Xử phúc thẩm vụ Vinasun kiện Grab

10/03/2020 08:56 GMT+7

Cấp sơ thẩm tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng.

Hôm nay 10.3, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab).
Trước đó, ngày 28.12, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, tuyên bị đơn là Grab phải bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng cho Vinasun. Số tiền còn lại, hơn 36,3 tỉ đồng/41,2 tỉ đồng Vinasun khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường, tòa không chấp nhận.
Bản án cũng buộc Grab phải hoàn trả lại cho Vinasun hơn 347 triệu đồng, là chi phí giám định mà Vinasun đã ứng ra trả trước đó. Chi phí giám định còn lại, hơn 2,6 tỉ đồng sẽ do Vinasun phải chịu và nguyên đơn đã thanh toán.
Đồng thời, HĐXX cũng kiến nghị Bộ GTVT và cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của Grab theo quy định pháp luật, sửa đổi nội dung “Đề án 24” cho phù hợp với thực tế (nếu tiếp tục thực hiện đề án này).
Kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp quản lý về giá cước vận chuyển, về thuế đối với Grab theo quy định pháp luật về doanh nghiệp vận tải. Và kiến nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động tham gia làm việc cho Grab theo đúng quy định.
Sau bản án sơ thẩm, Vinasun và Grab đều có đơn kháng cáo. Đồng thời, Viện KSND TP.HCM và viện KSND cấp cao đều có kháng nghị liên quan đến bản án sơ thẩm.

Đề nghị hủy án sơ thẩm

Theo đó, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, đòi Grab phải bồi thường hơn 41 tỉ đồng.
Năm 2015, Vinasun nộp đơn khởi kiện, yêu cầu TAND TP.HCM buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỉ đồng,
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua "Quyết định 24" của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải. Nhưng Vinasun khẳng định trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun, vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT, làm thiệt hại cho Vinasun.
Ngược lại, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là "cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng" nên đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của Vinasun hoặc đình chỉ vụ án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.