Liên tục mở “cao điểm”, nhưng mỗi ngày vẫn có 23 người không trở về
Việc liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, rất nhiều trong đó là do nguyên nhân chủ quan, đơn cử vụ tài xế say xỉn đâm tử vong một chị lao công đêm 23.4 vừa qua, khiến dư luận hết sức bức xúc.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, dù năm nào cũng “mở đợt cao điểm” phòng chống tai nạn giao thông, “ra quân” xử phạt, “tăng cường tuyên truyền”, “đẩy mạnh thi đua”, nhưng “trung bình mỗi ngày vẫn có 23 người không về nhà nữa” vì tai nạn giao thông.
Hiện dư luận đang đặt ra câu hỏi, phải chăng phải xử phạt nặng hơn nữa, cả hành chính và hình sự?
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, dù các cơ quan quản lý nhà nước hay nhấn mạnh vào ý thức của người dân chưa cao là nguyên nhân xảy ra tai nạn, nhưng vấn đề trước tiên nằm ở quản lý nhà nước.
“Tại sao ra nước ngoài người dân chấp hành tốt hơn trong nước? Vì xử lý vi phạm, xử lý tội phạm về an toàn giao thông rất có vấn đề, cả về điều tra, truy tố, xét xử”, ông Quyền nêu quan điểm.
Theo ông Quyền, về chính sách hình sự cũng phải xem lại, kể cả quy định “khởi tố theo yêu cầu của người bị hại với tội phạm liên quan trật tự an toàn xã hội”. Là người nhiều năm làm bộ luật Hình sự, ông rất băn khoăn vấn đề này vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của công dân với nhà nước chứ không thể khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Do quy định này, rất nhiều vụ việc hai bên dàn hoà với nhau xong là thôi.
Xử phạt lỏng lẻo nên chèn chết người người ta cũng không sợ
“Cứ nói ý thức của dân, đi tìm nguyên nhân, nhưng đầu tiên là trách nhiệm quản lý Nhà nước và xử lý vi phạm của ta không nghiêm. Tất cả từ cấp bằng lái xe, khám sức khoẻ lái xe, doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh vận tải… đều do quản lý nhà nước không nghiêm. Cái mà chúng ta cần tập trung nhất là cái này. Ngày xưa ở Uỷ ban Tư pháp, tôi phụ trách lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ khi đó là nếu thanh tra, kiểm toán vào mà không phát hiện vi phạm, sau đó cơ quan khác phát hiện thì phải xử lý trách nhiệm thanh tra, kiểm toán (hiện quy định này đã được bổ sung vào luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi - PV). Giờ tôi đề nghị áp dụng quy định này cho xử lý vi phạm về an toàn giao thông”, ông Quyền nói.
Với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị xe quá tải mà đi qua tất cả các thiết chế kiểm soát, để lọt, thì khi bị phát hiện, tất cả các thiết chế trước đó phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý.
“Tại sao từ Lạng Sơn về đến Cà Mau mới bị phát hiện? Tất cả thiết chế kiểm soát “chết” hết? Chúng ta cứ đi tìm nguyên nhân ở đâu, nguyên nhân là ở chúng ta, ở bộ máy vận hành của chúng ta xử lý không nghiêm minh”, theo ông Quyền.
Ông Quyền cho rằng hiện xử lý tội phạm liên quan đến an toàn giao thông rất lỏng lẻo, cả xác định tội danh, giám định và các khung hình phạt đều lỏng lẻo, nên người ta không sợ. Chèn chết người người ta cũng đâu có sợ gì.
“Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý vi phạm, tôi cho rằng phải xuất phát từ nhận thức, từ trách nhiệm. Nếu không ai bị xử lý gì thì mãi mãi cũng thế này thôi. Cần phải xem xét lại và xử lý trách nhiệm của những người có trách nhiệm xử phạt tội phạm về an toàn giao thông. Từ bộ máy nhà nước xong mới nói đến dân", ông Quyền nêu quan điểm.
Dẫn ví dụ ở Mỹ xác định không chỉ người tham gia giao thông gây ra tai nạn, mà cả chủ sở hữu và doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm, so sánh ở ta bộ luật Dân sự quy định trách nhiệm bồi thường là của pháp nhân, ông Quyền cho rằng cần phải tiến tới trách nhiệm hình sự và hành chính với cả pháp nhân.
"Tôi đề nghị xử một số pháp nhân là doanh nghiệp vận tải liên quan đến các vụ tai nạn, để răn đe phòng ngừa, chứ chả ai xử lý gì, đưa pháp nhân vào (bộ luật Hình sự) như một con ngáo ộp để đấy để chơi chứ chẳng xử lý được vụ nào, dù có hàng loạt vấn đề. Chính sách hình sự phải xem lại vấn đề này”, ông Quyền nêu quan điểm.
Quản lý nhà nước không nghiêm trên nhiều mặt nhưng không xác định được trách nhiệm
“Điều quan trọng là quản lý nhà nước không nghiêm trên nhiều mặt, nhưng không xác định được trách nhiệm. Nếu ngồi với nhau nói chung chung mà thực tiễn không chỉ ra được trách nhiệm thì vẫn không thay đổi gì.
Ví dụ, những xe chở quá tải, siêu trường, siêu trọng và những “xe vua” đi qua rất nhiều tỉnh, tại sao mãi đến một địa phương nào đó mới bắt được? Phải xác định được trách nhiệm, qua bao nhiêu trạm kiểm soát tại sao để lọt xe vua như thế? Rồi khi tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, phải làm rõ trách nhiệm đội tuần tra kiểm soát địa bàn đó đang ở đâu”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
|
Bình luận (0)