Thời tiết đặc biệt dị thường

14/02/2025 06:16 GMT+7

Giai đoạn hiện tại, thông thường Nam bộ đang trong mùa nắng nóng nhưng năm nay, sau những ngày buổi sáng se lạnh thì mức độ dị thường của thời tiết có dấu hiệu gia tăng khi mưa to xuất hiện liên tục như đang mùa mưa. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.

Mưa lớn, lạnh muộn chưa từng thấy

Đêm 12.2, nhằm ngày rằm tháng giêng năm nay, người dân ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ không được hưởng niềm vui "vọng nguyệt - ngắm trăng" trong lễ hội Tết Nguyên tiêu vì từ chiều, trời đã có mây âm u và mưa rào nhẹ. Mây giông và mưa liên tục xuất hiện nhiều nơi và đến giữa đêm thì mưa mỗi lúc một lớn. Có nơi mưa kéo dài từ giữa đêm về sáng như Long Thành (Đồng Nai) hay Nhà Bè (TP.HCM).

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ), cũng bất ngờ khi số liệu quan trắc cho thấy một số trạm đo trên khu vực Nam bộ lượng mưa vượt 100 mm chỉ trong 24 giờ. "Theo trí nhớ của tôi, thì đây là lượng mưa cao nhất trong 20 năm qua trên khu vực Nam bộ, vào thời điểm tháng 2. Thậm chí nó còn là hiện tượng chưa từng có", ông Quyết chia sẻ với PV Thanh Niên sáng qua 13.2.

Thực tế từ dữ liệu của Đài Nam bộ, ông Quyết cho biết thêm: Theo dữ liệu từ năm 1985, thì trận mưa trái mùa đêm 12 rạng sáng 13.2 ở TP.HCM vừa qua là lịch sử trong 41 năm. Cụ thể tại trạm Tân Sơn Hòa (TP.HCM), trận mưa đêm 12.2 có tổng lượng 72,5 mm, là lượng mưa cao kỷ lục trong suốt 41 năm qua từng được ghi nhận trong tháng 2. Nếu xét theo lượng mưa bình quân tháng, đến thời điểm này dù mới là ngày 13.2 nhưng tổng lượng mưa đã đạt tới 120,7 mm, cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay, trong khi vẫn còn đến 15 ngày nữa mới hết tháng 2 và TP.HCM vẫn còn khả năng xuất hiện thêm nhiều trận mưa trái mùa.

Thời tiết đặc biệt dị thường- Ảnh 1.

Mưa trái mùa lớn bất thường ở TP.HCM và các tỉnh Nam bộ trong tháng 2

ẢNH: CHÍ NHÂN

Tại TP.HCM, các trạm đo tự động khác cũng ghi nhận lượng mưa cao kỷ lục như: Tam Thôn Hiệp 79,8 mm, Nhà Bè 124,4 mm. Còn tính chung cả miền Đông Nam bộ, cao nhất là Long Thành 126,6 mm. "Đây cũng là những giá trị lớn nhất từ trước tới nay trong tháng 2. Lượng mưa này thậm chí cũng ít khi xảy ra ở TP.HCM và các tỉnh Nam bộ ngay cả trong cao điểm mùa mưa", ông Quyết nhận xét. Dự báo mưa trái mùa vẫn còn xuất hiện trong vài ngày tới.

Mưa lớn diện rộng kéo dài khiến nhiều người dân TP.HCM cứ ngỡ như đang ở giữa mùa mưa. Tuy nhiên, mới chỉ 3 - 4 ngày trước đó, nhiều nơi ở Nam bộ như đang ở giữa mùa đông khi nhiệt độ vào sáng sớm xuống mức 20 - 21 độ C, trời se lạnh. Nhiều người phải mặc áo ấm ra đường vào sáng sớm và đến giữa trưa nhiệt độ cũng chỉ 31 - 32 độ C. Thậm chí một số nơi ở Nam bộ như Tà Lài (Đồng Nai) chỉ có 17,6 độ C, Long Khánh (Đồng Nai) cũng chỉ 18,4 độ C.

Người dân TP.HCM trở tay không kịp trước trận mưa trái mùa lớn chưa từng có

Bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, phân tích: Trong giai đoạn từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời kỳ mùa đông ở miền Bắc. Các đợt không khí lạnh liên tục tăng cường nhưng số lượng và cường độ mạnh yếu khác nhau tùy năm. Xét về mức nhiệt độ 19 - 22 độ C ở TP.HCM trong giai đoạn này là bình thường vì số liệu lịch sử cho thấy vào năm 1975, nhiệt độ xuống thấp tới 14 - 15 độ C và năm 1979 là 15 độ C, một số năm khác nhiệt độ cũng xuống mức 17 - 18 độ C. "Tuy nhiên sự bất thường ở chỗ, những mức nhiệt độ kỷ lục nêu trên thường xuất hiện vào giai đoạn giữa và cuối tháng 12; còn năm nay đang là giữa tháng 2 năm sau và nếu xét theo âm lịch cũng ở giữa tháng giêng. Nguyên nhân là đợt lạnh ngày 7.2 vừa qua gần như là đợt lạnh có cường độ mạnh nhất trong mùa đông năm nay. Điều này cho thấy mùa đông năm nay muộn và đỉnh lạnh cũng trễ hơn khá nhiều so với thông thường. Dự báo vẫn còn một số đợt lạnh khác trong tháng 2 và tháng 3, sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ của Nam bộ nhưng không mạnh bằng đợt lạnh vừa rồi", bà Lan phân tích và dự báo.

Nhiều tác động khó lường

Mọi sự biến đổi của thời tiết luôn tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân và môi trường. Tại TP.HCM, trận mưa trái mùa lớn bất thường khiến hầm chui Nguyễn Văn Linh mới đưa vào hoạt động hồi cuối năm 2024 bị ngập sâu khoảng 30 cm. Một số phương tiện giao thông qua khu vực này bị chết máy và phải nhờ cứu hộ. Ở một số nơi khác như khu vực ngã tư Bến Gỗ (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng bị ngập sâu gần 1 m.

Bên cạnh những thiệt hại trực tiếp về hạ tầng, sự dị thường của thời tiết cũng tác động trực tiếp đến sức khỏe của nhiều người. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, thời tiết lạnh kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm sống lâu ngoài môi trường, từ đó phát triển, lây lan bệnh. Không khí lạnh và ẩm thấp cũng khiến tế bào đường hô hấp dễ bị tổn thương, phản ứng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, khiến vi rút cúm dễ xâm nhập.

Sự biến đổi của khí hậu cũng đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và giá cả nông sản. Năm nay mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên với lượng phổ biến khá lớn. Thêm vào đó là trời lạnh kéo dài khiến nhiệt độ xuống thấp trong mùa khô ở Nam bộ và các tỉnh Tây nguyên. Những yếu tố này khiến vụ thu hoạch hồ tiêu đang bị trễ hơn so với thông thường. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, người được mệnh danh là "vua tiêu VN", cho biết: Vụ thu hoạch hồ tiêu đang bị trễ hơn khoảng 1 tháng so với thông thường do sự biến đổi của thời tiết. VN là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất thế giới, sự chậm trễ trong vụ thu hoạch của chúng ta khiến nguồn cung đang hạn chế càng thêm khan hiếm. Do vậy, giá tiêu từ sau tết đến nay liên tục tăng vọt và đang đứng ở mức khoảng 170.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Điều tương tự cũng xảy ra với cà phê trong vụ thu hoạch vừa mới kết thúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.