Xuyên đêm hiến máu hiếm

22/10/2018 09:09 GMT+7

Bất kể thời gian và không gian, những người mang trong mình nhóm máu hiếm A Rh- ở Quảng Bình luôn sẵn sàng đi hiến máu cứu người.

Vượt hơn 200 cây số trong đêm
Gặp Nguyễn Văn Quân (33 tuổi, Chủ nhiệm CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình), thấy anh niềm nở và hiền đến mức thật thà. Thậm chí, khi ngồi trước ống kính để nói về mình, anh còn run và bối rối. Một ngày như mọi ngày, anh miệt mài với công việc kỹ thuật của mình tại trụ sở Văn phòng HĐND - UBND H.Lệ Thủy. Hết giờ hành chính, điện thoại của anh cũng không được “nghỉ” và thậm chí lúc ấy mới thực sự bắt đầu vào chế độ đường dây nóng. Mang trong mình dòng máu hiếm A Rh- và giữ vai trò chủ nhiệm CLB, Quân luôn sẵn sàng “trực chiến” mọi lúc để đi hiến máu hoặc kết nối các thành viên khác của CLB.
hien_mau_hiem
Một số thành viên CLB tại hội nghị gặp mặt các tình nguyện viên Ảnh: NVCC
Với những người hiến máu hiếm, lần nào cũng đầy ắp kỷ niệm nhưng có lẽ chuyến đi hồi đầu tháng 3 của 2 thành viên đã để lại cảm xúc nhất. Lúc ấy tầm 20 giờ 30, anh Quân vừa làm nhiệm vụ tại lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc và về đến nhà. “Tôi nhận được điện thoại từ Hà Tĩnh báo tin có người cần 2 đơn vị máu khẩn cấp. Nhận điện xong, quả thực tôi khá hoang mang, chưa biết mình phải làm thế nào và gia đình cũng lo lắng vì trời đã khuya, khoảng cách lại quá xa. Nếu đi, phải chạy xe máy xuống QL1A nằm cách nhà đến 20 km rồi đón xe khách”, anh nhớ lại. Khi nhận sự động viên của người thân, anh như được tiếp thêm sức mạnh và quyết định băng ra Hà Tĩnh trong đêm, nơi có nạn nhân đang chờ...
Lúc đó, Quân cũng kịp liên hệ với một thành viên khác của CLB, anh Nguyễn Quý Hùng (38 tuổi, giáo viên Trường THCS xã Cao Quảng ở H.Tuyên Hóa). Nhà anh Hùng còn xa xôi cách trở hơn, bởi Cao Quảng là xã miền núi nằm tách biệt bên kia sông và cách xa QL1A đến mấy chục cây số. Đường đêm vắng ngắt, xuyên qua bao quãng rừng núi hẳn làm chồn chân bất cứ ai. Nhưng ý nghĩ phải cứu người đã thôi thúc anh.
Hai anh Hùng và Quân vượt hơn 200 km trong đêm để hiến máu tại Hà Tĩnh
Hai anh Hùng và Quân vượt hơn 200 km trong đêm để hiến máu tại Hà Tĩnh
Hai anh thống nhất đi cùng chuyến xe. "Đúng 22 giờ, tôi đón được xe ra bắc. Khoảng 1 tiếng sau, đến lượt anh Hùng lên xe. Gần 2 giờ sáng 4.3, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và tiến hành kiểm tra máu luôn", anh Quân kể. Rất may là máu của 2 người cho đã "hòa hợp" với máu bệnh nhân. Khoảng 90 phút sau, các y bác sĩ bắt đầu truyền máu cho bệnh nhân Hồ Thị Thi. Bà Thi đã 70 tuổi, ở xã Thạch Lâm, Thạch Hà (Hà Tĩnh), bị xuất huyết dạ dày. Khi thấy mọi việc hoàn tất, cả hai anh mới đón xe quay lại Quảng Bình. Vừa kịp cho ngày làm việc mới...
Đầu tháng 8 mới đây, 2 anh Hùng và Quân tiếp tục nghe lời “hiệu triệu từ trái tim” để đến Bệnh viện hữu nghị VN - Cuba Đồng Hới hiến máu cấp cứu cho một bệnh nhân. Khi tôi hỏi về cảm xúc sau đợt hiến máu mới này, Quân nói nhẹ tênh: “Cũng không có gì hết anh à, bệnh viện gọi thì em... chạy đi hiến máu thôi!”. Tính đến nay, anh Quân hiến máu tình nguyện được 11 năm với gần 20 lần cho máu; anh Hùng cũng đã 6 lần hiến.
“Sẵn sàng cho đi tất cả”
Thoạt đầu, hầu như các thành viên CLB đều phát hiện mình mang nhóm máu hiếm một cách tình cờ và họ đều rơi vào trạng thái hoang mang. Khi được sự tư vấn của bác sĩ, họ mới tĩnh tâm, vơi bớt lo lắng. Bởi đấy cũng là một nhóm máu như những nhóm máu khác, chỉ có điều rất ít người có...
Thoát khỏi nỗi lo cá nhân, chính những người có máu hiếm lại nghĩ xa hơn về phía cộng đồng. Biết sẽ có thêm rất nhiều tình huống cần kíp, từ năm 2015 nhóm bạn trẻ có máu hiếm đã quy tụ, lập nên CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình. Đến nay CLB "thu nhận" 45 thành viên, người lớn nhất đã 56 tuổi, nhỏ nhất mới có... 3 tuổi. Họ theo đuổi công việc cũng khác nhau, cư ngụ xa nhau. Có người làm cán bộ hành chính, có người giáo viên, nhân viên ngân hàng hoặc buôn bán tự do... Thành viên 3 tuổi thì “đặc cách” không phải hiến máu, nhưng vẫn được kết nạp vào CLB để tầm soát, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh và tạo lớp kế cận tương lai. Thành viên nhí này được CLB phát hiện trong quá trình điều trị và cần tiếp máu.
Các trường hợp cần máu hiếm thường ở dạng cấp cứu, đột xuất. Việc ra khỏi nhà trong đêm khuya để hiến máu là chuyện thường ngày nhưng không ai nề hà gì. “Tụi em vừa hiến máu cho một trẻ sơ sinh xong. Dạo này công việc nhiều, sức khỏe giảm nên em sụt cân dữ lắm, gia đình cũng ái ngại khi em đi hiến máu. Nhưng có chuyện, anh Quân lại động viên đi, thế là đi!”, H.H - một thành viên CLB, tâm sự.
Phan Thị Thanh Tâm, nhân viên Ngân hàng VietinBank chi nhánh Quảng Bình, phát hiện mình có máu hiếm từ lần hiến máu đầu tiên hồi năm 2012, lúc đó đang học đại học năm thứ nhất. Tối 13.8, Tâm nhận điện thoại từ Bệnh viện hữu nghị VN - Cuba Đồng Hới báo tin cần máu cấp cứu cho một trẻ sơ sinh. “Em nghe vậy tức tốc đến bệnh viện hiến 1 đơn vị máu. Một số thành viên khác cũng tham gia. Mỗi lần hiến như thế, em thấy ý nghĩa và thoải mái. Trước đây gia đình cũng hơi lo lắng, nhưng nay ba mẹ đã hiểu. Mấy anh trong CLB còn đi hiến xa xôi hơn... Các thành viên CLB như thể anh em, dù không cùng bố mẹ. Có đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân cần máu hiếm mới hiểu. Bởi số người hiến được quá ít ỏi”, Tâm thổ lộ.
“Khẩu hiệu của CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình là Mỗi giọt máu - Một tấm lòng. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có để cứu người. Con người là trên hết, nên dù rét mướt, mưa bão hay đêm khuya chúng tôi vẫn sẽ đi khi có ai cần giúp đỡ. Cho đi mà không mong nhận lại. Nhận tình cảm của gia đình, bạn bè, người thân là đã rất hạnh phúc rồi!”, anh Quân gửi gắm.
Những tấm lòng cao quý đó đã góp phần lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện. Chính vợ anh Quân, cô giáo Bùi Thị Thương ở Trường mầm non xã Phú Thủy, cũng đã 3 lần hiến máu. Nghĩa cử của họ không chỉ giúp làm vơi đi nỗi lo ngoài đời thực của những bệnh nhân, mà trên không gian mạng họ còn tạo ra những "cơn bão" bình luận, chia sẻ ấm áp...
Xin trích bài thơ của tác giả Nguyễn Xuân Ruộng (Vĩnh Phúc) viết gửi tặng 2 anh Hùng và Quân thay cho lời kết: “Cộng đồng, nhân ái, đời thường/Máu đào chia sẻ, tình thương dạt dào/Đậm đà trong nghĩa đồng bào/Tiếc gì “huyết hiếm”, quản nào đường xa/Vượt đêm... người bệnh tỉnh ra/Vui này, hơn cả lẵng hoa... cõi lòng”.
Theo thống kê khoa học, tỷ lệ nhóm máu A Rh- ở VN chỉ 0,03%, tức 10.000 người mới có 3 người mang nhóm máu này. Vì vậy, nhiều lúc cấp cứu bệnh nhân mang nhóm máu hiếm, các y bác sĩ tưởng như rơi vào bế tắc nếu không kịp thời có được lượng máu tình nguyện hiến.
CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện, mọi chi phí hoạt động, đi lại đều phải tự túc. Mỗi năm CLB gặp mặt 2 lần (1 lần tại Quảng Bình và 1 lần tại khu vực Huế) để học hỏi, giao lưu, tạo không khí đoàn kết, tương trợ và động viên nhau hiến máu giúp người. Trong Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017, CLB cũng hiến 5 đơn vị máu dự trữ phục vụ hội nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.