương vụ mua bán

Được đưa đến tòa bằng xe cứu thương, bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, tỏ vẻ mệt mỏi và được HĐXX cho phép ngồi trả lời thẩm vấn. Trước câu hỏi vì sao việc chuyển nhượng cổ phần thành công nhưng AVG vẫn quyết định trả lại cho MobiFone cả gốc lẫn lãi, Phạm Nhật Vũ khai: “Bị cáo thề có trời đất là không hề có ý định chiếm đoạt của nhà nước, của nhân dân. Bị cáo đã bàn với gia đình, sau đó đi vay mượn và sắp xếp tiền bạc từ gần 1 năm trước đó để chuẩn bị. Bị cáo trả lại thứ nhất vì không muốn bị mang tiếng. Bị cáo muốn chứng minh mình không chiếm đoạt, không lấy tiền của nhà nước, của nhân dân. Nhiều lúc bị cáo nghĩ đến người nghèo, bị cáo không làm gì khuất tất (bị cáo Vũ nghẹn ngào - PV). Bây giờ người ta nói thế, bị cáo không muốn giúp người nghèo bằng số tiền khuất tất. Thứ ba, bị cáo cũng mong muốn những người có liên quan trong vụ án cũng được nhẹ trách nhiệm đi”.
Liên quan đến số tiền hơn 6 triệu USD, tương đương 136 tỉ đồng đưa cho các bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, bị cáo Vũ khai đưa tiền để cảm ơn những người đã quyết định việc mua bán này; số tiền đưa cho từng người được thể hiện như nội dung trong cáo trạng. Cụ thể, bị cáo Vũ đưa cho các bị cáo: Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD; Lê Nam Trà 2,5 triệu USD; Trương Minh Tuấn 200.000 USD và Cao Duy Hải 500.000 USD. “Số tiền bị cáo nhận về và số tiền bị cáo đưa để cảm ơn là hai khoản tiền khác nhau. Bị cáo dùng tiền cá nhân của mình đã có từ việc làm ăn khác để cảm ơn”, bị cáo Vũ nói.
Do sức khỏe yếu nên HĐXX đã quyết định cho bị cáo Vũ có thể ở bệnh viện trong phiên xử ngày mai (17.12).

Hàng triệu USD trong thùng hoa quả

Khai báo trước tòa về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Trương Minh Tuấn nói trước, trong và sau khi ký quyết định triển khai dự án không có gợi ý gì với bị cáo Phạm Nhật Vũ. “Tận đến Tết 2016, sau đại hội, bị cáo Phạm Nhật Vũ có đến phòng làm việc của tôi, tặng lẵng hoa chúc mừng và có món quà chúc mừng tôi trúng cử. Khi Phạm Nhật Vũ về, chiều tôi mở gói quà ra mới thấy có phong bì 200.000 USD”, bị cáo Tuấn khai.
“Khi nhận 200.000 USD của Phạm Nhật Vũ, bị cáo hiểu đó là tiền gì?”, trả lời câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Tuấn nói: “Ban đầu tôi nghĩ là quà chúc mừng của bị cáo Vũ. Nhưng sau này tôi nhận thức ra, nếu tôi không ký Quyết định 236 thì chưa chắc bị cáo Phạm Nhật Vũ có quà như vậy. Tôi đã nhận thức điều này và đã khai báo với CQĐT, viện kiểm sát. Tôi đã ý thức nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính này”.
Bị cáo Lê Nam Trà cũng thừa nhận cáo trạng Viện KSND truy tố bị cáo nhận 2,5 triệu USD là đúng. Theo bị cáo này, một lần vào dịp tết, được bị cáo Vũ biếu 500.000 USD tại phòng làm việc. “Sau tết hơn 1 tháng, ông Phạm Nhật Vũ gọi điện nói muốn đến nhà vì có chút hoa quả ngon biếu. Sau đó, có người đến nhà bê 2 thùng carton. Đến tối khuya tôi mở túi đồ ra thì thấy có tiền trong đó. Hôm sau tôi gọi cho Vũ nói sao nhiều thế, Vũ cười nói em biếu anh”, bị cáo Trà khai, đồng thời cho biết số tiền trong 2 thùng carton là 2 triệu USD.
Bị cáo Trà cũng khai dù không gợi ý hay đòi hỏi bị cáo Phạm Nhật Vũ chi tiền nhưng nhận thức rõ khoản tiền này là không đúng quy định pháp luật và lấy làm tiếc vì “không cương quyết trả lại”. Sau khi bị khởi tố, được điều tra viên giải thích có thể bị truy tố khung cao nên bị cáo đã chủ động hoàn trả lại khoản tiền này.
Về việc chi tiêu những khoản nhận hối lộ, bị cáo Trà khai, sau khi nhận tiền đã cất giữ tại nhà và đưa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son 500.000 USD; mục đích “báo cáo về công việc”. “Khi đó là dịp tết, tôi đến biếu quà và cũng gặp để báo cáo những việc đã làm. Tôi có nói anh Vũ đến biếu quà và không nói gì thêm, cũng không nói Vũ đưa bao nhiêu tiền”, bị cáo Trà nói và cho rằng “còn biếu thêm” bị cáo Son 200.000 USD trong dịp khác, tổng số là 700.000 USD. Trong khi đó, bị cáo Cao Duy Hải cũng khai nhận, trong khoản 500.000 USD nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ, đã mang biếu bị cáo Nguyễn Bắc Son 200.000 USD.

Bị cáo Trương Minh Tuấn phủ nhận ký quyết định để được lên chức

Tại phiên tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn cho biết đã nghe toàn bộ cáo trạng và đã có văn bản nêu ý kiến về phần cáo trạng liên quan đến mình. Đáng chú ý, bị cáo này khẳng định, bị cáo Son không hề hứa hẹn đưa bị cáo Tuấn “lên” bộ trưởng để chỉ đạo hay ép buộc bị cáo làm việc này hay việc khác như thể hiện trong cáo trạng. “Quá trình điều tra chắc có hiểu nhầm nào đó”, bị cáo Tuấn nói.

Trong phần làm thủ tục, luật sư Vũ Xuân Nam, bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, cho biết đã có văn bản đề nghị triệu tập đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, cựu Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông; đồng thời đề nghị giải mật một số tài liệu chưa được giải mật, nếu không được giải mật thì cho luật sư tiếp cận và có thể xử kín trong một giai đoạn nào đó đối với những tài liệu này. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng phần lớn những tài liệu trong vụ án đã được giải mật và đây là phiên tòa công khai nên sẽ “không có chuyện xử kín”.

Con gái bị cáo Nguyễn Bắc Son xin vắng mặt

Phiên tòa ngày 16.12 vắng mặt một số nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong số này có bà Nguyễn Thị Thu Huyền, con gái bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Trong vụ án này, đối với tội danh nhận hối lộ, bị cáo Son khai nhận sau khi hoàn thành dự án đã được bị cáo Phạm Nhật Vũ mang biếu 3 triệu USD tại nhà riêng. Bị cáo Son đã mang số tiền này lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào 1 chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy 1 ba lô du lịch tối màu; số còn lại cho vào 1 chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite. Toàn bộ số tiền 3 triệu USD bị cáo Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 - 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền, bị cáo Son dặn con gái “không được gửi tiết kiệm”; còn đầu tư vào đâu thì tùy.

Theo cơ quan tố tụng, quá trình đấu tranh, bà Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ bị cáo Son. Căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Huyền. Hành vi của bà Huyền tiếp tục được điều tra làm rõ qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa.
Về các trường hợp vắng mặt, HĐXX cho biết, vụ án được xét xử trong nhiều ngày, trường hợp cần thiết sẽ tiếp tục triệu tập những người này tham gia phiên tòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.