Xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: Sớm tháo gỡ vướng mắc trong xử lý

20/04/2019 11:25 GMT+7

Ủy ban Tư pháp Quốc hội và các chuyên gia chỉ ra nhiều vướng mắc, khoảng trống trong pháp lý và đề nghị các cơ quan TAND tối cao, Viện KSND tối cao cùng Bộ Công an sớm nghiên cứu, tháo gỡ.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, cho rằng các cơ quan tố tụng đang gặp hàng loạt vướng mắc thực thi nhiệm vụ.
Việc thu thập chứng cứ rất khó khăn do chỉ có lời khai của bị hại mà nhiều trường hợp các cháu còn rất nhỏ; thời điểm phát hiện cách xa thời điểm tố cáo nên tính kịp thời không còn; nghi can không chịu thừa nhận hành vi trong khi chứng cứ vật chất không thu được…
Theo ông Dũng, bộ luật Tố tụng hình sự không cho áp dụng điều tra, tố tụng đặc biệt đối với loại tội phạm này nên chỉ có thể tiến hành các thủ tục tố tụng thông thường, trong khi đó nhiều quy định trong BLHS chậm được giải thích. “Như thế nào là “hành vi dâm ô”, “hành vi quan hệ tình dục khác” là gì? Hiện nay, các cơ quan tố tụng rất không thống nhất, có nơi xử, có nơi không và cũng chưa có văn bản hướng dẫn chính thức để thực hiện”, ông Dũng nêu và nói thêm: Cơ quan tố tụng còn gánh trên vai trách nhiệm bồi thường nhà nước, xử có tội thì không sao nhưng không có tội thì phải xin lỗi, bồi thường, bị kỷ luật. Ông Dũng đề nghị cần sớm có giải thích luật và phát triển án lệ để các cơ quan tố tụng thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ.
Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Chí Tuệ cho biết, về việc hướng dẫn đối với hành vi dâm ô “chậm” ban hành là vì thời điểm Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiến nghị (7.4.2017) là thời điểm đang sửa đổi BLHS 2015 nên chưa thực hiện được ngay. “Hiện nay, dự thảo văn bản hướng dẫn BLHS về tội dâm ô đang được hoàn chỉnh. Dự kiến trong năm nay sẽ ban hành, thậm chí tháng 9 hoặc tháng 10 có thể ban hành được rồi”, ông Tuệ cho hay.
Vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, sàm sỡ bé gái trong thang máy, gây bất bình dư luận 3 tuần qua

Đề nghị cho giám định theo yêu cầu của bị hại

Một vướng mắc khác được nêu ra trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội là thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, quy trình trưng cầu giám định tình dục hiện nay có nhiều bất cập. Cụ thể, sau khi nạn nhân hoặc gia đình trình báo sự việc, CQĐT lập biên bản lấy lời khai rồi đưa nạn nhân đến bệnh viện để khám chứng thương. Sau khi hoàn tất hồ sơ, CQĐT gửi quyết định trưng cầu giám định pháp y tình dục đến trung tâm pháp y, thường là muộn vài ngày, có vụ muộn vài tháng, và khi đó hầu như không còn dấu vết của xâm hại tình dục.
Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, những bất cập trong quy trình trưng cầu giám định tình dục thời gian qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết án, kéo dài thời gian giải quyết, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh. Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị, Viện KSND tối cao xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án này (có thể điều chỉnh chung trong quy trình hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể của loại án này hoặc xây dựng quy trình hướng dẫn riêng đối với việc trưng cầu giám định).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiến nghị xây dựng quy trình giám định đặc biệt liên quan đến âm hại tình dục trẻ em. “Luật hiện quy định khi giám định phải theo yêu cầu của CQĐT. Nên sửa đổi theo hướng khi gia đình bị hại yêu cầu giám định thì các cơ quan giám định pháp y của ngành y tế vào cuộc sớm để bảo vệ quyền lợi của người bị hại khi bị âm hại tình dục”, ông Sơn kiến nghị.
Ông Sơn cho rằng, hiện quy trình khởi tố vụ án liên quan đến bảo vệ trẻ em bị âm hại tình dục rất nhiêu khê, phải đi hết nơi này đến nơi khác nên kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định này. “Như Thái Lan, trẻ em bị xâm hại được đến nơi khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý và đảm bảo công tác điều tra. Thủ tục điều tra cần tiến hành nhanh chóng để đảm bảo quyền lợi cho các em”, ông Sơn đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.