Xử lý nợ xấu, chấn chỉnh tình trạng ‘kẹp phong bì’

10/01/2019 04:56 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trong năm 2019 tập trung quyết liệt việc xử lý nợ xấu, chấn chỉnh tình trạng kẹp phong bì bôi trơn, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Cục máu đông đang nhỏ đi

Ngày 9.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hội nghị tổng kết ngành tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Năm nay Thủ tướng đánh giá rất cao các ngành tài chính và ngân hàng khi đã hoàn thành tốt một loạt chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao từ đầu năm.
Đối với ngành ngân hàng, đã mua vào 10 tỉ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên con số kỷ lục hơn 60 tỉ USD. Con số thứ hai là tăng trưởng tín dụng 14% thấp hơn 2017 nhưng GDP cả nước lại tăng 7,08%. “Điều đó cho thấy điều gì?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và phân tích, dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã được “bơm” vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu. Bằng chứng, xuất siêu năm nay cũng đạt con số ấn tượng hơn 7 tỉ USD.
Cứ 1 container thông quan bôi trơn 1 triệu đồng thì trong 1 năm mất cả 10.000 tỉ đồng. Tại sao doanh nghiệp không lớn được có những lý do này gây ra
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Nợ xấu, theo Thủ tướng, đã được kéo giảm từ mức 2,46% trước đó xuống chỉ còn 1,89% tổng dư nợ. Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỉ đồng nợ xấu. “Tôi có hỏi một số đồng chí ngân hàng, cục máu đông nợ xấu đang nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi. Do các yếu tố vĩ mô tốt, nhưng cũng nhờ điều hành quyết liệt, hiệu quả của Thống đốc và cán bộ ngành”, Thủ tướng ghi nhận.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng lưu ý, hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đối với người yếu thế từ thành thị đến nông thôn, bản làng lo hơn là đòi nợ xã hội đen… biến người dân thành những chị Dậu mới”, Thủ tướng dẫn lời của một đại biểu Quốc hội để nhắc nhở. Đáng chú ý, hiện có một tỷ lệ dân số cao chưa tiếp cận được với tín dụng, điều đó cho thấy ngành ngân hàng chưa mang dịch vụ tín dụng đến với người dân, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Do đó, cần kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng.
Thủ tướng cũng yêu cầu, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng gần đây đã được chấn chỉnh, nhưng không được sơ hở, tiếp tay cho tổ chức tín dụng như thời gian qua. Thanh tra phải làm cho xong, không được kéo dài. “Một số việc tồn tại có thể làm mất niềm tin trong dân. Phẩm chất đạo đức của nhân viên ngân hàng rất quan trọng, không được để nhân viên câu kết, móc nối tiêu cực. Các ông chủ ngân hàng ngồi đây cần phải chú ý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chấn chỉnh ngay tình trạng "bôi trơn", "kẹp phong bì"

Phát biểu chỉ đạo hội nghị ngành tài chính, Thủ tướng ghi nhận năm nay Bộ Tài chính hoàn thành mọi chỉ tiêu được giao. Trong đó, thu ngân sách đạt và vượt đến 7,8% dự toán Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên ngân sách T.Ư vượt 4,3%, vượt 12,5% dự toán. Thu nhập bình quân 2.600 USD/người, chất lượng tăng trưởng cũng được nâng lên. Cơ quan thuế thu được 32.000 tỉ đồng nợ thuế, hải quan thu hồi trên 1.420 tỉ đồng. Chi tiêu đã hợp lý hơn nên bội chi ngân sách chỉ chiếm 3,6% GDP.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính nhìn nhận thẳng vào yếu kém, tồn tại để khắc phục. Thứ nhất, chính sách ban hành còn thiếu tính ổn định, hay sửa đổi gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đơn cử dự thảo luật Thuế tài sản chưa nghiên cứu kỹ, chưa truyền thông phù hợp. Đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, mới được 30%. Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp chưa đi vào thực chất, chưa kịp thời. “Bộ Tài chính phải hướng dẫn luật, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như hiện nay tôi hỏi một số hộ cá thể họ nói sổ sách kế toán phức tạp quá, rồi phải nộp bảo hiểm… Đây là lực lượng rất quan trọng phát triển nền kinh tế nên phải hỗ trợ thật mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng yêu cầu.
Về giải ngân vốn đầu tư ngân sách mới đạt 66% dự toán, theo Thủ tướng vẫn còn chậm, vốn ngoài nước đạt trên 39% là quá thấp. Đặc biệt, vấn đề đạo đức nghề nghiệp, phong cách ứng xử còn một bộ phận cán bộ thuế, hải quan còn chưa đúng mực; tình trạng chung chi, lợi ích nhóm, bôi trơn đâu đó vẫn còn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. “Tổng cục trưởng thuế và hải quan có nói tốt hơn nhưng kẹp phong bì giải quyết hồ sơ liên quan đến lĩnh vực này không phải không có”, Thủ tướng nhắc nhở.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt, chi phí không chính thức. “Tôi nói với Bộ trưởng Tài chính có tiến bộ về giảm chi phí ngành thuế, song tỷ lệ chi trả phí bôi trơn dù giảm nhưng vẫn còn rất cao. Các đồng chí tính toán, cứ 1 container thông quan bôi trơn 1 triệu đồng thì trong 1 năm mất cả 10.000 tỉ đồng. Tại sao doanh nghiệp không lớn được có những lý do này gây ra. Tôi nói để các đồng chí cùng suy nghĩ”, Thủ tướng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.