Ghi nhận mức nóng kỷ lục trong tháng 2
Từ ngày 9.2 đến nay, cứ đều đặn mỗi ngày, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ lại cập nhật 2 - 3 bản tin về nắng nóng diện rộng, có ngày nắng nóng gay gắt khi nhiệt độ đạt tới mức 38 độ C. Đây là mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận trong tháng 2.
Nắng nóng kéo dài và mức nhiệt phổ biến cao bất thường khiến nhiều người dù làm việc văn phòng cũng cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, hiệu quả làm việc không cao. Một số người nhạy cảm với nhiệt độ còn thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp, đau đầu. Chị Ngọc An, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), than thở từ sau tết đến nay, ngày nào đi làm về cũng thấy mệt mỏi. Chứng đau họng cũng kéo dài chưa hết dù đã đi khám bệnh và uống thuốc theo toa. Đến ngày 27.2 vừa rồi, dính phải cơn mưa trái mùa thì chị thật sự ngã bệnh, phải xin nghỉ phép một ngày vì quá mệt không đi làm được.
Trong các bản tin cảnh báo nắng nóng, luôn có khuyến cáo người dân chú ý bảo vệ sức khỏe, bên cạnh đó là đề phòng cháy nổ ở khu dân cư và cháy rừng. Đây là điều người dân cần thực sự lưu ý để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình vì theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài đến gần 50 ngày nữa và nhiệt độ ngày càng tăng.
Đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 2 ở miền Bắc hiếm gặp trong 15 năm qua
Th.S Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Năm nay Nam bộ nắng nóng sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng và cường độ cũng sẽ gay gắt hơn vào tháng 3 - 4 khi vào giai đoạn cao điểm. Nguyên nhân nắng nóng bất thường hiện nay, đầu tiên là do tác động của biến đổi khí hậu, làm cho bầu khí quyển ấm lên. Các khối không khí như áp thấp nóng của châu Á hay áp cao lạnh từ Bắc cực hoạt động bất thường hơn, kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Yếu tố thứ hai là hiện tượng El Nino hiện đang chi phối thời tiết khu vực. Các dự báo mới nhất cho thấy hiện tượng này đã qua giai đoạn cao điểm nhưng vẫn còn duy trì đến tháng 4, sau đó chuyển sang giai đoạn trung tính. Giai đoạn trung tính dự báo sẽ kéo dài từ cuối tháng 4 - 5, thậm chí sang trung tuần tháng 6. Sau đó có khả năng rất lớn chuyển sang La Nina.
Dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng ở Nam bộ trong suốt tháng 3 và kéo dài đến nửa đầu tháng 4; mức nhiệt cao nhất tuyệt đối có thể xấp xỉ giá trị lịch sử. Mùa khô năm 1997 - 1998 cũng xảy ra hiện tượng El Nino mạnh. Năm đó đỉnh của El Nino rơi vào cao điểm mùa hè với mức nhiệt lịch sử tại TP.HCM lên đến 39,6 độ C. Tại các địa phương như Đồng Phú, Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai), nhiệt độ lên đến 40 độ C thậm chí vượt 40 độ C. "Tôi lo rằng với sự tác động của biến đổi khí hậu cùng El Nino và với những gì đang xảy ra thì năm nay nắng nóng gay gắt, có giá trị cao tuyệt đối ở nhiều nơi phổ biến từ 38 độ C trở lên. Cá biệt một số nơi xấp xỉ 40 độ C và cao hơn (trong lều khí tượng). Nhiệt độ cảm nhận thực tế của người dân nhiều nơi phải cộng thêm từ 2 - 4 độ C. Nắng nóng đang ngày càng gay gắt trên khu vực Nam bộ", bà Lan lo lắng.
Cảnh báo xâm nhập mặn sâu, thời tiết cực đoan
Theo bà Lan, đối với miền Nam thì tháng 3 và 4 là hai tháng rất nóng và kéo dài. Thời gian nóng trong ngày cũng kéo dài nhiều giờ đồng hồ hơn, số ngày nóng trong tháng cũng dài hơn so với tháng 2 vừa qua. Đặc biệt là cường độ tia cực tím rất mạnh vô cùng nguy hiểm, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm không khí..., ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối tượng nhạy cảm và những người làm việc ngoài trời.
Trong tháng 3, có một thời điểm quan trọng cần chú ý là ngày xuân phân (21.3). Từ nay đến trước ngày xuân phân là nóng khô. Sau ngày xuân phân, chuyển động biểu kiến của mặt trời đi lên bắc bán cầu sẽ làm tăng độ ẩm ở Nam bộ. Như vậy, độ ẩm trong không khí tăng cộng với nắng nóng làm cho tình trạng oi bức càng mạnh gây nên cảm giác rất khó chịu. Khi độ ẩm tăng, hơi nước chuyển pha thành mây. Trong sự chuyển pha này, sinh ra thêm một lượng nhiệt thải vào bầu khí quyển mà thuật ngữ gọi là ẩn (tiềm) nhiệt. Đây chính là nguyên nhân làm cho chúng ta cảm thấy rất bức bối, khó chịu. Trong giai đoạn này, thường xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa giông, lốc xoáy, mưa đá, sét, thậm chí là vòi rồng.
Từ tháng 5 trở đi, khi El Nino bắt đầu chuyển sang trạng thái trung tính, Nam bộ cũng bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Năm nay, mùa mưa phổ biến từ giữa tháng 5; không quá muộn so với trung bình nhiều năm, nơi nào muộn cũng chỉ khoảng 7 - 10 ngày. Giai đoạn chuyển mùa và đầu mùa mưa thường có những cơn mưa rất lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan như vừa nêu trên, người dân cần đặc biệt chú ý phòng tránh.
Đối với Nam bộ, xâm nhập mặn cũng là vấn đề khá nghiêm trọng trong năm nay. Vì năm 2023, sông Mê Kông không có lũ, mực nước thấp cộng với khô hạn nên xâm nhập mặn sẽ gay gắt tuy không bằng những đợt El Nino gần đây. Đáng chú ý, cuối tuần sau sẽ vào đợt triều cường cuối tháng 1 đầu tháng 2 âm lịch. Cùng với đợt triều cường này còn có gió mùa đông bắc mạnh (gió chướng) đẩy nước mặn vào sâu trong các nhánh sông chính ở ĐBSCL. Hiện tại, ranh mặn 4‰ mới vào các nhánh sông chính khoảng 50 - 60 km, sắp tới có thể lên tới 60 - 70 km thậm chí hơn 80 km. Mưa trái mùa ít, hạn mặn kéo dài đến cuối tháng 5 độ mặn cao và ranh mặn cũng sâu hơn trung bình nhiều năm.
Xem nhanh 12h ngày 2.3: Dự báo thời tiết
Vì sao Miền Trung nắng nóng ít gay gắt hơn năm trước ?
Trong khi Nam bộ phơi mình dưới nắng nóng lịch sử thì miền Trung được dự báo dễ chịu hơn năm trước. Nguyên nhân vì cao điểm nắng nóng vùng này rơi vào giai đoạn từ tháng 6 - 8. Trong khi đó, El Nino theo dự báo sẽ chuyển sang trung tính từ tháng 5 và bước qua tháng 6 có khả năng là La Nina. Đây là nguyên nhân có thể tin rằng mùa nắng năm nay ở miền Trung ít gay gắt hơn năm trước.
Tháng 6 - 7 trở đi, do ảnh hưởng của La Nina nên có khả năng lượng mưa của miền Nam và Trung sẽ lớn hơn so với năm vừa rồi. Và nếu La Nina mạnh thì cuối mùa, mưa bão sẽ dồn dập. La Nina trung bình thì số cơn bão vào đất liền nước ta khoảng trên 6 cơn.
Trong khi đó, miền Bắc đang vào cuối đông. Đợt không khí lạnh có cường độ mạnh đang về có thể kéo dài đến ngày 3.3. Đợt này, không khí lạnh có kèm theo front lạnh. Front là mặt ngăn cách giữa 2 khối khí có 2 đặc trưng, tính cách khác nhau. Khi có front, thời tiết thay đổi nhiều hơn, có mưa, rét. Các đợt không khí lạnh về sau cường độ sẽ giảm và ngắn ngày hơn. Trong tháng 3 vẫn còn không khí lạnh tăng cường xuống nước ta, đáng chú ý nhất là đợt rét nàng Bân.
Bình luận (0)